Phóng to |
Rất nhiều đại diện các nước tham dự cuộc bỏ phiếu ở trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp) ngày 31-10-2011 đã đứng lên vỗ tay chúc mừng. Họ đã vỗ tay khi đại diện của Nga, Trung Quốc nói “đồng ý” về tư cách thành viên của Palestine, không phản ứng gì khi Mỹ nói “không” và cười khi Israel nói “không”.
Mỹ phản ứng: cắt 60 triệu USD cho UNESCO
Sự kiện này được thế giới đông đảo chúc mừng và người dân Palestine chào đón như “một thời điểm lịch sử trả lại cho Palestine các quyền của mình”. Nó cũng chính thức đặt dấu mở đầu cho cuộc đối đầu giữa Mỹ và LHQ, đe dọa sự ổn định về tài chính, hỗ trợ hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế lớn do thực tế Mỹ sẽ hạn chế các nguồn đóng góp tài chính quan trọng cho các tổ chức của LHQ.
Hai đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào những năm 1990 có nội dung cấm chính quyền Washington đóng góp tài chính cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ chấp thuận Palestine là nhà nước thành viên đầy đủ của mình.
Với UNESCO, Mỹ là nước đóng góp tài chính lớn (22%). Ngày 31-10, Mỹ đã thông báo sẽ không đóng góp khoản tiền 60 triệu USD được dự kiến là vào tháng 11-2011. Mỹ cũng cảnh báo sẽ dừng các khoản hỗ trợ khác tới các tổ chức khác của LHQ nếu LHQ chấp nhận Palestine là thành viên đầy đủ của mình trong thời gian tới.
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova thừa nhận bà có “lo ngại đối với sự ổn định tài chính”, nhưng tuyên bố “tôi tin là tất cả các nước đều có trách nhiệm để đảm bảo UNESCO không phải hứng chịu điều này một mình”. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng tuyên bố: “Chúng ta sẽ phải tìm kiếm những giải pháp thực tế để duy trì các nguồn tài chính cho UNESCO”.
Với Palestine, kết quả bỏ phiếu của UNESCO, một trong những tổ chức lớn nhất của LHQ, là “một thắng lợi ngoại giao mang tính biểu tượng và có ý nghĩa trên con đường tìm được sự công nhận Palestine như một nhà nước thành viên của LHQ”.
“Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Palestine - ông Yasser Abed-Rabbo, một quan chức của Palestine, nhận định - Điều đó có nghĩa đa số thế giới ủng hộ quyền của người Palestine trở thành một nhà nước độc lập và là thành viên của cộng đồng thế giới”. Còn Tổng thống Mahmoud Abbas coi đây là một chiến thắng của công lý, sự công bằng và tự do. Ông khẳng định: “Chúng tôi tin toàn thế giới hôm nay đang đứng bên cạnh nhân dân Palestine, và đó cũng là bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine càng sớm càng tốt”.
Palestine cũng cho biết sẽ sớm ký kết Công ước về di sản thế giới và bằng cách này có thể đề nghị UNESCO công nhận nhiều di sản thế giới hiện nằm trong vùng bị Israel chiếm đóng.
Nhà Trắng, qua tuyên bố của người phát ngôn của Tổng thống Obama, cho rằng cuộc bỏ phiếu của UNESCO là “vội vã và phá hoại” đối với những nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình ở Trung Đông. Đại sứ Israel Nimrod Barkan “đe dọa” các nước đã bỏ phiếu cho Palestine rồi đây sẽ thấy ảnh hưởng của họ đối với Israel bị “giảm sút”.
Hậu quả của sự đối đầu cho Mỹ
Theo Christian Science Monitor, các quan chức Mỹ cũng cảnh báo lợi ích và an ninh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Mỹ buộc phải hành động tương tự trong trường hợp các tổ chức khác của LHQ chấp thuận tổ chức các cuộc bỏ phiếu khác để kết nạp Palestine thành thành viên. Rất nhiều tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích Mỹ. Ví dụ Tổ chức Quyền sở hữu trí tuệ thế giới của LHQ là nơi giúp ngành công nghệ cao, giải trí và nhiều ngành khác của Mỹ. Theo quy định, tổ chức này sẽ tước quyền biểu quyết của thành viên nào không đóng góp tài chính.
Do đó các quan chức Mỹ lo ngại nếu Palestine trở thành thành viên của tổ chức này sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tổ chức này”. Ngoài ra, các tổ chức khác có thể bị ảnh hưởng như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, nơi giúp chính phủ phương Tây theo dõi chương trình hạt nhân của Iran, hay Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi nhìn thấy những thiệt hại tiềm năng đáng kể nếu động thái bỏ phiếu trở thành thành viên này được nhân rộng ở các cơ quan khác của LHQ”. AFP cho biết Palestine trước đó đã thể hiện mong muốn trở thành thành viên của tổ chức khác như Tổ chức Thương mại quốc tế và Tòa án tội phạm quốc tế.
Các quan chức chính quyền Mỹ muốn Quốc hội Mỹ tránh va chạm với các thành viên của LHQ, nhấn mạnh sự hỗ trợ cho sứ mệnh của UNESCO và các cơ quan khác của LHQ. Tuy nhiên, danh sách thành viên Quốc hội Mỹ ủng hộ Israel ở hai đảng còn rất dài, do đó khó có khả năng Mỹ sẽ sửa luật.
Mỹ đã từng tẩy chay UNESCO từ năm 1984-2003 do cáo buộc tổ chức này có tư tưởng chống Mỹ và phương Tây. Tổng thống George W. Bush đã đưa Mỹ gia nhập lại UNESCO với hi vọng sẽ sử dụng cơ quan này để quảng bá những giá trị của phương Tây. Mỹ sẽ vẫn duy trì tư cách thành viên tại UNESCO, và cảnh báo sẽ phủ quyết ở phiên bỏ phiếu tại LHQ xét tư cách thành viên đầy đủ của Palestine vào tháng 11-2011.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận