Phóng to |
Đại sứ Nguyễn Lương Bằng (đeo kính) và tác giả bài báo - ông Nguyễn Mạnh Cầm (sau này là ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao) - Ảnh tư liệu của tác giả |
Ký kết văn bản thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản năm 1973 tại Paris - Ảnh tư liệu |
Đoàn tàu kéo hồi còi vang vang báo hiệu khởi đầu hành trình Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa. Trên tàu có 12 cán bộ Việt Nam được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ sang Liên Xô nối nhịp cầu quan hệ, xây dựng đại sứ quán Việt Nam tại đất nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Bây giờ là cuối mùa đông năm 1952.
Hành trình mở đường
"Trong những năm đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, ta chưa có nhiều cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp. Thế hệ đại sứ đầu tiên phần lớn là các nhà hoạt động chính trị lâu năm, các tướng lĩnh quân đội. Nổi bật trong số đó chính là “đồng chí Sao Đỏ”, là “anh Cả” Nguyễn Lương Bằng" Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan |
Ngoài đại sứ Nguyễn Lương Bằng - đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô - và những cán bộ từ chiến khu Việt Bắc sang, cùng lên tàu còn có tôi và anh Tạ Hữu Canh (nguyên đại sứ Việt Nam tại CHDC Đức, nay đã mất) lúc bấy giờ đang học tập ở Bắc Kinh được chọn để nhập vào đoàn cán bộ trong nước.
Băng qua Mãn Châu Lý và xuyên rừng thẳm Siberia, đoàn tàu đưa các cán bộ ngoại giao của Việt Nam đến Mạc Tư Khoa vào lúc xuân sang, tuyết đang tan nên sân đại sứ quán rất lầy lội. Những anh em được bạn dẫn đến nhận nhà tỏ ra thất vọng vì trên đường đi ai cũng nghĩ giữa Mạc Tư Khoa tráng lệ, trụ sở đại sứ quán chắc phải là một ngôi nhà to, hoành tráng. Trái ngược với dự đoán đó, cái sân lầy lội lại nằm phía trước biệt thự nhỏ một tầng, đang xuống cấp.
Tưởng đâu đây chỉ là chỗ tá túc tạm thời. Nhưng hôm đại sứ Nguyễn Lương Bằng đến gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô để bàn về lễ trình quốc thư, sau khi trao đổi công việc xong, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô chủ động đề cập đến vấn đề trụ sở của đại sứ quán và gợi ý: “Ngôi nhà hiện nay do Cục phục vụ đoàn ngoại giao tìm, không thích hợp. Chúng tôi sẽ đổi cho các đồng chí nơi khác”. Không chần chừ, đại sứ Nguyễn Lương Bằng trả lời ngay: “Hiện nay Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngôi nhà như vậy là tốt rồi. Các đồng chí đừng băn khoăn”.
Sau đó, trong cuộc họp của đại sứ quán, đại sứ Nguyễn Lương Bằng kể lại cuộc gặp thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô và tâm sự với anh chị em cán bộ trong cơ quan: “Chúng ta đang kháng chiến, các đồng chí trong nước đang sống và làm việc trong điều kiện rất thiếu thốn. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cũng đều đang sống ở chiến khu, điều kiện ăn ở và làm việc còn cực khổ hơn nhiều. Chúng ta không có quyền hưởng thụ, không có quyền sống phong lưu. Chúng ta phải sống và làm việc cho xứng đáng với sự hi sinh của đồng bào và chiến sĩ trong nước”.
Nghe đại sứ nói như vậy, tất cả anh chị em trong đại sứ quán đều thông suốt, vui vẻ.
Thời kỳ đầu thành lập đại sứ quán ta chưa có nguồn ngoại tệ nào nên đại sứ Nguyễn Lương Bằng đã ký hiệp định vay Liên Xô một số tiền để chi tiêu cho đại sứ quán. “Anh Cả” nói với anh em: “Tiền chúng ta vay tương lai phải trả nên phải chi tiêu hết sức dè sẻn”. Lúc bấy giờ trong đại sứ quán mỗi người được cấp tùy theo cấp bậc hằng tháng từ 50-100 rúp cũ. Là ủy viên trung ương, đại sứ nhưng “anh Cả” cũng chỉ nhận 100 rúp. Thực hiện chế độ theo đúng nguyên tắc và mặc dù anh em ra sức thuyết phục, “anh Cả” nhất định không chịu nhận thêm.
Chính phủ trong chiến khu
Những năm đầu thập niên 1950, các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng và Chính phủ đều ở An toàn khu, nằm rải rác trong núi rừng Việt Bắc, vì vậy thông tin liên lạc giữa trong nước với cơ quan đại diện ngoài nước cực kỳ khó khăn, chậm chạp, đòi hỏi đại sứ quán (thời kỳ đầu ta chỉ có hai đại sứ quán ở Trung Quốc và Liên Xô) phải hết sức chủ động. Bắt Đài Tiếng nói Việt Nam rất khó, lúc được lúc mất. Trong khi đó đại sứ quán có nhiệm vụ giới thiệu với dư luận nước sở tại và các nước xung quanh về cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta để tranh thủ sự ủng hộ.
Trong điều kiện khó khăn đó, đại sứ Nguyễn Lương Bằng phân công một cán bộ chuyên nghe đài, kể cả đài các nước khác, để tập hợp thông tin, vừa kịp thời thông báo tình hình cho cán bộ đại sứ quán, vừa làm tư liệu thông báo với các cơ quan có trách nhiệm của bạn và của các nước xung quanh. Qua lý lịch, nhiều vị lãnh đạo của bạn biết đại sứ là một cán bộ cấp cao, lâu năm của Đảng và Nhà nước Việt Nam nên đối xử khác với các đại sứ nói chung. Mỗi khi đại sứ Nguyễn Lương Bằng xin gặp thì lãnh đạo bạn đều tiếp ngay, không theo tập quán lễ tân phải qua đăng ký và chờ đợi.
Cùng với việc thông báo trực tiếp tình hình Việt Nam đến lãnh đạo Liên Xô và các nước Đông Âu, đại sứ còn đề nghị bạn chỉ thị cho các cơ quan thông tin đại chúng viết bài giới thiệu cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đại sứ tranh thủ lãnh đạo Liên Xô giúp phương tiện để thực hiện việc tập kết và chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc trong thời gian hiệp định quy định.
Trong điều kiện đặc biệt lúc bấy giờ, công việc của đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô do “anh Cả” phụ trách với tư cách vừa là đại diện đặc mệnh toàn quyền của Nhà nước, vừa là đại diện của Trung ương Đảng ta bên cạnh Trung ương Đảng bạn. Hoạt động của đại sứ quán cũng như của đại sứ chủ yếu do Bác Hồ và các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trực tiếp chỉ đạo thông qua Văn phòng Trung ương Đảng. Bộ Ngoại giao lúc này rất ít người, chỉ hỗ trợ một số việc nhất định. Tuy nhiên, theo tập quán quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao ở ngoài nước đều thuộc quyền quản lý của Bộ Ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Lương Bằng biết điều đó, vì vậy trừ những việc xử lý theo chỉ đạo của Bác Hồ và các vị lãnh đạo chủ chốt khác, các báo cáo định kỳ về hoạt động chung của đại sứ quán ngoài việc gửi về Văn phòng Trung ương cũng đều cho gửi về Bộ Ngoại giao.
Những nguyên tắc hành chính theo tập quán quốc tế đã được xác lập ngay từ đầu không chỉ qua đường văn thư mà còn bằng hành động thực tế. Khi đại sứ Nguyễn Lương Bằng về nước dự Hội nghị Trung ương, tôi được về theo. Tổ chức xếp hai anh em ở nhà khách. Gọi là nhà khách cho oai, thật ra đó là một ngôi nhà tranh ở trong rừng, nằm bên cạnh Văn phòng Trung ương. “Anh Cả” yêu cầu tôi sắp xếp chương trình và chuẩn bị nội dung để báo cáo Bác Hồ và các vị lãnh đạo chủ chốt. Báo cáo xong, đại sứ quyết định sang Bộ Ngoại giao làm việc với Bộ trưởng Hoàng Minh Giám. Bộ Ngoại giao lúc này đóng cách Văn phòng Trung ương một ngày đường rừng. Khi làm việc với Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, đại sứ nói bộ trưởng và các cán bộ của bộ cùng dự họp nhận xét về công tác của đại sứ quán và góp ý những việc cần làm trong thời gian tới.
Một ấn tượng không thể phai mờ đối với anh em ở đại sứ quán là hình ảnh đại sứ điều hành những việc liên quan đến lễ tân rất thuần thục trong chuyến Bác Hồ thăm Liên Xô, thăm đại sứ quán (năm 1955) cũng như trong hoạt động thường ngày của cơ quan. Đặc biệt với các cuộc chiêu đãi do đại sứ quán tổ chức, bao giờ đại sứ cũng trực tiếp kiểm tra trước, từ sắp xếp bát đĩa cốc chén và nhất là sắp xếp chỗ ngồi xung quanh bàn tiệc cho phù hợp với cương vị của từng người.
Có lần tôi mạnh dạn hỏi sao đại sứ chưa làm ngoại giao bao giờ mà lại nắm vững biện pháp lễ tân như vậy, “anh Cả” vui vẻ: “Chính những năm tháng làm thuê ở khách sạn hay trên tàu biển bôn ba để hoạt động cách mạng và giờ đây do tham gia các lễ tiết và chiêu đãi của đoàn ngoại giao đã cho mình những kiến thức này”.
__________
Khi bước lên chuyến tàu đến Mạc Tư Khoa, ông Nguyễn Mạnh Cầm chưa biết rằng như là một định mệnh, 35 năm sau ông trở thành người kế tục “anh Cả” và là đại sứ Việt Nam cuối cùng ở Liên bang CHXHCN Xô Viết.Kỳ tới: Người gánh vác “hòn đá tảng”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận