22/12/2019 15:00 GMT+7

Đội cứu hộ "5 không"

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Đêm đông, khi mọi người đang say giấc, các thành viên đội cứu hộ S.O.S vẫn tiếp nhận những cuộc gọi khẩn cấp từ người đi đường, báo xe hư hỏng hay các vụ tai nạn giao thông cần giúp đỡ.

Đội cứu hộ 5 không - Ảnh 1.

Đội cứu hộ sẵn sàng chờ cuộc gọi khẩn - Ảnh: LÊ TRUNG

Lúc trước tụi mình hay đi làm về khuya, thường thấy có xe bị hỏng hay hết xăng là giúp họ liền. Nhiều lần như vậy, mấy anh em nghĩ đến việc lập đội cứu hộ đêm để giúp mọi người.

Đội trưởng Nguyễn Văn Năm

Nhanh như cắt, những chàng trai tốt bụng liền phóng xe đi. Họ sẵn sàng bỏ tiền túi để đổ xăng, mua săm lốp, lấy cả chiếc xe tải của gia đình làm phương tiện cứu hộ.

Chung chí hướng

"Alô, đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình phải không? Xe tui bị hư, không nổ máy được. Tui đang ở chỗ đường ven biển vắng nhà, không có tiệm sửa xe" - giọng người đàn ông gọi đến số điện thoại của anh Nguyễn Văn Năm, đội trưởng đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình, lúc 22h. Ngoài trời mưa lất phất, ngay lập tức biệt đội S.O.S lao đến. Năm, chàng đội trưởng vốn là thợ sửa xe máy, chỉ trong chốc lát, chiếc xe đã nổ máy "ngon lành".

Đó chỉ là một trong nhiều vụ cứu hộ của đội suốt gần một năm qua. Bảy chàng trai quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam, người làm nghề sửa xe, lái xe, người công nhân, bảo vệ... tuổi đời chưa đến ba mươi. Họ lập fanpage, cung cấp số điện thoại "khẩn" để người cần giúp đỡ liên lạc. Hằng tháng, mỗi thành viên tự góp quỹ 100.000 đồng mua săm, lốp, miếng vá, dụng cụ sửa xe, vật dụng y tế sơ cứu...

"Xe của ai thì tự đổ đầy xăng, ăn khuya, uống cà phê trong những chuyến tuần đêm thì mỗi người góp một ít, thế mà vui" - Nguyễn Phước Vui (23 tuổi, thành viên của đội) tâm sự. Chiếc xe tải chở hàng của Vui làm phương tiện kiếm cơm ban ngày. Ban đêm, bạn lại sử dụng để cứu hộ trong các tình huống.

Đội cứu hộ 5 không - Ảnh 3.

Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình sửa xe cho người dân trong đêm - Ảnh: LÊ TRUNG

Giúp người trên những cung đường

Cứ 18h mỗi ngày, cả nhóm tập trung tại một quán cà phê trên quốc lộ 1, gần ngã tư thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Đúng 19h, toàn đội lái xe đi tuần đêm. Hễ gặp người có xe bị thủng lốp thì vá giúp; xe bị hỏng nặng sẽ đưa người lẫn xe về nhà bằng xe tải; xe hết xăng, thành viên của đội sẽ mua xăng giúp. Với những vụ tai nạn giao thông, nếu xe cấp cứu chưa đến kịp, họ tất tả chở người bị nạn vào bệnh viện nhanh chóng.

Nguyễn Ái Phi - thành viên của đội - tâm sự có một vụ làm anh em nhớ mãi. Khoảng 21h một tối nọ, có người đàn ông chạy xe máy tông vào dải phân cách, xe bị hư hỏng nặng nên gọi cho đội cứu hộ. "Anh em đem xe tải đến, chở xe và người về nhà giúp, nhưng mới đi được chừng 2km thì tiếp tục gặp một vụ tai nạn hai xe máy tông nhau, hai người nằm bất tỉnh. Chúng tôi lại lao vào đưa người bị nạn đi cấp cứu. Đêm đó, mọi người về nhà mệt rã rời nhưng vui vì đã giúp người khác" - Phi tâm sự.

Lưu số điện thoại của đội cứu hộ trong một lần nhìn thấy nhóm giúp đỡ người khác, chị Nguyễn Thị Tâm - công nhân làm việc ở cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được - không nghĩ mình là người tiếp theo được giúp đỡ. Trong một lần làm tăng ca về khuya, bánh xe của chị bị thủng ruột. Khi chị gọi, các thành viên đến vá xe ngay. "Nếu không có sự hỗ trợ từ các bạn ấy, tôi phải dắt xe về nhà rất xa, có thể gặp nguy hiểm vì đường rất tối và vắng. Thật biết ơn các em" - chị Tâm chia sẻ.

Hết mình giúp đỡ người khác nhưng không ít lần nhóm cũng gặp chuyện cười ra nước mắt. "Có khi gặp vụ tai nạn giao thông, anh em xuống bảo vệ hiện trường, điện thoại cho người nhà nạn nhân đến. Người nhà vừa đến, chưa kịp hỏi gì nên cứ tưởng mình là người gây ra tai nạn, xông vào gây gổ, đòi đánh. Hay có trường hợp xe hư, người ta nhất quyết dắt bộ chứ không nhận sự giúp đỡ bởi đường khuya vắng, tưởng mấy anh em là cướp" - bạn Trần Ngọc Kim, thành viên, kể lại.

Không nhớ từng giúp bao nhiêu người, nhóm chỉ ước tính mỗi đêm khoảng 2-3 trường hợp. Bất kể trời tối hay mưa gió, hễ mọi người cần, đội cứu hộ có mặt ngay. Họ đều làm thuê, lương không đủ sống, phải bỏ thêm tiền túi, nhưng tấm lòng vì cộng đồng cứ thôi thúc họ tiếp tục những chuyến xe tuần mỗi đêm.

Anh Năm dí dỏm bảo: thành viên của nhóm làm việc theo tiêu chí "5 không": không lương, không bảo hiểm, không sợ khó, không chế độ và điều đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc. "Tụi mình ban ngày đi làm, tối thì miệt mài cứu hộ đến đêm khuya, sáng mới về nhà. Ba mẹ hay nói vui rằng có con mà như không, cả tháng trời chẳng thấy mặt. Ngày làm, tối đi cứu hộ, chưa ai trong nhóm có bạn gái, chắc ế quá" - Năm cười.

Lan tỏa lối sống đẹp

"Việc làm của đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình đã lan tỏa lối sống đẹp trong các bạn trẻ của địa phương. Trong điều kiện đêm khuya, họ đã bỏ thời gian, công sức để giúp người, điều này rất đáng trân trọng. Sắp tới chúng tôi sẽ có buổi gặp các chàng trai này để nghe những đề xuất và có hướng hỗ trợ cho công việc các em được tốt hơn" - ông Hoàng Châu Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nói.

'Biệt đội' cứu hộ SOS miễn phí trong đêm

TTO - Họ là sinh viên, công nhân, dân quân, nhân viên ngân hàng... sau giờ làm việc thay vì nghỉ ngơi lại rong ruổi ngoài đường tình nguyện cứu hộ, giúp người chẳng may hư xe hay gặp nạn giữa đường khuya hoàn toàn miễn phí.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp