Bà Thanh, tổ trưởng tổ dân phố, cùng người dân khu phố 1, phường 14, quận Bình Thạnh thực hiện việc phân loại rác từ năm 2014 - Ảnh: TRẦN BÌNH
Việc thay đổi cách phân loại trên được cho để phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà TP đang triển khai, giảm dần tỉ lệ chôn lấp.
Phân thành hai loại rác
Thông tin trên đã được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu ra tại hội nghị "Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM: hiện trạng và giải pháp" diễn ra mới đây.
Theo số liệu Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM thống kê, mỗi ngày đêm thành phố thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác dần thu hẹp và việc chôn lấp dẫn tới rất nhiều hệ lụy về môi trường (ô nhiễm không khí, nguồn nước...). Do đó, thành phố xác định phải giảm lượng rác thải chôn lấp.
Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025. Trước yêu cầu đó, nhiều đơn vị đang tiếp nhận xử lý rác thải cho thành phố đã dần chuyển đổi công nghệ xử lý.
Trong đó, công nghệ đốt rác phát điện được xem là tối ưu thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để lượng rác phù hợp cho công nghệ xử lý này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, phương thức phân loại rác được cho phải thay đổi phù hợp.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, sau khi các nhà máy đốt rác phát điện hoàn thành và đưa vào hoạt động, việc phân loại rác sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều do việc đốt rác thì hầu như không cần phân loại chi tiết.
Dựa vào đó, sở sẽ tham mưu cho thành phố điều chỉnh việc phân loại rác sinh hoạt theo hai loại chính là rác có thể tái chế được (kim loại, chai nhựa, lon thiếc...) và rác còn lại, thay vì ba loại như hiện nay.
Cũng theo ông Thắng, việc phân thành hai loại rác cũng dễ dàng hơn cho công tác thu gom, khi đó rác thải còn lại sẽ được thu gom hằng ngày để làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý. Riêng rác thải tái chế sẽ được thu gom bằng cách trả tiền cho người dân hoặc đổi rác lấy quà tặng. Cách thức thu gom rác tái chế trên giống mô hình đổi rác lấy quà mà Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM triển khai nhiều năm qua trên địa bàn Q.Tân Phú.
"Phương án mới này khả thi hơn so với phương án phân loại mà thành phố đang triển khai. Phía sở đã có báo cáo lên lãnh đạo thành phố và sắp tới thành phố sẽ có chủ trương điều chỉnh lại công tác phân loại để phù hợp với công nghệ xử lý" - ông Thắng nhận định.
Bước đầu sẽ gặp khó, nhưng thay đổi được
Mặc dù phân loại rác tại nguồn được triển khai từ lâu, cách thức phân loại cũng được nhiều địa phương tuyên truyền đến các tổ dân phố, người dân. Nhưng nhìn nhận chung công tác phân loại rác chưa đạt kết quả như mong muốn, thậm chí nhiều người còn cho rằng đã quen theo cách phân loại rác cũ, nên khi có sự thay đổi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu.
Tuy nhiên, theo cách phân loại rác mới thì rác chỉ chia theo hai loại, không rườm rà, phù hợp với thói quen người dân nên không quá khó để thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Hằng - người dân tại hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 - cho biết bà cùng gia đình đã thực hiện việc phân loại rác được gần 5 năm nay. Nhưng bà cũng thường phân loại rác thành 2 loại: rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ cho các hộ thu gom vào mỗi sáng.
Việc phân loại rác này đã trở thành thói quen của gia đình, nếu bây giờ đổi lại thành rác tái chế và rác thải còn lại cần có thời gian để thay đổi thói quen cũ.
Còn chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - người dân sống trên đường Phùng Văn Cung, quận Phú Nhuận - cho hay gia đình chị cũng chỉ phân loại rác thành 2 loại hữu cơ và vô cơ. "Nếu bây giờ chuyển đổi việc phân loại rác, gia đình tôi cũng chưa thể thích nghi ngay. Nhưng nếu được hướng dẫn cách phân loại mới, tôi nghĩ gia đình mình sẽ thay đổi được" - chị Tuyết nói.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Quang - chủ tịch UBND P.2, Q.Bình Thạnh - chia sẻ thêm năm 2018 phường vận động nhiều hộ dân trên địa bàn phường phân loại rác. Đến nay 100% các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường đã hoàn thành phân loại rác, 50% hộ dân đã và đang phân loại.
Nếu chuyển đổi cách phân loại rác thì phường sẽ lại bắt đầu công tác tuyên truyền vận động người dân. Để thay đổi thói quen cho người dân cần rất nhiều thời gian, phường phải hội họp lại với các tổ trưởng, tổ dân phố, làm lại băngrôn để tuyên truyền. Dù có khó khăn, nhưng phường sẽ thực hiện vì đây là chủ trương chung của thành phố.
Nhà máy đốt rác phát điện hoạt động như thế nào?
Theo ông Ngô Xuân Tiệc - tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công nghệ đốt rác phát điện mà đơn vị này sử dụng là lò đốt công nghệ Martin (Đức), đã được áp dụng tại 34 quốc gia. Công nghệ này phù hợp đặc thù rác thải của châu Á là không được phân loại và độ ẩm cao.
Theo đó, rác khi đưa về sẽ được ủ 5-7 ngày cho khô bớt nước, sau đó được gắp vào lò đốt để xử lý. Nhiệt sinh ra được truyền đến động cơ phát điện. Riêng phần khí thải được xử lý bằng than hoạt tính và một số hoạt chất khác để loại bỏ các chất độc hại, sau khi khí thải đạt tiêu chuẩn mới thải ra ngoài. Phần tro xỉ được thu lại để làm gạch không nung, nước rỉ rác được dẫn về khu xử lý tập trung để xử lý và cung cấp ngược lại cho các hoạt động khác của nhà máy.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Vietstar cho hay công nghệ đốt rác phát điện sẽ không phát sinh mùi hôi để người dân than phiền. Với công nghệ đang áp dụng, rác đưa về nhà máy sẽ được phân loại sơ bộ nhằm lựa rác hữu cơ làm phân (compost), nhựa để tái chế, rác còn lại được xử lý trước khi đưa vào lò đốt phát điện.
Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm: Biến rác thành điện và vai trò của người dân
Nhằm tìm giải pháp, góp phần cùng thành phố thực hiện chủ trương giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm lúc 9h ngày 17-12-2019 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Nội dung tọa đàm xoay quanh định hướng giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 50% trong năm 2020. Quy trình hoạt động của nhà máy đốt rác phát điện và phương thức phân loại rác như thế nào để phù hợp? Định hướng tuyên truyền cho người dân thực hiện việc phân loại rác của chính quyền địa phương?
Những vấn đề này sẽ được khách mời là đại diện của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, Viện Kinh tế tài nguyên - môi trường, UBND P.2 (Q.Phú Nhuận), Trường đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đại diện Công ty Môi trường đô thị, Công ty CP Tâm Sinh Nghĩa, người dân tham dự sự kiện đưa ra ý kiến thảo luận.
QUANG ĐỈNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận