17/07/2023 10:17 GMT+7

Đôi bạn hiệp lực đưa nghề cá Việt đi xa

Học cùng lớp đại học, ra trường mở công ty, đôi bạn Trần Thái Sơn và Nguyễn Văn Hòa chung khát khao cùng ngư dân đưa nghề cá Việt đi xa.

Nhân viên Công ty Hiệp lực phát triển Việt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kiêm điện thoại vệ tinh cho các tàu cá tại Vũng Tàu - Ảnh: NGỌC MINH

Nhân viên Công ty Hiệp lực phát triển Việt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kiêm điện thoại vệ tinh cho các tàu cá tại Vũng Tàu - Ảnh: NGỌC MINH

Gia đình vốn có truyền thống bám biển, Thái Sơn hiểu nỗi khổ cực của nghề này nên ngay từ những ngày còn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nung nấu quyết tâm phải giúp cha mẹ mình và bà con ngư dân đỡ vất vả hơn.

Đưa công nghệ vào tàu cá

Sơn nói khổ nhất với nghề cá là khi đi biển mà không đủ nước ngọt sinh hoạt, nên điều đầu tiên anh nghĩ là cần làm ra và đưa xuống tàu cá loại thiết bị biến nước biển thành nước ngọt. Nhưng thời điểm học đại học, Sơn tìm hiểu và thấy nghiên cứu trong nước chưa đủ.

Năm 2012, khi nhận học bổng học cao học tại Đức, Sơn tiếp tục đào sâu nghiên cứu về công nghệ này tại nước bạn. Anh vui lắm khi trường mình học đã từng có đề tài nghiên cứu về công nghệ này, xem như bước đầu thuận lợi cho việc tham khảo. Và chiếc máy lọc nghiên cứu thành công đầu tiên của Sơn có thể biến nước biển thành nước ngọt với công suất 50 lít/giờ.

Về nước công tác tại Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cô hiệu trưởng khi ấy là Nguyễn Thị Chim Lang đã gợi ý để Sơn đăng ký dự án sản xuất thử nghiệm máy lọc nước biển thành nước ngọt cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, tiến tới thành lập công ty để có thể sản xuất đại trà loại máy này cung cấp cho ngư dân.

"Từ gợi ý, hỗ trợ nhiều của cô hiệu trưởng, tôi rủ thêm bạn học Nguyễn Văn Hòa cùng mở Công ty Hiệp lực phát triển Việt vào năm 2014. Máy lọc nước biển thành nước ngọt là sản phẩm khởi nghiệp của hai chúng tôi khi ấy", anh Sơn nhớ lại.

Nhưng công suất 50 lít/giờ là quá ít, cả hai nghiên cứu thêm và cho ra chiếc máy 100 lít/giờ. Khi giới thiệu ra thị trường, bà con ngư dân không chỉ trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà gần như cả nước, cả các vùng đảo xa xôi, hào hứng đón nhận. Chỉ ba năm ra đời, công ty nhận được đặt hàng của hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ và 14 nhà giàn DK1.

Rồi nhiều đơn đặt hàng từ các đảo ở Trường Sa, các tàu dịch vụ và đánh bắt hải sản lớn hoạt động dài ngày trên biển, cả các địa phương bị hạn mặn ở miền Tây liên tục gửi về công ty. Tuy nhiên, những đơn hàng này cần công suất lớn gấp đôi, gấp ba, thậm chí cả chục hay cả trăm lần. 

Vậy là hai kỹ sư trẻ tiếp tục mày mò nghiên cứu. Và những chiếc máy công suất lớn không chỉ vài trăm lít mà giờ đã phát triển thành hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt có công suất lên đến 5.000 lít/giờ, hoàn toàn "made in Vietnam" đến tay khách hàng, có mặt trên những tàu cá đánh bắt xa bờ cả nước.

Đồng hành cùng ngư dân

Điều làm các ngư dân hài lòng nhất với sản phẩm này chính là những chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt công suất lớn càng về sau giá thành càng rẻ. Điển hình như ban đầu máy lọc công suất 120 - 150 lít/giờ có giá 120 triệu đồng thì hiện giá chỉ khoảng 50 triệu đồng.

"Trước đây đi biển, mỗi ngày một người chỉ có ca nước ngọt be bé để tắm nhưng nay có cái máy này quá sướng rồi, tha hồ tắm rửa, giặt giũ thoải mái", ông Nguyễn Văn Ngọc - ngư dân phường 2, TP Vũng Tàu - hồ hởi nói.

Ông Ngọc kể khi dịch COVID-19 ập tới, giá dầu tăng cao khiến chi phí đi biển đội lên, lợi nhuận đánh bắt sụt giảm, thậm chí bị lỗ, ông liền điện thoại cho Sơn: "Các chú xem có cách gì giúp giảm chi phí đầu vào cho tàu cá giúp tụi anh với". Bởi thông thường các tàu cá đánh bắt xa bờ trong mỗi chuyến đi phải trữ một lượng dầu, nhớt lớn khoảng 2-3 tháng, rất dễ bị đóng cặn.

Chưa kể môi trường nước biển cũng làm dầu, nhớt lẫn tạp chất nhiều, ảnh hưởng đến động cơ tàu, dẫn đến thiết bị hoạt động kém năng suất lại tốn nhiên liệu. Nhận "lời kêu cứu" của ngư dân, hai anh chàng 8X ấy lại vùi đầu vào nghiên cứu. 

Kết quả đã phát triển máy lọc dầu diesel, rồi máy lọc nhớt theo công nghệ mới nano cho động cơ tàu cá hoạt động tốt, giải nhiệt, giảm sự ma sát. Đặc biệt, nghiên cứu này không chỉ giúp tăng tuổi thọ cho động cơ mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ từ 10 - 15%, mang lại lợi ích kinh tế khá rõ cho ngư dân.

Ngoài ra, công ty của hai kỹ sư này đã phối hợp với một số đơn vị triển khai thành công thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá. Thiết bị này hỗ trợ theo dõi, giám sát hành trình tàu cá cùng việc ghi nhật ký điện tử trong quá trình khai thác, truy xuất nguồn gốc hải sản được minh bạch và chính xác hơn, tránh việc ghi hồi ký không đạt yêu cầu.

"Thiết bị ấy hiện còn có thể cập nhật thường xuyên thông tin thời tiết, dự báo mưa bão cho ngư dân, mở ra khả năng ứng dụng giải pháp IoT trên biển, phục vụ quá trình nghiên cứu, thăm dò. Chúng tôi hy vọng từng bước sẽ cùng với chính phủ, chính quyền địa phương kiểm soát tốt phạm vi khai thác thủy sản, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam", anh Sơn chia sẻ.

Giải thưởng và bước đi mới

Dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu đánh bắt cá xa bờ của Trần Thái Sơn và Nguyễn Văn Hòa đã đoạt giải nhất cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ" 2019.

Ba năm sau, dự án thiết bị xử lý dầu diesel của bộ đôi này lại giành giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu". Và Công ty Hiệp lực phát triển Việt của hai anh đang hoàn tất hồ sơ để trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việt Nam cam kết phát triển nghề cá bền vữngViệt Nam cam kết phát triển nghề cá bền vững

TTO - Ngày 28-11 tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 19, với sự có mặt của 550 đại biểu đến từ nhiều nước trong khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp