Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch nước, phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương, phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa, chiều 2-10 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Chiều 2-10, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X (giai đoạn 2020-2025) diễn ra tại TP Thanh Hóa. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch nước, phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương - dự và phát biểu tại đại hội.
Tại đại hội, 380 điển hình tiên tiến toàn tỉnh được nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Trong số này có hai em Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh ở xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn. Suốt 10 năm học vừa qua, em Hiếu đã cõng bạn Minh bị khuyết tật chân đến trường học chữ. Tình bạn trong sáng, cao đẹp của hai em khiến mọi người khâm phục, cảm động.
Trong 3 năm học tại Trường THPT Triệu Sơn 5, hai em Hiếu, Minh đều là tấm gương sáng vượt khó, học giỏi. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cả hai em đều đạt số điểm cao. Em Hiếu thi khối B đạt tổng số điểm tổ hợp ba môn để xét vào đại học là 28,15 điểm; còn em Minh đạt số điểm 28,10 khối A.
Đại hội còn tôn vinh cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) - người cách đây hơn một năm đạp xe lên UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân xin thoát khỏi hộ nghèo. Lòng tự trọng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của cụ là tấm gương sáng, góp phần cổ vũ, động viên người dân khó khăn phát huy tinh thần tự lực để tự thoát nghèo.
Các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Phát biểu tại đại hội, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2020.
Phó chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cần tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức; hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hòa ba lợi ích: lợi ích của người lao động, lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị, lợi ích của xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận