Phóng to |
Nhà văn Trang Thế Hy |
40 năm trước, tôi được đọc những truyện ngắn của Trang Thế Hy đăng trên tuần báo Nhân Loại bộ mới ở Sài Gòn năm 1956 - 1957. Lịch sử văn học VN hiện đại cho đến nay vẫn chưa trân trọng ghi công đúng mức tờ báo xuất sắc này.
Giữa Sài Gòn ngột ngạt của những năm đầu đất nước bị cắt chia, các cây bút yêu nước như: Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Tân Đức, Sơn Nam, Viễn Phương, Truy Phong, Lê Văn, Thái Bạch, Ngọc Linh, Kiêm Minh... đã tụ hội lại, tạo nên một diễn đàn văn nghệ có sức hút mạnh mẽ người đọc vùng đô thị miền Nam, buộc họ phải nghĩ tới - dù những người viết đã rất kín đáo - thực trạng của đất nước, hiểm họa của ngoại xâm, nguy cơ của cuộc sống bị Mỹ hóa và đạo đức truyền thống bị băng hoại. Trang Thế Hy là một trong những cây bút nòng cốt của tờ Nhân Loại đáng quí này.
Năm 1965 - 1966 tôi mới được đọc ông - chậm chín năm, và không được đầy đủ - tại thư viện Quân đội (Hà Nội). Chỉ có 20 số (trong tổng số hơn 100 số) Nhân Loại tại thư viện. Trang Thế Hy không dùng tên thật (Võ Trọng Cảnh). Dưới những bút danh khác nhau: Trang Thế Hy, Văn Phụng Mỹ, Phạm Võ..., ông liên tục xuất hiện trên hầu hết các số báo. Sức viết của ông thời kỳ này thật đáng nể.
Có lẽ vì đang lúc niên tráng lực cường, nhưng chủ yếu theo tôi, là vì sự thôi thúc không ngừng của tinh thần công dân - chiến sĩ chân chính. Đất nước đang lâm nạn, kẻ sĩ đâu có thể tọa thị điềm nhiên!
Lần lượt những Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng, Một thiếu nữ không đáng kể... đã làm chúng tôi xúc động. Tiếp nối Hồ Biểu Chánh, Phi Vân... Trang Thế Hy đã dựng lên những cảnh trí Nam bộ với đặc trưng khó lẫn. Những rặng tràm thưa, những cội vông đồng soi bóng đỏ ối trên gương nước, những xuồng con lắt lẻo trên đồng sâu, những biển cỏ mênh mông xào xạc, những con kinh mùa nắng nước phèn trong như lọc, “nhìn thì đẹp nhưng hớp vào chua quéo miệng...”.
Trong không gian nghệ thuật rất gợi ấy, cũng như các cây bút Nam bộ đàn anh kể trên, trong các trang văn của Trang Thế Hy ẩn hiện đi về những con người Nam bộ - đặc biệt là người nông dân, trẻ có già có, nước da đen đúa, quần áo lôi thôi, nói năng thô cộc nhưng trung thực, thẳng ngay, nghĩa khí: “Uy vũ bất năng khuất”.
Khác với Hồ Biểu Chánh, Phi Vân..., cảnh trí và con người Nam bộ trong tác phẩm Trang Thế Hy đang bị quay cuồng trong dông bão, ngày ngày rỉ máu do tội ác của thế lực ngoại xâm.
Không tiện trực diện đề cập đến sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ, nhà văn nhắc đến tội ác chiến tranh của đạo quân xâm lược Pháp trước 1954 và về thân phận bi đát của những người dân lương thiện trước dục vọng và bom đạn của kẻ thù (Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng...).
Cách viết kín đáo xa xôi, mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, thậm chí mượn chuyện hoang đường hư huyễn để gửi gắm những ý tưởng cháy bỏng của mình, giai đoạn sáng tác này của Trang Thế Hy cũng như Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Hạnh... đã sử dụng rất nhuyễn, và đã tác động sâu sắc đến tư tưởng người đọc thành thị miền Nam.
Thế nhưng khi có điều kiện ông cũng không ngần ngại đề cập đến mặt trái của xã hội Sài Gòn đang trượt dài trên dốc của lối sống vật chất chủ nghĩa: cô con gái nhà lành phải nuốt nhục, bán mình để nuôi em ăn học, nhưng rồi không chịu nổi nỗi ô nhục ghê gớm đó, cô gái đã tự tử (Một thiếu nữ không đáng kể).
Ngồi đọc dưới hầm trú ẩn của thư viện giữa lòng Hà Nội, trong lúc máy bay phản lực Mỹ đang quần đảo trên đầu và đủ loại đạn phòng không của quân dân thủ đô đang ầm vang giăng lưới lửa, tôi như nghẹn lại trước mấy dòng kết của truyện: “Nhiều năm đã trôi qua từ cái chết của em, tôi đã có thì giờ để suy nghĩ về cái chết đó, suy nghĩ về cuộc đời...”. Và tôi tin vào sự chân thành của ông khi đọc tiếp: “Người ta không thể đi đến cái đẹp bằng sự khóc lóc, tôi biết như vậy, nhưng em cho tôi được phép ứa nước mắt khi viết những dòng này...”.
Thế rồi, năm 1962 ông bị giặc bắt giam. Năm 1964, ông ra vùng giải phóng. Rồi 10 năm công tác tận tụy, hết mình ở Ban tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định và sau đó là tiểu ban văn nghệ giải phóng. Sau năm 1975 là một giai đoạn sáng tác mới, rất có chất lượng của Trang Thế Hy. Nhu cầu của cách mạng không còn quá thúc bách, ông có điều kiện viết kỹ hơn. Lượng tác phẩm ít dần đi, mỗi năm dăm ba truyện ngắn.
Chắc chắn không phải vì “lão lai tài tận”, mà tôi tin là do đã trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, cũng như Trần Kim Trắc - một cây bút Nam bộ khác - ông đã tự kiềm chế để chắt lọc từng dòng chữ, mang lại cho người đọc những trang văn tinh khiết, thẳm sâu, giàu sức ám ảnh. Xin hãy cùng nhau đọc lại các tập truyện và ký: Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993). Và tác phẩm mới nhất, có thể coi như một tuyển tập của ông: Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001).
So với những gì đã viết trong mấy năm cộng tác với Nhân Loại, trong giai đoạn sáng tác mới này Trang Thế Hy đã tự đổi mới rất nhiều trong sáng tác nghệ thuật. Vẫn nhất quán trong việc tìm cảm hứng từ những con người và những cảnh đời quen thuộc quanh mình nhưng giờ đây ông chú ý đến vấn đề nhiều hơn cốt truyện, quan tâm nhiều đến tâm trạng hơn là khắc họa tính cách. Không ít nhân vật tâm trạng của Trang Thế Hy đã có sức khơi gợi sâu sắc.
Có thể nhắc đến một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông: Nợ nước mắt. Trước cuộc sống mới đang chuyển động đến chóng mặt, những con người chân chính đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh như chị Ba Hường có nhu cầu hồi cố, bộc bạch tâm sự với đồng đội cũ (là chính tác giả) và trân trọng những hành động thấm đẫm nghĩa tình của những người bình thường nhưng cao đẹp đã hi sinh. Tác giả như muốn gửi vào tác phẩm lời nhắn nhủ thầm nhưng trang nghiêm, sâu sắc với người đọc và với chính mình về đạo lý sống ở đời, sao cho thủy chung, nghĩa tình.
Trong một số truyện ký khác: Chút hào quang từ mảnh vỡ, Tiếng khóc và tiếng hát, Một nghệ sĩ buồn thích đùa, Rác và hoa..., ông trăn trở với nhiều vấn đề muôn thuở nhưng luôn có giá trị thời sự của lĩnh vực nghệ thuật cao quí như nhân cách của người cầm bút, khát vọng chân chính của người nghệ sĩ... Truyện ngắn Tiếng khóc và tiếng hát có thể coi như tuyên ngôn nghệ thuật của ông.
Câu chuyện tưởng như vòng vo tam quốc giữa một nghệ sĩ sân khấu và một người phụ nữ nghèo bán quán trong một chiều mưa buồn về thân phận của những kiếp người khốn khổ đã dẫn đến một kết thúc bất ngờ. Từ những lời trò chuyện tâm sự của chị bán thuốc lá nghèo nhưng đôn hậu, hiền lương ấy, người nghệ sĩ đã thấm thía: “Tôi nghe đó là lời răn dạy rất nghiêm, có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn, nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn nhất của một số đông thầm lặng”.
Rõ ràng, kêu gọi hướng thiện là tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt các giai đoạn sáng tác của Trang Thế Hy. Tư tưởng đó đã được tác giả chuyển tải bằng giọng điệu bình dị, từ tốn, đôi khi pha chút hài hước kín đáo, thông minh, tạo nên cái duyên riêng, sức hấp dẫn riêng. Sức hấp dẫn ấy không mãnh liệt nhưng thấm sâu, bền chắc.
Cùng với Sơn Nam, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng..., Trang Thế Hy đã góp phần tích cực xây dựng, phát triển dòng chảy độc đáo của văn học Nam bộ. Dòng chảy này cùng với các dòng chảy của văn học các địa phương khác đã làm cho trường giang văn học của nước ta ngày càng bề thế, phong phú, đa dạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận