Cá về cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - Ảnh: TRẦN MAI
Chỉ còn 4 tháng, nếu giải quyết được các vấn đề, từ "thẻ vàng" sẽ được chuyển thành "thẻ xanh".
Nếu không, đó sẽ là tấm "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc hải sản khai thác từ tự nhiên của Việt Nam sẽ bị EU "cấm cửa" theo quy định về phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Ngư dân vẫn vi phạm
Cuối tháng 6-2019, một đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đến cảng cá Quy Nhơn để khảo sát thực tế và sau đó có buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Bình Định.
Tại đây, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết các tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn nhiều và đang tiếp tục diễn ra phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2019, số tàu của ngư dân tỉnh này vi phạm vùng đánh bắt đã vượt hơn một nửa so với cả năm ngoái và là tỉnh xếp thứ 4 trong số địa phương có nhiều tàu, thuyền đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
"So với cùng kỳ năm 2018, số tàu vi phạm lại tăng lên mấy chiếc. Đây là điều khiến chúng tôi rất bức xúc" - ông Hổ nói.
Ông cho biết thời gian qua tỉnh này đã nỗ lực mở 3 hội nghị tuyên truyền Luật thủy sản, chống khai thác IUU... cho hơn 2.500 lượt chủ tàu, thuyền trưởng.
Tuy vậy, dù ngư dân biết quy định nhưng "họ vẫn chủ động vi phạm vì mục đích kinh tế" và các cơ quan chức năng chưa quản lý, giám sát được tàu cá hoạt động ở giáp ranh với các nước trong khu vực.
Khác với Bình Định, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.644 tàu cá với tổng công suất hơn 1,8 triệu CV, trong đó có 1.655 chiếc đăng ký khai thác hải sản xa bờ với đội ngũ ngư dân khoảng 38.000 người.
Theo ông Nguyễn Tăng Bính - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này đã thực hiện đồng loạt các biện pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài và từ năm 2017 đến nay, "toàn tỉnh không có tàu nào xâm phạm vùng biển nước bạn để đánh bắt".
"Chỉ duy nhất tàu cá QNg 95979 của ngư dân Phạm Văn Hạnh (huyện Bình Sơn) hành nghề câu mực ở vùng chồng lấn với Brunei bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ vào tháng 6-2018. Tàu này không cố tình vi phạm" - ông Bính nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam - cho biết đội ngũ tàu đánh bắt xa bờ, vùng khơi của Quảng Nam là 780 chiếc và những năm gần đây chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm, đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
"Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường theo dõi, giám sát nhật ký hành trình của các tàu cá, triển khai đẩy mạnh giám sát tàu cá ra vào cảng cá.
Để theo dõi nhật ký khai thác của các tàu cá, tỉnh đã triển khai lắp thiết bị hành trình Movimar là hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh cho 52 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, được ngư dân thực hiện nghiêm túc" - bà Tâm cho biết.
Ngư dân đánh bắt thủy sản tại khu vực cảng Đề Gi (Bình Định) - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
"Biển đang khóc, cá đang khóc mà chúng ta không nghe"!
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều biện pháp mạnh tay xử lý các tàu cá vi phạm như thu hồi giấy phép đánh bắt và bằng lái của thuyền trưởng, không để tàu chưa gắn thiết bị giám sát hành trình xuất bến.
Các tàu cá có gắn định vị nhưng tắt, nếu không có lý do chính đáng cũng kiên quyết tạm đình chỉ.
Chính quyền tỉnh này cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến hải sản kiên quyết không thu mua đối với nguyên liệu thủy sản không được xác nhận nguồn gốc.
Sáng 18-7, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có bài phát biểu nhấn mạnh đến giải pháp tận gốc, căn cơ nhằm xóa "thẻ vàng" EU.
Đó là chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, giảm lượng tàu cá và tái tạo môi trường biển.
Theo ông Trình, nguyên do cơ bản là tàu cá quá nhiều, nguồn lợi thủy sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cho khoảng 1.000 đến 1.500 tàu đánh bắt nhưng hiện đã có 5.000 - 6.000 chiếc, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do tình trạng "con gì cũng bắt".
"Cá nhỏ, cá chửa bắt hết, giựt điện chết hết. Bắt hết ngoài biển sâu, bắt trong bờ. Biển đang khóc, cá đang khóc mà chúng ta không nghe.
Cứ giao chỉ tiêu mà không biết dưới biển có bao nhiêu cá" - ông Trình bức xúc và nhắc đến một nghịch lý: ngư dân cứ đóng ghe thoải mái trong khi biển đã cạn kiệt.
Nhưng vì sao ngư dân vẫn thoải mái ra vùng biển nước ngoài? Theo ông Trình, do công tác quản lý kiểm soát lẫn chuyển đổi không đồng bộ và không làm triệt để từ sông nhỏ ra đến ngoài khơi.
Do đó việc ngăn chặn và bắt ngư dân ra vùng biển nước ngoài đánh cá chỉ là "khúc đầu", mà cần có giải pháp lâu dài, giải pháp tận gốc.
"Phải chuyển đổi ngành nghề ngay và phải giảm số lượng tàu cá xuống. Tốn bao nhiêu tiền cũng làm" - ông Trình nói.
Theo ông Trình, trong đề án này phải tính đến chuyện mùa cá sinh sản để có trợ cấp cho ngư dân và bày tỏ ý định Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là "địa phương đầu tiên có đề án này của cả nước nhằm giải quyết tận gốc chuyện này".
Ông Huỳnh Sơn Thái, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Luật thủy sản đã được ngành chức năng phổ biến, tập huấn cho cán bộ, bà con ngư dân.
Cũng theo ông Thái, đến nay khoảng 60-70% của gần 300 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, phần còn lại sẽ giải quyết ngay trong tháng 7, nếu không "ngư dân sẽ không được xuất bến".
Các loại tàu cá nhỏ hơn, có chiều dài từ 15-24m, cũng được yêu cầu lắp các thiết bị giám sát.
"Đây là nồi cơm, là mưu sinh của chúng tôi nên không thể không tuân thủ" - anh Ngọc, một chủ tàu ở P.2 (TP Vũng Tàu), nói.
Ghe cá neo đậu dọc kênh Bến Đình, TP Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
Tại cuộc họp ở Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết qua kiểm tra thực tế, nguy cơ "thẻ đỏ" IUU "đã rành rành".
Chỉ còn 4 tháng để giải quyết các vấn đề về khai thác IUU, nên cần làm ngay một biên bản tổng thể về 28 tỉnh và kế hoạch hành động cụ thể chứ không thành lập đoàn từng tỉnh nữa.
Ông Tiến cho biết phó thủ tướng đã chỉ đạo kết luận về việc EC vào kiểm tra "tỉnh nào vi phạm thì chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm".
Ông Nguyễn Ngọc Oai - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết đầu tháng 11-2019, sau 2 năm triển khai khắc phục "thẻ vàng" IUU, EC sẽ kiểm tra dự kiến 4 tỉnh, trong đó chắc chắn có Bình Định.
Thời gian còn lại 4 tháng nữa và nếu như tình hình hiện nay ở Bình Định chắc chắn sẽ bị rút "thẻ đỏ".
Về triển khai luật, ông Oai nói rằng tỉnh Bình Định chưa xây dựng được kế hoạch để triển khai trách nhiệm địa phương.
"Bình Định còn tàu cá ra vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, chưa kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Các thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa xong, do đó chưa đáp ứng được quy định.
Để con tàu xuất bến cũng phải trả lời được 7-8 câu hỏi của EC ngày giờ xuất bến, hành trình, vị trí trên biển khai thác, sản lượng bao nhiêu, cơ sở nào chế biến, xuất khẩu..." - ông Oai nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận