Lãnh đạo TP.HCM bấm nút khởi động ra mắt Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp doanh nghiệp TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
Chia sẻ với hơn 400 DN VN tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo và DN năm 2017 ngày 7-3, lãnh đạo TP.HCM đưa ra hàng loạt cam kết, định hướng và nhiều yêu cầu với lãnh đạo các sở ngành để tăng cường hỗ trợ DN.
Lắng nghe để hỗ trợ hộ kinh doanh
Với mục tiêu có 500.000 DN vào năm 2020, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP.HCM - thông tin năm 2016 TP.HCM đã phát triển được 36.000 DN, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ này, năm 2017 dự kiến TP.HCM có khoảng 40.000 DN thành lập mới, trong khi mục tiêu cần tới 50.000.
Vậy còn 10.000 DN ở đâu? Ông Liêm chỉ rõ đã xác định là ở... 245.000 hộ cá thể.
Ông nêu mục tiêu trong hai năm 2016 và 2017 cần chuyển ít nhất 20.000-25.000 hộ kinh doanh cá thể lên DN.
Để thực hiện nỗ lực này, trong tháng 3-2017 ông Liêm cho biết TP.HCM sẽ có hội nghị gặp gỡ các sở, ngành TP, mời tất cả các quận, huyện triển khai kế hoạch cụ thể phát triển DN trên địa bàn.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM, khoảng 245.000 hộ kinh doanh cá thể hiện chỉ đóng góp 2% vào ngân sách TP tổng số hơn 300.000 tỉ đồng. Ông Tuyến cho rằng mức đóng góp này chưa phản ánh đúng hoạt động của các hộ kinh doanh.
“Qua kiểm tra sơ bộ, có 14.000 hộ có đủ điều kiện để lên DN, TP đang tích cực lắng nghe, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ cá thể lên DN trong tương lai” - ông Tuyến nói.
Ông Đặng Đức Thành, chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, chia sẻ trong 19 chỉ tiêu của TP, chỉ tiêu có 500.000 DN đến năm 2020 gây ấn tượng hơn cả. Dù rất ngưỡng mộ nhưng ông tỏ ra lo lắng làm thế nào để đạt mục tiêu này. Ông Thành đề nghị phải cho hộ kinh doanh thấy khi chuyển thành DN họ được lợi gì.
“Muốn vậy, cục thuế và các ngân hàng phải vào cuộc, thuyết phục bằng những chính sách có lợi” - ông Thành nói.
“Tư lệnh” phải dám hứa
Trước ý kiến của DN bất động sản khi phải xin báo cáo chi tiết về dân số của khu vực đầu tư quá lâu, có thể kéo dài hơn quy định là 60 ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM báo cáo.
Khi đại diện sở này trả lời chưa rõ, ông Thăng hỏi lại: “Cấp phép trong thời gian quy định có được không?”. Đại diện sở không dám hứa, ông Thăng phê bình và cho rằng lãnh đạo sở - như một tư lệnh - phải chịu trách nhiệm trước DN, không thể nói không biết, không dám hứa.
Ông Đinh La Thăng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2016 với 10 thành tựu nổi bật, lãnh đạo TP nhận thấy vẫn còn những điều DN, người dân chưa thấy thật sự hài lòng.
Ông Thăng chỉ đạo các sở ngành cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, xem đây là giải pháp đột phá.
Đặc thù của DN, doanh nhân TP.HCM là dám nghĩ, dám đổi mới, ông Thăng đưa ra thông điệp lãnh đạo TP khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo của DN để đón nhận cơ hội, thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão.
Đến đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2020 TP sẽ có bao nhiêu DN mạnh? Ông Phong đề nghị Phó chủ tịch Tuyến phải quan tâm đến những DN có điều kiện phát triển thành DN dẫn dắt.
Ông Phong nêu định hướng TP.HCM hướng đến xây dựng cộng đồng 500.000 DN trong nền tảng TP thông minh, để trong tương lai sẽ có những DN của TP.HCM nằm trong top 500 DN hàng đầu thế giới...
Sẽ có chính sách kích cầu... Vẫn còn những ý kiến băn khoăn nên về giải pháp, lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh sẽ có chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, kích cầu cho công nghiệp hỗ trợ. Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ hỗ trợ lớn khi cho biết “vừa rồi đã có DN được TP duyệt cho vay kích cầu 233 tỉ đồng”. Sắp tới, ông Tuyến tiết lộ ngay trong tuần này, TP sẽ ký ban hành kế hoạch kích cầu cho công nghiệp hỗ trợ. “Đây là chương trình hỗ trợ lớn ngoài 7 chương trình đột phá của TP. Nếu DN có nhu cầu có thể gửi văn bản trực tiếp cho UBND TP, đồng thời cho Sở Công thương... để nhận được hỗ trợ” - ông Tuyến nói. |
Các sở, ngành phải sáng tạo hơn Để hỗ trợ DN sáng tạo, ông Đinh La Thăng yêu cầu bản thân các sở, ban, ngành cần phải đổi mới hơn, sáng tạo, tận tụy hơn. Cơ chế một cửa, theo ông Thăng, là phải tìm ra đầu mối chịu trách nhiệm, chứ không đùn đẩy để hình thành cơ chế xin - cho. “Lãnh đạo TP đang kiên trì theo đuổi cơ chế chính sách đột phá cho TP, sẽ chủ động đưa chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN” - ông Thăng nói và kêu gọi cùng đoàn kết, khát vọng để đưa TP.HCM vững vàng ở vị trí số 1 khu vực. “Đó không phải là mục tiêu viển vông, mà là khát vọng có thật. Muốn vậy, ngay bây giờ phải hành động” - ông Thăng nhấn mạnh. |
Ra mắt Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp doanh nghiệp Với tinh thần hỗ trợ DN, sáng 7-3 lãnh đạo TP.HCM đã bấm nút khởi động ra mắt Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp DN TP.HCM ở địa chỉ http://hotro.hiephoidoanhnghiep.vn/, được điều hành bởi Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA). Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch HUBA, cho biết hiện nay TP đã có nhiều phương thức giao tiếp với DN, tuy nhiên tất cả chỉ đang dừng ở mức độ hỏi và đáp. Với cổng thông tin này, nếu DN gặp vướng mắc mà thấy sở, ngành chưa hỗ trợ hết sức, HUBA sẽ đồng hành, theo sát DN, đề nghị các cơ quan, sở, ngành giải quyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận