27/11/2019 15:59 GMT+7

Đọc sử phải thầm nhớ 4 chữ ‘bán tín bán nghi’

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTO - Đó là tâm niệm của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ với bạn đọc nhân đề cập đến việc sử dụng tư liệu của Trung Quốc trong bộ sách Minh Thực Lục (Hồ Bạch Thảo dịch, Phạm Hoàng Quân hiệu đính) vừa ra mắt bạn đọc cả nước.

Đọc sử phải thầm nhớ 4 chữ ‘bán tín bán nghi’ - Ảnh 1.

Bộ Minh Thực Lục do Hồ Bạch Thảo dịch, Phạm Hoàng Quân hiệu đính vừa ra mắt bạn đọc cả nước - Ảnh: L.ĐIỀN

* Đối với đa số bạn đọc Việt Nam hiện nay, khi nghe có một bộ sách sử của Trung Quốc được dịch là Minh Thực Lục, phần lớn có thể chưa hiểu được thể loại thực lục hoặc chưa hình dung nội dung thực lục của đời Minh. Là người hiệu đính bản dịch, theo ông có những điểm nào trong Minh Thực Lục có thể gọi là hấp dẫn đến mức nếu bạn đọc bỏ qua thì... tiếc lắm?

- Có một chuyện thú vị là bộ sử thời Minh nhiều người biết đến là Minh Sử chứ không phải Minh Thực Lục. Nhưng Minh Sử vốn được biên soạn bởi sử quan nhà Thanh, tức là triều đại sau viết về triều đại trước, và phần lớn tư liệu phải dựa vào Minh Thực Lục.

Tất nhiên Minh Sử cũng thêm bớt sửa đổi ít nhiều cho hợp quan điểm thời đại (đời Thanh - khi soạn bộ Minh Sử ấy), nên đọc Minh Thực Lục có thể nắm bắt những tình tiết khác biệt lý thú, những câu chuyện có tính "nguyên gốc" hơn bởi nó được ghi nhận ngay khi xảy ra.

Thực lục là loại tư liệu sử chi tiết, chép việc hằng ngày, đương nhiên là những vụ việc mà chính quyền trung ương cho là quan trọng đối với việc quản lý nhà nước, đối với sự an nguy của chế độ, xưa gọi là việc trị bình.

Một số độc giả Việt đã coi qua Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn thì có thể hình dung được nội dung của Minh Thực Lục.

Bộ sách đang nói không phải là toàn bộ ghi chép Thực lục nhà Minh mà chỉ trích dịch những điều có liên quan trực tiếp với Việt Nam và gián tiếp với vùng Đông Nam Á. 

Qua phần tuyển dịch này, độc giả có thể tiếp cận những tư liệu sử sát với thời điểm diễn ra sự kiện, và cũng gần như trọn vẹn đầu đuôi hoặc chi tiết về những vấn đề mà sử tổng quan không thể nói hết được.

Về nhiều sự kiện thời thuộc Minh mà Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận, tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng nhiều chỗ khác biệt, do góc độ tiếp cận sử kiện của mỗi bên, quan điểm của mỗi bên, nên có thể bổ túc trong nghiên cứu chuyên sâu.

* Minh Thực Lục có ghi nhận các sự kiện, tư liệu liên quan đến Việt Nam trong lịch sử đã đành, ngoài ra còn các sử liệu liên quan đến Triều Tiên, Nhật Bản... là những nước cùng có mối quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc. Như vậy liệu có thể tìm thấy ở Minh Thực Lục những tư liệu để nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngoài Trung Quốc không?

Đọc sử phải thầm nhớ 4 chữ ‘bán tín bán nghi’ - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân - Ảnh: L. ĐIỀN

- Bộ Minh Thực Lục lần này chưa dịch hết những tư liệu liên quan đến Nhật Bản và Triều Tiên, ngoài những sự kiện các sứ đoàn hai nước này cùng đến Trung Hoa trùng dịp với sứ đoàn Việt, vậy nên những ai muốn tìm hiểu về quan hệ Trung Hoa với Nhật Bản hoặc Triều Tiên thì phải chịu khó đọc từ bản gốc Minh Thực Lục.

Về phần quan hệ Trung Hoa với Đông Nam Á thì đã có công trình bằng Anh ngữ "Minh thực lục, một nguồn sử liệu Đông Nam Á" do giáo sư Geoff Wade phối hợp với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện. 

Xét kỹ ra, nội dung bộ sách tuyển dịch Việt ngữ này là một bộ phận của công trình lớn do NUS đã thực hiện bằng tiếng Anh, nhưng vì cùng khai thác từ một nguồn nên người đọc có thể rộng đường tham khảo, có thể sẽ cải chính những sai lạc đối với phần sử liệu liên quan Việt Nam trong bản tiếng Anh, và cũng có thể góp ý sửa đổi những điểm sai lạc của bản tiếng Việt.

* Và một điều rất cần đặt ra là độ khả tín của Minh Thực Lục? Qua quá trình đọc và hiệu đính hơn ngàn trang sách, ông nhận xét cách biên soạn bộ thực lục đời Minh này đáng tin cậy đến đâu? Từ đó ông dành cho bạn đọc nói chung và giới nghiên cứu sử những lưu ý gì khi tiếp cận và sử dụng các bộ thực lục của Trung Quốc?

- Minh thực lục cũng là một loại sử, mà nói tới sử thì thời nào chép hay thời nào soạn cũng không trung thực hoàn toàn, đọc sử phải thầm nhớ 4 chữ "bán tín bán nghi", sử học tiến bộ phần nào cũng là nhờ 4 chữ đó.

Trong Minh Thực Lục, như nói về những ghi chép khoảng nhà Minh đô hộ An Nam, việc tổ chức quản lý hành chính, việc điều động số lượng binh mã lo việc bình định thì có thể tin được; nhưng những đoạn chép về lý do rút quân, về tổn thất nhân mạng tiền của thì chắc hẳn là phải có sự uốn nắn cho đỡ thể diện thiên triều, đó là những chỗ phải xét lại.

Nói cho công bằng thì độc giả người Việt đọc Minh Thực Lục hay Thanh Thực Lục thì vị thế cũng như người Trung Quốc đọc Đại Nam Thực Lục, về tinh thần thì đều là tìm hiểu lịch sử lân bang theo cách ghi chép của chủ thể. Bộ sử liệu này được ghi chép bởi các sử quan dưới chế độ quân chủ Trung Hoa, cũng là một triều đại có nhiều thành tựu trong lịch sử cai trị, vai trò của thiên tử và vị thế của vương triều được khuếch đại quá mức cũng là điều bình thường.

Nhu cầu sử liệu trong nghiên cứu thường không giới hạn; việc chọn lựa, phân tích để sử dụng chúng như thế nào là nằm ở góc nhìn, ở sự tinh tường của mỗi người vậy.

Những lưu ý khi khai thác sử liệu Việt Nam - Trung Quốc Những lưu ý khi khai thác sử liệu Việt Nam - Trung Quốc

TTO - Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa có cuộc nói chuyện vào sáng 7-12 tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc về đề tài 'Sử liệu Việt Nam và Trung Quốc: khả năng khai thác và những vấn đề cần lưu ý'.

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp