28/08/2019 13:28 GMT+7

Đọc sách tại trường, cần lắm!

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - Nếu được đọc tốt, học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn, học tốt hơn và có nhiều đức tính tốt hơn... Nhiều ý kiến chia sẻ tại tọa đàm 'Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?'.

Đọc sách tại trường, cần lắm! - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (thứ hai từ phải sang) cùng hai học trò và phụ huynh đến dự tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 27-8, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT, Thành đoàn TP.HCM tổ chức tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?". Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, nhà xuất bản, giáo viên và học sinh trên địa bàn thành phố.

Chuyện Vân Anh thay đổi

Tham dự tọa đàm, bạn Lê Nguyễn Vân Anh (lớp 5 Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, Q.10, TP.HCM) mang đến câu chuyện bạn đã "thay đổi bản thân từ sách". Vân Anh nói mình có đủ mọi điều mong muốn nên khi thầy cô hay người thân góp ý những khuyết điểm thì em xụ mặt không vui, nghĩ là mọi người không thương, không hiểu em.

Một hôm, cô chủ nhiệm đưa cho Vân Anh quyển sách Hạt giống tâm hồn - Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống. "Những câu chuyện trong quyển sách này sẽ giúp con khám phá ra nhiều điều hay" - cô giáo gợi mở.

Về nhà, Vân Anh đọc câu chuyện Chắp cánh ước mơ trong quyển sách và "em nhận ra mình quá sung sướng nhưng còn nhiều thiếu sót. Câu chuyện làm thay đổi em là về một bạn học sinh bị khuyết tật cả chân và tay nhưng bạn vẫn cố gắng để đi học và tập viết bằng cách kẹp bút vào cằm.

Rồi qua những câu chuyện khác, em biết thêm có nhiều người không có đồ ăn, không chỗ ở, có người không có đủ chân tay để đi lại hoặc làm việc" - cô trò nhỏ xúc động, giọng trầm xuống.

"Từ đó em đã thay đổi chính bản thân của mình, bao dung hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời cha mẹ, thầy cô... Lý do mà mọi người nên đọc sách vì sách như một người thầy" - Vân Anh bộc bạch.

Tại tọa đàm, nhiều học sinh cũng kể câu chuyện thay đổi bản thân từ sách của mình.

...Cô Ngọc Hạnh và câu chuyện bất ngờ

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh - đến dự tọa đàm với hai cô học trò và cả... mẹ của hai trò này như để minh chứng cho câu chuyện của mình. Cô kể, năm học 2016-2017, cô là chủ nhiệm lớp 5/3 với 35 học sinh là 35 tính cách khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.

Trong các học sinh đó có hai chị em sinh đôi. Do sinh con rất khó khăn nên cha mẹ rất cưng chiều hai em từ nhỏ. Được cha mẹ cưng chiều nên các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi đều phải có sự có mặt của mẹ thì hai em mới thực hiện được.

Và hai em cũng không cảm nhận được tình yêu đó của mẹ dành cho mình mà lại xem như là bổn phận mẹ phải làm. Có lần cô Hạnh làm bánh tráng trộn cho các em ăn trong giờ chơi và nói nhờ đọc quyển 50 cách làm các món ăn chơi đơn giản trên kệ sách của lớp. Sau đó cô lấy quyển sách ấy mở ra cho hai em xem.

"Hết giờ chơi, hai em xin mượn quyển sách ấy về nhà cho mẹ xem vì thích các món ăn trong quyển sách ấy. Sáng hôm sau, mẹ của hai em vào khoe con mình thích quyển sách ấy lắm và đọc cho mẹ nghe. Hai em nói mẹ mua các vật liệu như trong sách hướng dẫn để chiều đi học về cùng làm các món bánh như trong sách" - cô Hạnh chia sẻ.

"Từ đó mối quan hệ giữa thầy - trò, giáo viên - phụ huynh càng gắn kết. Trong giờ học hai em tham gia thảo luận cùng bạn trong nhóm, tham gia các hoạt động của lớp, của trường tích cực hơn. Về phía gia đình, hai em biết phụ mẹ công việc nhà, biết yêu kính người lớn, ngoan hơn và biết nhận lỗi, sửa lỗi chứ không như lúc trước vùng vằng không vui khi được góp ý hay làm sai...".

Và những kiến nghị

Từ câu chuyện đó, cô Hạnh đúc kết: "Là một giáo viên, tôi nhận thức được các lợi ích mà thói quen đọc sách mang đến cho học sinh. Tôi kiến nghị với Sở GD-ĐT nên có tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa.

Trong khi chờ Sở GD-ĐT xem xét tiết học này, tôi mong trong năm học này sở cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp để giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm, giúp xã hội nhanh chóng có thật nhiều những mầm xanh tốt đẹp nhất".

Tương tự, thầy Lê Hữu Dũng - giáo viên Trường tiểu học Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - cho rằng nếu như được đọc tốt, học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn, học tốt hơn và có nhiều đức tính tốt hơn. Ngoài ra cũng nên đưa tiết đọc sách vào việc kiểm tra đánh giá. Nếu có kiểm tra đánh giá thì việc đọc sách sẽ tốt hơn, hiệu quả đạt được cao hơn...

Về việc đồng hành cùng các trường, cô Trần Thị Ánh Ngọc - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) - đề xuất cần sự đồng hành của các công ty sách, các nhà xuất bản trong việc cung ứng, giới thiệu đến học sinh những bộ sách hay, chất lượng, mang đậm tính giáo dục.

Các đơn vị trên sẽ cùng nhà trường tạo dựng môi trường học đường mà ở đó học sinh được vây xung quanh bằng những quyển sách mang tính định hướng tốt, giúp các em phát triển nhân cách từng ngày.

* Trích thư của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến tọa đàm:

Bắt đầu từ nhà trường

Tôi rất vui và đồng tình với cách đặt vấn đề của ban tổ chức khi đánh thức trong cộng đồng những giá trị và tầm quan trọng của sách, ý nghĩa và lợi ích của việc đọc sách. Và không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải hành động. Làm gì và bắt đầu từ đâu để tạo lập thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách. Làm sao để mọi người đọc sách một cách say mê như đã từng mê bóng đá. Và điểm bắt đầu chính là nhà trường và các em học sinh.

* Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Khuyến khích đọc từ những đề văn mở

Chúng tôi luôn quan niệm việc đọc sách phải có lợi ích ngay trong quá trình học của học sinh. Gần đây, đề thi các kỳ thi vào lớp 10 không nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa. Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích học sinh đọc sách và thể hiện tâm tư, tình cảm của mình qua đề văn rất mở. Từ một chủ đề nhưng qua quá trình đọc các em thể hiện với những hiện tượng xã hội đang diễn ra. Đó là tinh thần mà Sở GD-ĐT TP.HCM đổi mới, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

* Ông Lê Hoàng (phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam):

Những câu chuyện thực tế sinh động

Những câu chuyện thực tế, sinh động từ tọa đàm cho thấy sách thật sự có tác động mạnh mẽ, tích cực đến việc hình thành tri thức và nhân cách của trẻ. Từ đó, hầu hết ý kiến từ các tham luận cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường, để hình thành và duy trì thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Để học sinh và sách dễ dàng gặp nhau...

co ha28819 4(read-only)

Cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM) - chia sẻ cách cô dùng trà sữa “dụ” học sinh đọc sách - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chị Lê Dương Thị Thu Hương, một phụ huynh, nhận định nhờ đọc nhiều sách mà giờ đây kiến thức của các con chị được nâng cao hơn. Sách giúp các con rèn luyện khả năng tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ, viết đúng chính tả, ngữ pháp. Khi nói, con dùng từ lưu loát giúp người nghe dễ hiểu và có thiện cảm với các con hơn.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có may mắn đó. Lê Ngọc Phương Trinh (lớp 8A2 Trường THCS Nguyễn Hiền, TP.HCM) cho biết ngày nay, các thiết bị điện tử và mạng xã hội... đang chiếm hết sự chú ý của lứa tuổi các em. "Chưa kể chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng. Sáng 6h đã dậy đi học đến 16h-17h, sau đó còn phải học thêm đến 20h-21h mới về nhà, rồi làm bài ở trên trường đến tận 22h-23h. Lúc này, không chỉ trẻ con mà chính người lớn cũng muốn nghỉ ngơi vì năng lượng đã cạn kiệt" - Phương Trinh chia sẻ.

Trong khi đó, TS Quách Thu Nguyệt - phó giám đốc Đường sách TP.HCM - cho rằng cần chiến lược phát triển lâu dài sách thiếu nhi. Cụ thể, hiện cả nước có 19,3 triệu học sinh mẫu giáo, cấp I, II (năm học 2018-2019). Nhu cầu và thị phần sách đọc cho học sinh ba cấp học này rất lớn trong khi năng lực của ngành xuất bản - in - phát hành chưa đáp ứng tốt cả về lượng lẫn về chất.

Do đó, cần có một chiến lược đầu tư phát triển của ngành dành cho thiếu nhi ở các dạng thức: sách ngoài sách giáo khoa, sách giấy, sách điện tử, sách nói, sách tương tác... "Cần có chính sách ưu đãi, tài trợ, động viên, khích lệ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh sách có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thế hệ măng non" - bà Nguyệt nêu ý kiến.

Khuyến đọc có khó không? Khuyến đọc có khó không?

TTO - Lo ngại về sự đọc ở mức cận số 0 tại nông thôn, cảnh báo về chất lượng đọc ở thành phố, mong mỏi chính sách hợp lý để xây dựng thói quen đọc sách là những vấn đề nêu ra tại hội thảo Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp