24/02/2015 09:00 GMT+7

​Đọc quy hoạch để chọn ngành học

TS LÊ THỊ THANH MAI
TS LÊ THỊ THANH MAI

TT - Lựa chọn cho mình ngành học nào để khi ra trường dễ tìm kiếm việc làm?

Thực tế chọn ngành học trong khối ngành công nghiệp - xây dựng so với quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 - Ảnh: Như Hùng

Ðây là câu hỏi mà nhiều thí sinh đã đặt ra trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Bên cạnh nhiều yếu tố để một sinh viên ra trường dễ dàng kiếm việc làm, thì việc lựa chọn ngành học cho mình, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của xã hội - ngay thời điểm tốt nghiệp - cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 thì cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, trong đó công nghiệp - xây dựng 41,6-42,6%; dịch vụ 56,4-57,4%; nông - lâm - ngư nghiệp 0,94-0,95%.

Để thực hiện theo quy hoạch thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt.

Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30-5-2012 đã đặt ra vấn đề triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội.

Ðến nay, hầu hết các địa phương đều có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch cơ cấu kinh tế cũng như định hướng phát triển các ngành trọng điểm.

Thử điểm qua việc định hướng chọn ngành học sau THPT để tìm xem những thời cơ và thách thức đối với nguồn nhân lực trong tương lai.

Tình hình chung của cả nước

Khảo sát thực tế chọn ngành học ở bậc ÐH cho thấy xu hướng chuyển dịch sang các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất và tăng dần từ năm 2011 đến năm 2014.

Nếu như năm 2011 tỉ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 61,8% thì đến năm 2014 tăng thêm 2%, đạt 63,2%, con số này vượt hơn 7% so với quy hoạch.

Ðiều này dẫn đến thách thức của số sinh viên tốt nghiệp các ngành học thuộc ngành dịch vụ. Ðặc biệt khi Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Khác với các ngành dịch vụ thì tỉ lệ chọn các ngành công nghiệp - xây dựng của học sinh thấp hơn so với quy hoạch và có xu thế giảm ở năm 2014.

Cụ thể năm 2011 là 33,1%, năm 2014 là 31,5%. Nếu so sánh với tỉ trọng các ngành trong cơ cấu ngành công nghiệp theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 thì có sự lệch pha đối với ngành điện tử, công nghệ thông tin và ngành điện, trong khi đó các ngành còn lại đều chưa đáp ứng theo quy hoạch.

Ðối với các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sự định hướng của học sinh còn khác biệt nhiều so với quy hoạch, ở mức 5,1% năm 2011 và 5,3% năm 2014.

Như vậy, tổng thể chung trong cả nước, “cung” vượt “cầu” ở các ngành dịch vụ, ngành nông - lâm - ngư nghiệp; tình trạng ngược lại đối với các ngành công nghiệp - xây dựng.

Đối với vùng Đông Nam bộ

Vùng Ðông Nam bộ được xem là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây nguyên; là vùng đi đầu phát triển trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Ðông Nam bộ đến năm 2020 thì cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, trong đó tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 97-98% trong tổng GDP của vùng năm 2020, trong đó dịch vụ chiếm trên 44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Khảo sát thực tế chọn ngành học ở bậc ÐH cho thấy xu hướng chuyển dịch sang các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất và tăng dần từ năm 2011 đến năm 2014.

Nếu như năm 2011 tỉ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 64,4% thì đến năm 2014 tăng gần 3%, đạt 67,1%, con số này đã vượt hơn 20% so với quy hoạch.

Ðiều này dự báo những thách thức lớn về việc làm đối với số sinh viên tốt nghiệp các ngành học thuộc ngành dịch vụ nếu tham gia thị trường lao động ở vùng Ðông Nam bộ.

Khác với các ngành dịch vụ, thì cơ cấu chọn các ngành công nghiệp - xây dựng của học sinh lại có xu hướng giảm và thấp hơn so với quy hoạch.

Cụ thể năm 2011 là 33,4%, năm 2014 là 30,9%.

Ngoại trừ tỉnh Bình Phước, các tỉnh còn lại tỉ trọng học sinh chọn khối ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng thấp hơn bình quân 10% so với quy hoạch đến 2020.

Vùng Ðông Nam bộ mà hạt nhân là TP.HCM là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Ðông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

Tuy nhiên, xu hướng chọn các ngành công nghiệp - xây dựng giảm từ năm 2011 (33,1%) đến năm 2014 (26,3%) cũng dự báo nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khối ngành công nghiệp - xây dựng.

Như vậy, cũng giống tình hình của cả nước, ở vùng Ðông Nam bộ “cung” vượt “cầu” ở các ngành dịch vụ trong khi các ngành công nghiệp - xây dựng “cung” chưa gặp “cầu”.

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một trong những quan điểm phát triển của vùng là phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu; phát triển bền vững các khu vực đồng bằng và ven biển.

Theo đó, cơ cấu kinh tế đến năm 2020, phấn đấu tỉ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP của vùng là 30,5%; công nghiệp, xây dựng 35,6%; dịch vụ 33,9%.

Như vậy, không có sự chênh lệch cao giữa các ngành. Tuy nhiên, thực tế chọn ngành học ở bậc ÐH cho thấy xu hướng chuyển dịch sang các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất.

Nếu như năm 2011 tỉ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 57,7% thì đến năm 2014 là 56,7%, tuy giảm 1% nhưng vẫn còn vượt hơn 20% so với quy hoạch. Ðiều này tất yếu cũng dẫn đến thách thức đối với số sinh viên tốt nghiệp các ngành học thuộc ngành dịch vụ nếu tham gia thị trường lao động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tỉ trọng chọn ngành chỉ đạt ở mức 9-10%, còn chênh lệch xa so với quy hoạch cơ cấu kinh tế 30,5%, điều này tiềm ẩn không chỉ nguy cơ thiếu nguồn nhân lực mà còn tác động không tốt đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Giải pháp nào cho nguồn nhân lực

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI xác định “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba đột phá phát triển nhanh, bền vững đất nước đến năm 2020.

Sự lệch pha trong chọn ngành học sau THPT, lệch pha trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như lệch pha so với quy hoạch cơ cấu kinh tế đặt ra yêu cầu cho phát triển nguồn nhân lực, đó là phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó công tác quy hoạch và hướng nghiệp cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

Ðối với địa phương và các trường THPT: tăng cường công tác giới thiệu thông tin để định hướng học sinh chọn ngành học, chuẩn bị nguồn nhân lực tương thích với quy hoạch cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp, học sinh nên quan tâm nhiều đến các ngành như thủy điện, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất phân bón và chế biến thực phẩm; công nghiệp cơ khí, điện tử, điện dân dụng: cơ giới hóa nông, lâm nghiệp chuyên sản xuất và sửa chữa các loại máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến nông, lâm sản...

Trong từng lĩnh vực cũng có sự ưu tiên đối với các ngành mà địa phương có nhu cầu, ví dụ đối với TP.HCM.

Ðối với các trường ÐH, CÐ: rà soát quy mô, cơ cấu đào tạo theo vùng; tăng cường kết nối với địa phương nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Đặc biệt đối với các ngành công nghiệp-tỉ trọng các ngành trong cơ cấu ngành công nghiệp như sau: ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống 25-27%; ngành cơ khí - luyện kim 20-21%; ngành hóa chất 13-14%; ngành dệt - may 10-12%; ngành điện tử, công nghệ thông tin 9-10%; ngành sản xuất vật liệu xây dựng 5-6%; ngành điện 4-5%; ngành dầu khí 4-5%; ngành khai thác và chế biến khoáng sản 1-2%; ngành than 1-2% (theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030).

Ðối với các khối ngành kỹ thuật - công nghệ cần tăng cường công tác giới thiệu quảng bá thông tin, tìm kiếm ứng viên tiềm năng từ các trường THPT.

TS LÊ THỊ THANH MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp