Người dân Ukraine chờ tàu rời khỏi Kiev ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Ngày 25-2, giao tranh đã nổ ra giữa giữa binh sĩ Ukraine và Nga trên các đường phố ở thủ đô Kiev. Quân đội Nga đã phong tỏa ngả đường phía Tây vào Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát sân bay chiến lược Hostomel ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine và cho lính dù đổ bộ vào khu vực này. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã vô hiệu hóa 118 cơ sở hạ tầng quân sự tại Ukraine.
* Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 25-2 cho biết Nga sẵn sàng cử một phái đoàn gồm các quan chức Bộ Quốc phòng và Ngoại giao nước này tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine.
* Ngày 25-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết trong cuộc điện đàm này, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi Nga đàm phán với Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Nga giải thích các lý do buộc nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định Nga đã sẵn sàng tiến hành cuộc hội đàm "cấp cao" với Ukraine.
* Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 25-2 nói nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine nếu phía Kiev buông vũ khí. Nga cũng tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
* Ngày 25-2, Nga tuyên bố cấm các máy bay Anh bay tới Nga hoặc đi qua không phận nước này. Động thái này được xem là phản ứng đầu tiên nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, theo New York Times.
* Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga đang sử dụng sân bay Gomel ở Belarus để điều quân tấn công Kiev do sân bay quân sự Hostomel gần thủ đô bị hư hại, theo Aljazeera.
Cơ quan này cũng cho biết, lực lượng Nga hiện cũng đang tiến vào thành phố từ nhiều hướng khi các lực lượng Ukraine chiến đấu quanh thành phố Mariupol ở phía nam và Kharkiv ở phía đông bắc của Ukraine.
* Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 25-2 xác nhận Ukraine đã sẵn sàng đàm phán cùng Nga, với điều kiện Ukraine cần phải có được sự bảo đảm về an ninh, theo CCTV.
* Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi chiều 25-2 cho biết quân đội nước này đã thành công trong việc chặn đứng lực lượng Nga tiến vào Kiev từ khu vực Chernihiv, phía bắc thủ đô, theo CNN.
Tuy nhiên, dường như như lực lượng Nga vẫn đang củng cố các vị trí ở phía tây bắc của thủ đô Kiev sau khi chiếm căn cứ không quân tại Hostomel ngày 24-2, CNN cho hay.
Các hướng tấn công của Nga vào Ukraine. Hiện tại, quân đội Nga được cho là đã kiểm soát khu nhà máy hạt nhân Chernobyl, đổ bộ cảng biển Odesssa và đang tiến vào thủ đô Kiev - Ảnh: NYT
* Ngày 25-2, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga sẽ triển khai lính dù để giúp bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã đóng cửa gần thủ đô Kiev của Ukraine.
* Theo các quan chức Mỹ, lực lượng của Nga đã tiến vào Ukraine thông qua Belarus và chỉ còn cách thủ đô Kiev khoảng 20 dặm (32 km). Hãng tin AP dẫn nguồn thạo tin cho biết chiều 25-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng các lực lượng của Nga chỉ còn cách thủ đô Kiev khoảng 20 dặm (32km).
Các quan chức Mỹ cho biết, một đơn vị khác của Nga khác tiến vào Ukraine theo hướng từ Nga cũng đang hướng tới thủ đô Kiev với mục tiêu bao vây thành phố. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó nói rằng Kiev "rất có thể đang bị bao vây".
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nataliya Zhynkina - Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam - cho biết bà chưa nhận được thông tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine về việc lực lượng Nga cách thủ đô Kiev khoảng 30km.
* Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun, ngày 25-2 nói với The New York Times rằng: "Nga đã làm hết sức để duy trì chủ quyền của mình". Nga cũng là một quốc gia lớn trong số các cường quốc trên thế giới và đang cho thấy rằng nước này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng duy trì hòa bình thế giới".
* Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Nga nối lại các cuộc tấn công tên lửa lúc 4h sáng 25-2 (giờ địa phương), nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự. Ông Zelensky cũng cho biết quân đội Nga đã bị chặn đà tiến công trên hầu hết các hướng.
Theo Hãng tin RIA, tổng thống Ukraine cáo buộc phương Tây không áp đặt các biện pháp trừng phạt đủ cứng rắn.
* Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thông báo sẽ điều tra bất kỳ tội phạm chiến tranh nào ở Ukraine. Văn phòng công tố ICC cho biết đang theo dõi các diễn biến với "mối quan tâm ngày càng tăng".
Đồ họa: TT
* Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này đang hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm cung cấp “thiết bị quân sự không sát thương và vật tư y tế để hỗ trợ người dân Ukraine".
* Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 24-2 đã mở rộng vùng cấm bay ở phía Đông châu Âu trong bối cảnh xảy ra xung đột ở miền Đông Ukraine. Hiện khu vực mà các hãng hàng không và phi công Mỹ không được hoạt động sẽ bao gồm toàn bộ không phận Ukraine, Belarus và một phần không phận phía Tây của Nga.
* Hãng tin Interfax đưa tin đã có 2 tiếng nổ lớn ở thủ đô Kiev của Ukraine vào rạng sáng 25-2.
Theo các quan chức Ukraine, trước đó một ngày nhiều tiếng nổ lớn cũng đã vang lên. Một căn cứ quân sự ở Brovary, thị trấn gần thủ đô Kiev, đã bị tên lửa hành trình tấn công, ít nhất 6 người thiệt mạng.
Hãng tin Reuters dẫn lời cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Herashchenko cho biết các lực lượng Ukraine đã bắn rơi một máy bay, sau đó máy bay này đã lao xuống một tòa chung cư 9 tầng và bốc cháy. Hiện chưa rõ máy bay có người lái hay không.
Theo Bộ trưởng Herashchenko, một loạt tiếng nổ trước đó là âm thanh của lực lượng phòng không bắn vào máy bay, đồng thời cho biết các vụ tấn công Kiev bằng tên lửa hành trình và đạn đạo vừa được nối lại.
* Sáng 25-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine ban bố sắc lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng quân đội. Theo sắc lệnh có hiệu lực trong 90 ngày này, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực ở nước này sẽ được huy động. Tổng thống Zelensky yêu cầu Bộ Tổng tham mưu ước tính có bao nhiêu quân nhân được huy động và theo thứ tự nào.
Quân nhân Ukraine ngồi trên xe bọc thép di chuyển trên một con đường ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 24-2 tuyên bố chi 20 triệu USD từ Quỹ Cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho hoạt động cứu trợ Ukraine. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi Nga tránh vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Ông Guterres khẳng định LHQ sẽ hỗ trợ hết sức những người cần được giúp đỡ và nhấn mạnh việc bảo vệ người dân phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện nay.
* Nhà Trắng ngày 24-2 cho biết trước cuộc họp lãnh đạo G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia nước này, thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine. Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ có phản ứng một cách thống nhất và quyết đoán trước những động thái của Nga tại miền Đông Ukraine.
* Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay vận tải Antonov An-26 chở thiết bị quân sự đã rơi gần Ukraine vào ngày 24-2. Toàn bộ tổ bay đã thiệt mạng. Báo cáo ban đầu cho thấy không có thiệt hại dưới mặt đất và máy bay gặp sự cố kỹ thuật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, thảo luận về động thái của Nga ở miền Đông Ukraine, ngày 24-2 - Ảnh: AFP/TTXVN
* Ngày 25-2, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản sẽ trừng phạt Nga, nhắm vào các tổ chức tài chính và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng quân sự như chất bán dẫn. Nhật Bản cũng lên kế hoạch "đóng băng tài sản và ngừng cấp thị thực cho cá nhân và tổ chức Nga", cũng như đóng băng tài sản "các tổ chức tài chính của Nga".
* Úc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số công dân và nhà lập pháp tinh hoa của Nga, cùng với hơn 300 thành viên Quốc hội Nga vì đã bỏ phiếu đưa quân vào Ukraine.
Thủ tướng Scott Morrison cũng quan ngại về việc Trung Quốc "không phản ứng mạnh mẽ" với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chỉ trích việc Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế thương mại với Matxcơva vào lúc này là "không thể chấp nhận được".
* Cơ quan kinh tế Đài Loan nói hòn đảo sẽ "xem xét kỹ lưỡng" các mặt hàng xuất khẩu sang Nga và phối hợp với các đồng minh để có các biện pháp phản ứng thích hợp.
* Cộng hòa Czech, Latvia và Lithuania ngừng cấp thị thực cho công dân Nga. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala nói với báo giới: "Chúng tôi đang đình chỉ việc xử lý đơn xin thị thực của công dân Nga tại tất cả các cơ quan lãnh sự của chúng tôi, ngoại trừ các trường hợp nhân đạo".
* Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố các biện pháp trừng phạt mới lên 58 cá nhân và thực thể Nga vào ngày 24-2 để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Ottawa cũng đặt 3.400 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng triển khai tới châu Âu, cùng với máy bay và tàu chiến.
* Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ngày 24-2, đồng ý áp đặt "những hậu quả to lớn và nghiêm trọng" lên Nga để phản ứng với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, bằng cách nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế xứ sở bạch dương.
Các biện pháp trừng phạt này bao gồm lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, hàng hóa lưỡng dụng cũng như kiểm soát xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu, chính sách thị thực, bổ sung thêm các cá nhân Nga, và các tiêu chí niêm yết mới.
Một phụ nữ bồng con lên chuyến tàu chạy từ Kostiantynivka, Donetsk, miền đông Ukraine tới thủ đô Kiev ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến hôm 24-2 nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "lại đưa chiến tranh quay trở lại lục địa châu Âu". Họ cho rằng "ông Putin đã tự đặt mình vào mặt trái của lịch sử".
"Chúng tôi lên án Tổng thống Putin vì ông nhất quyết từ chối tham gia quá trình ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh châu Âu, bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại của chúng tôi.
Chúng tôi đoàn kết với các đối tác, bao gồm NATO, Liên minh châu Âu (EU), và các quốc gia thành viên của họ, cũng như Ukraine. Chúng tôi vẫn quyết tâm làm những gì cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" - các lãnh đạo G7 nêu trong tuyên bố chung.
* Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 24-2, sau khi Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine. Hai nhà lãnh đạo đã có "cuộc trao đổi quan điểm nghiêm túc và thẳng thắn" về vấn đề Ukraine.
Ông Putin đã đưa ra "lời giải thích cặn kẽ về lý do và hoàn cảnh đằng sau quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Còn Điện Elysée cho biết ông Macron đã yêu cầu chấm dứt hoạt động quân sự của Matxcơva ở Ukraine.
Radar và các thiết bị khác bị hư hại sau khi bị tấn công tại cơ sở quân sự Ukraine bên ngoài TP Mariupol, Ukraine ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Theo Hãng tin Tass của Nga, trong tuyên bố ngày 24-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga sẽ luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế. Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Nga thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga.
* Trong cuộc họp báo ngày 24-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các đơn vị quân đội Nga đã "thực hiện thành công tất cả nhiệm vụ" trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga nói đã vô hiệu hóa 83 mục tiêu dưới mặt đất tại Ukraine, trong đó có 11 sân bay quân sự, 3 sở chỉ huy, 1 căn cứ hải quân, 18 trạm radar của các tổ hợp phòng không S-300 và Buk-M1.
Trong khi đó, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn rơi ít nhất 6 máy bay và 1 trực thăng của Nga.
Khói và lửa bốc lên gần một tòa nhà quân sự sau khi bị tấn công ở Kiev, Ukraine ngày 24-2 - Ảnh: AP
* Phái đoàn Ukraine và Nga trao đổi căng thẳng tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sau khi Nga tuyên bố phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào ngày 24-2.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga tuyên chiến với đất nước của ông. Đáp lại, người đồng cấp Nga Vassily Nebenzia đổ lỗi cho Ukraine vì đã không chú ý tới lời khuyên của Nga về việc ngăn chặn "các hành động khiêu khích" ở khu vực Lugansk và Donetsk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Những người Ukraine sống ở Montenegro tụ tập phản đối hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Họ xuất hiện gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica, Montenegro vào ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS
* Nhiều hình ảnh được truyền thông quốc tế chia sẻ cho thấy người Ukraine và các công dân nước khác có mặt gần Đại sứ quán Nga ở Podgorica (Montenegro), trước Lãnh sự quán Nga ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Rome (Ý), xuống đường ở Barcelona (Tây Ban Nha), Berlin (Đức), The Hague (Hà Lan), London (Anh)... vào ngày 24-2.
Họ đưa ra nhiều khẩu hiệu, trong đó có nội dung kêu gọi các lực lượng Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở miền đông Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận