Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước khi bước vào màn chụp ảnh chung sau họp cấp ngoại trưởng NATO ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS
* Các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã quyết định họp khẩn dự kiến diễn ra vào 16h30 giờ GMT (tức 23h30 giờ Việt Nam) ngày 4-3. Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Anh sau vụ tòa nhà 5 tầng được dùng làm cơ sở đào tạo tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - một trong những nhà máy điện lớn nhất châu Âu - trúng đạn pháo và cháy.
* Ủy ban châu Âu ngày 4-3 thông báo Liên minh châu Âu (EU) đang thiết lập các trung tâm nhân đạo ở các nước thành viên phía Đông gồm Ba Lan, Romania và Slovaki, đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ y tế để gửi đến các trung tâm này nhằm hỗ trợ Ukraine. EU cũng đang hỗ trợ các nước thành viên tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Ukraine.
* Ngày 4-3, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đình chỉ các chương trình hợp tác và nghiên cứu với Nga và Belarus, viện dẫn sự liên quan của hai nước này với tình hình Ukraine hiện nay.
* Ngày 4-3, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định liên minh quân sự này không phải là một bên trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
“Các đồng minh NATO đã thực hiện những biện pháp trừng phạt chưa từng có, chúng tôi hỗ trợ Ukraine, nhưng NATO không phải là một phần của cuộc xung đột. NATO là một liên minh phòng thủ, chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh hoặc xung đột với Nga” - ông Stoltenberg nêu rõ tại cuộc họp báo ở Brussels.
* Điện Kremlin cho biết những gì diễn ra tiếp theo trong tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Kiev về các cuộc đối thoại song phương vừa diễn ra tuần qua. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hiện hai bên chưa nhất trí về một thỏa thuận, nhưng phía Nga đã nêu rõ lập trường về giải pháp chấm dứt xung đột với phía Ukraine.
* Theo Hãng tin Reuters, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết ông sẵn sàng đến Ukraine. Ông nói mình không làm trung gian nhưng muốn các bên thống nhất về một khuôn khổ hành động trong đó Ukraine và Nga đều cam kết không hi sinh các nguyên tắc về an toàn hạt nhân.
* Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm vụ tấn công ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine là do những kẻ phá hoại Ukraine, gọi đây là một hành động khiêu khích quái dị. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố Nga đã cố tình nhắm đến các cơ sở hạ tầng và các khu dân cư của Ukraine và chỉ có áp đặt vùng cấm bay mới có thể đảm bảo là Nga không ném bom cơ sở hạt nhân, hãng tin Reuters dẫn lời hai bên.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo ở Brussels trước khi bước vào cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS
* Theo báo Independent (Anh), ngày 4-3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) họp với Ukraine tại trụ sở chính của NATO ở Brussels, Bỉ để thảo luận về tình hình chiến sự tại Ukraine - hiện đã bước sang ngày thứ 9.
Ngoại trưởng Canada cho biết NATO sẽ thảo luận tất cả các kịch bản để chấm dứt chiến sự (ở Ukraine) nhưng muốn tránh leo thang thành một cuộc xung đột quốc tế.
Hôm 25-2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo liên minh này đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên NATO triển khai lực lượng này.
* Theo Hãng tin Reuters, ngày 4-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân ở Ukraine. Phát biểu trong họp báo hằng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang và đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân liên quan”.
* Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Anh dẫn thông tin tình báo nước này cho biết các công trình dân sự ở thành phố Mariupol đang bị pháo kích dữ dội. Quân đội Ukraine vẫn kiểm soát thành phố nhưng trong vòng vây của lực lượng Nga.
Mariupol là thành phố cảng nằm trong tỉnh Donetsk của Ukraine. Thành phố lớn thứ 10 của Ukraine đã bị cắt điện, nước vài ngày qua. Nằm giáp biển Azov, Mariupol là nơi đặt nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng của Ukraine.
Khoảnh khắc đạn pháo rơi xuống bên ngoài nhà máy Zaporizhzhia và đám cháy bùng phát bên góc phải - Ảnh REUTERS chụp từ camera an ninh
* Hãng tin Reuters dẫn nguồn quan chức địa phương viết trên mạng xã hội cho biết binh sĩ Nga sau khi bao vây đã tiến đánh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào sáng sớm 4-3, giờ địa phương. Quan chức địa phương cho biết lực lượng chuyên môn của nhà máy vẫn đang coi sóc các lò phản ứng.
Một tòa nhà 5 tầng trong khu nhà máy điện đã bị trúng đạn pháo trước đó. Như vậy sau khi được dập lửa, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này đã rơi vào tay binh sĩ Nga.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở phía đông nam Ukraine, ở vị trí giữa các thành phố Kherson (đã rơi vào tay quân đội Nga) và Marioupol (đang bị bao vây). Với 6 lò phản ứng hạt nhân WWER (tổng cộng 6.000 MW), Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu hiện nay, cung cấp 20% sản lượng điện của Ukraine.
* Trong thông báo được Reuters trích đăng lúc 13h (giờ Việt Nam), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết các thiết bị thiết yếu tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine không bị ảnh hưởng sau vụ hỏa hoạn. Không có sự thay đổi về mức độ phóng xạ tại khu vực và hiện các nhân viên nhà máy đang thực hiện các hành động giảm nhẹ/khắc phục hư hại, theo Reuters.
* Trong thông điệp ghi hình đăng trên Facebook ngày 4-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga cố tình bắn phá nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu “thức tỉnh lập tức” và ngăn chặn Nga trước khi mọi thứ trở thành “thảm họa hạt nhân”, theo Đài CNN.
* Lực lượng cứu hỏa Ukraine cho biết đã dập tắt đám cháy tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine vào khoảng 6h20 sáng, giờ địa phương. Tổng cộng 10 xe cứu hỏa cùng khoảng 40 người đã tham gia chữa cháy trên phần diện tích 2.000 m2.
Hiện chưa có báo cáo về thương vong trong vụ cháy này, Lực lượng cứu hỏa Ukraine thông tin trên tài khoản Facebook.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) viết trên Twitter rằng đã đưa Trung tâm Khẩn cấp và Sự cố vào chế độ làm việc 24/7 sau vụ hỏa hoạn ở nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine.
* Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, bà Jennifer Granholm viết trên Twitter rằng Bộ này đã kích hoạt Đội phản ứng nhanh với Sự cố hạt nhân và đang có những bàn bạc với Bộ Quốc phòng, Nhà Trắng và Ủy ban điều hành hạt nhân Mỹ (NRC). Bộ trưởng Granholm cũng cho biết chưa thấy dấu hiệu rò rỉ hạt nhân quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine bị bốc cháy sáng nay 4-3.
* Theo hãng thông tấn Tass của Nga, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn này ngày 3-3, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây sẽ được dỡ bỏ nếu Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine và giúp Kiev tái thiết, khôi phục hòa bình. Nga cũng phải thôi phủ nhận sự tồn tại của Ukraine, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền tồn tại của quốc gia này.
* Ngày 4-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo Vương quốc Anh sẽ yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “trong vài giờ tới” vì tình hình Ukraine. Nhà lãnh đạo Anh cáo buộc Nga “đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của châu Âu”, sau khi Ukraine cáo buộc Nga pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thuộc hàng lớn nhất khu vực, theo AFP.
* Theo trang 20 Minutes, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi phía Nga cho phép lực lượng cứu hỏa đến cứu Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Phía Ukraine cho rằng binh sĩ Nga đang ngăn chặn lực lượng cứu hỏa đến ứng cứu.
* Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động kinh doanh liên quan Nga và Belarus “vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng”. AIIB là tổ chức tài chính do Trung Quốc hậu thuẫn, thành lập năm 2016 như đối trọng với Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, theo hãng tin AFP.
* Ngày 3-3, Mỹ quyết định trao “Quy chế bảo vệ tạm thời” (TPS) cho hàng chục ngàn người Ukraine tại nước này vì cuộc xung đột ở quê nhà. TPS cho phép họ ở lại Mỹ và tìm kiếm việc làm mà không sợ bị trục xuất trong 18 tháng tính từ ngày 1-3. Có khoảng 75.000 người Ukraine tại Mỹ, gồm cả sinh viên và những người có thị thực ngắn hạn, người vào Mỹ không hợp pháp cũng có thể nộp đơn xin TPS, theo đài CBS News.
* Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ thiết lập đường dây nóng. TTXVN dẫn phát ngôn của một quan chức Lầu Năm Góc cho biết: "Ngày 1-3, Bộ Quốc phòng đã lập một đường dây nóng giảm xung đột với Bộ Quốc phòng Nga nhằm tránh những tính toán sai lầm, sự cố quân sự và leo thang căng thẳng".
* Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm về vụ nhà máy điện hạt nhân bị trúng không kích.
* Cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine thông báo chưa ghi nhận nồng độ phóng xạ thay đổi tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, theo Cơ quan năng lượng và nguyên tử quốc tế (IAEA). Chính quyền địa phương khẳng định tình hình tại khu vực hiện đã ổn định, lửa bùng phát bên ngoài chu vi an toàn của nhà máy, Hãng tin Reuters trích dẫn thông báo.
Theo một quan chức quân sự của khu vực, lực lượng cứu hỏa của Ukraine đã vào được khu vực bị cháy.
Một quan chức khác của Ukraine khẳng định điểm bị cháy là một tòa nhà hành chính nằm gần một lò phản ứng đã ngưng hoạt động. Tuy nhiên lò phản ứng này vẫn còn chứa các nguyên liệu hạt nhân, nên không loại trừ khả năng xảy ra rò rỉ. Dù vậy, khó có khả năng xảy ra phản ứng hạt nhân tại lò đã ngưng hoạt động để dẫn đến thảm họa.
* Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine bốc cháy vào đầu ngày 4-3. Thông tin này được ông Dmytro Orlov, thị trưởng của thị trấn Energodar nằm gần đó, cung cấp và được Hãng tin Reuters dẫn lại. Ông cáo buộc Nga đã pháo kích nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này và yêu cầu dừng tấn công nhà máy ngay lập tức.
Thị trưởng cũng khẳng định lực lượng cứu hỏa chưa thể tiếp cận dập cháy vì bom đạn vẫn rơi.
Nhà máy này có 6 lò phản ứng và được xem là có khả năng chống lại cả việc máy bay rơi vào trúng. Nhưng việc điện bị cúp và các máy phát điện phụ không thể hoạt động có thể dẫn đến tình trạng không thể thực hiện quy trình làm nguội và như vậy có thể gây ra thảm họa.
Đài truyền hình NEXTA của Belarus dẫn lời ông Andrey Tuz, phát ngôn nhân của nhà máy Zaporizhzhia, cho biết hiện chưa có nguy cơ rò rỉ hạt nhân.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã lên tiếng kêu gọi ngưng sử dụng vũ lực sau vụ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trúng đạn bom.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine - Ảnh: INSP
* Nga và Ukraine đã nhất trí tạo ra các hành lang nhân đạo cho những thường dân chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine. Theo Hãng tin AFP, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết thỏa thuận này là "tiến bộ rõ ràng duy nhất" tại vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine vào ngày 3-3. Ông Leonid Slutsky, nhà đàm phán Nga, xác nhận sáng kiến này và cho biết nó sẽ sớm được triển khai.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra "theo đúng kế hoạch". Ông nói quân đội Nga đang chiến đấu "một cách dũng cảm, như những anh hùng thực sự" và ra lệnh bồi thường cho gia đình của các binh sĩ Nga tử trận trong chiến dịch này.
"Chúng tôi đang trong một cuộc chiến với những người theo chủ nghĩa tân phát xít. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình rằng người Nga và người Ukraine là một dân tộc" - ông Putin phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga vào hôm 3-3.
Trước đó một ngày, lần đầu tiên Nga công bố con số thiệt hại của phía họ trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga nói rằng 498 binh sĩ nước này đã tử trận kể từ hôm 24-2. Nhưng Ukraine nói rằng số binh sĩ Nga tử trận cao hơn nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các thành viên của Hội đồng An ninh Nga qua video tại dinh thự bên ngoài thủ đô Matxcơva, Nga ngày 3-3 - Ảnh: REUTERS
* Tính đến ngày 3-3, gần 7.000 nhà khoa học, toán học và học giả Nga đã ký một bức thư ngỏ gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin để phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Hãng tin AFP, bức thư ngỏ này được đăng trên trang tin trv-science.ru từ hôm 1-3.
Những ngày qua, phản ứng của thế giới với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến một loạt các sáng kiến khoa học, trong đó có Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và việc Nga - châu Âu dự kiến thực hiện sứ mệnh đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa.
* Ngày 3-3, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Canada, Na Uy và Mỹ - 7 trong số 8 thành viên của Hội đồng Bắc Cực - ra tuyên bố chung cho biết các đại diện của họ sẽ không đến Nga dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực để đáp trả chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine. Nga hiện là chủ tịch luân phiên của hội đồng này.
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tuyên bố nếu không viện trợ thì quân Nga sẽ tiến sang phần còn lại của châu Âu.
"Nếu các bạn không có năng lực đóng cửa bầu trời, vậy hãy cho tôi máy bay. Nếu không còn chúng tôi (Ukraine) nữa, thì Latvia, Lithuania, Estonia sẽ là những nước tiếp theo" - ông Zelensky nói trong cuộc họp báo hôm 3-3.
Ông Zelensky cũng kêu gọi tổ chức đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Ông nói đây là "cách duy nhất để ngăn chặn cuộc chiến này".
Dân địa phương đứng trước tòa nhà đang bốc cháy sau một cuộc pháo kích ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vào hôm 3-3 - Ảnh: AFP
* Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga kêu gọi ngừng ngay lập tức giao tranh ở Ukraine. Theo Hãng tin AFP, đây là một trong những công ty nội địa lớn đầu tiên của Nga lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
* Ngày 3-3, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý kích hoạt cơ chế bảo vệ tạm thời cho những người tị nạn đang chạy khỏi Ukraine, đồng thời thiết lập một trung tâm nhân đạo ở Romania.
Cơ chế này ra đời cách đây 2 thập niên để phản ứng với các cuộc chiến ở Nam Tư, nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Ủy viên phụ trách nội vụ EU Ylva Johansson gọi việc kích hoạt là "quyết định lịch sử". Từ hôm 24-2 đến nay đã có khoảng 1 triệu người rời khỏi Ukraine để lánh nạn.
* "Canada sẽ là quốc gia đầu tiên thu hồi quy chế tối huệ quốc đối với Nga và Belarus với tư cách là đối tác thương mại" - Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland phát biểu ngày 3-3. Quyết định này đồng nghĩa hàng hóa từ Nga và Belarus nhập vào Canada sẽ phải chịu mức thuế quan 35%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận