Ảnh: P.VŨ
Phùng Quán & tôi chưa đầy hai trăm trang sách nhỏ, kể về tình bạn mấy mươi năm, lại là tình bạn giữa những người đàn ông "đầu đội trời, chân đạp đất" bên nhau những ngày cuộc sống gian khó hơn cái chết, lại là giữa những nhà văn, nhà thơ chuyên nghề kể chuyện - dựng nhân vật - dựng tính cách, lại chính là Phùng Quán lẫm liệt vang danh trên văn đàn với nửa cuộc đời "cá trộm, rượu chịu, văn chui"...
Ngắn có ngắn, nhưng mà đầy vẫn đầy ăm ắp. Lời kể giản dị kiệm lời của người đàn ông không chú ý tiểu tiết vẫn đủ vẽ lên những năm tháng lầm than, lầm than từ đời sống vật chất đến tinh thần mà họ đã phải trải qua.
Lại cũng đủ để phác nên được những lấp lánh mà tình yêu thương giữa con người với con người đã phóng chiếu nên được giữa đêm đen ấy.
Và trên tất cả là tình bạn của họ.
Chỉ trong vài trang, Xuân Đài kể chuyện Phùng Quán bị bệnh lao và không có biên chế, cũng không còn là hội viên hội nhà văn để được cấp giấy giới thiệu nằm viện. Không cam chịu, sau mấy ngày suy nghĩ, Phùng Quán cắn răng viết hai lá thư gửi đi để nhờ can thiệp, kèm một câu: "Nếu không có giấy giới thiệu đi nằm viện, tôi sẽ tự sát".
Xuân Đài biết bạn nói thật, viết thật, dự định thật. Ông đọc thơ cho Phùng Quán nghe, là thơ của Quán, những câu thơ thấm đẫm tình yêu cuộc đời, đất nước, những câu thơ ngợi ca cuộc đời cống hiến cho những điều vĩ đại. Và rồi ông tự nhủ: "Nếu cả hai lá thư đều rơi vào im lặng, lúc ấy Quán có chết, dù rất đau lòng, tôi cũng sẽ không can ngăn".
Ấy là vì họ là những người bạn cật ruột, thân hơn ruột thịt, hiểu hơn tim óc. Xuân Đài biết Phùng Quán là người sống lý tưởng, yêu người yêu đời, cắn răng vượt qua nghịch cảnh thế sự là để chứng minh tình yêu đời, yêu người của mình, để được nghe câu minh định như nhân vật của ông trong Tuổi thơ dữ dội:
"Thằng Mừng không phải Việt gian!". Và với người như vậy, khi đời cạn lý, người cạn tình, không thiết sống nữa cũng là điều thông cảm được, chấp nhận được. Xuân Đài hiểu Phùng Quán đến như thế.
Phùng Quán đã không tự sát. Người chưa cạn tình. Đời chưa cạn lý. Cái án văn chương của ông và bạn bè đã được giải, sai lầm ấu trĩ một thời được nhìn nhận, được sửa sai. Nhưng đời người thì đã thấm đau rồi, ông viết:
"Tim tôi nát tan rồi/ Không còn lành được nữa". Cuốn sách kết thúc bằng hai lá thư - một của Xuân Đài gửi Phùng Quán với một lời trách cứ, và một của Phùng Quán phân trần khẳng định:
Quán vẫn xứng đáng là bạn của Đài. Oái oăm như cuộc đời, 30 năm sau ông Xuân Đài mới nhận được lá thư xuyên qua chuyến lưu hành của một cuốn sách. Hai lá thư sẽ khiến người đọc tiếp tục rớt những giọt nước mắt trước tình bạn cật ruột và nhân cách thẳng ngay.
Đất nước của chúng ta đã có những tháng năm khó khăn như thế, và có những con người sáng trong như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận