17/07/2016 19:58 GMT+7

Độc lập, tự do và chủ quyền bất biến

LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ - nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước 17-7-1966 với câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: L.KIÊN
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh: L.KIÊN


* Thưa ông, 50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, trong đó khẳng định tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sau nửa thế kỷ và trong bối cảnh mới, ông có cảm nhận gì?

- Trước hết, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh lịch sử cụ thể khi Bác Hồ ra lời kêu gọi ấy. Đó là giữa năm 1966, khi Mỹ ồ ạt đưa quân (khoảng 30 vạn) vào miền Nam, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc (ngày 29-6-1966, máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).

Những sự kiện này cho thấy bước leo thang chiến tranh mới của Mỹ, mở rộng chiến tranh ra toàn Việt Nam.

Nghiên cứu vấn đề này, tôi cho rằng còn một trong những lý do để Bác ra lời kêu gọi đó là để phản bác đề nghị đàm phán giả hiệu của tổng thống Johnson. Thông qua lời kêu gọi, Bác khẳng định rằng đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, phản đối Mỹ có âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam.

Cũng qua lời kêu gọi, Bác muốn truyền thông điệp tới Liên Xô vì ý họ cũng muốn Việt Nam ngồi lại đàm phán với Mỹ. Ý Bác là Việt Nam chưa thể đàm phán với Mỹ vào lúc đó, bởi Việt Nam muốn có hòa bình thật sự nhưng Mỹ không hề mong muốn điều đó.

Lời kêu gọi của Bác khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh Mỹ để giành bằng được độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.

Đọc lời kêu gọi năm 1966 của Bác, chúng ta nhớ lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 20 năm trước đó - vào ngày 19-12-1946.

Khi đó chúng ta muốn đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, muốn có hòa bình thật sự nhưng thực dân Pháp không muốn điều đó, họ muốn gây ra cuộc chiến tranh trên khắp cả nước để thực hiện âm mưu tái lập sự thống trị trên toàn bộ đất nước ta.

Hai lời kêu gọi ở hai thời điểm, với hai đối tượng xâm lược khác nhau nhưng thể hiện quan điểm tư tưởng xuyên suốt của Bác là đất nước phải có độc lập, tự do, hòa bình nhưng phải là hòa bình thật sự.

* Theo ông, trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước đặt ra cho chúng ta những vấn đề gì mới?

- Qua nghiên cứu thực tiễn lịch sử, chúng tôi nhận thấy những khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta xác định và kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thì chúng ta thành công, đạt được những kết quả tốt.

Còn có những thời điểm chúng ta bị ảnh hưởng quan điểm, tư tưởng của bên ngoài là những lúc chúng ta không thành công hoặc mắc những sai lầm, khuyết điểm. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng đất nước giàu mạnh thì mới có thực lực để bảo vệ được thành quả xây dựng đất nước và có bảo vệ vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ thì mới có điều kiện tốt để xây dựng đất nước.

Hiện nay tình hình quốc tế rất phức tạp khi mà lợi ích dân tộc và lợi ích nước lớn biểu hiện rất rõ, bằng nhiều hình thức khác nhau. Vậy làm sao để có đường lối độc lập, tự chủ?

Chúng ta đã xác định rõ chủ trương ba không: không liên minh quân sự, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự và không liên minh với nước khác để đánh nước thứ ba. Nhưng làm sao để cân bằng được mối quan hệ, không để bị nước nào lôi kéo?

Tôi nghĩ rằng muốn giữ được như vậy trước hết ở trong nước phải làm sao để người dân hiểu rõ và thông suốt được chủ trương, đường lối của lãnh đạo, đó là hậu thuẫn vững chắc nhất cho hoạt động đối ngoại.

Trong vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, đặc biệt đang nổi lên vấn đề trên Biển Đông, người dân mong muốn Đảng và Nhà nước tỏ rõ thái độ mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa. Phương châm ứng xử mà Bác từng nói lấy “dĩ bất biến để ứng vạn biến” cách đây 70 năm, theo tôi, đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị thực tiễn trong hoạt động đối ngoại. Độc lập, chủ quyền của đất nước là điều tối thượng, là bất biến.

* Như vậy đặt ra đòi hỏi gì mới trong công tác bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền của Tổ quốc?

- Tôi cho rằng điều cốt yếu là các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các lực lượng chức năng phải tỏ rõ sự kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, đặc biệt là chủ quyền biển đảo đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Có thể đối phương có lực lượng, trang thiết bị mạnh hơn, thường xuyên tiến hành các hoạt động hăm dọa, tỏ rõ sức mạnh cơ bắp, nhưng chúng ta có chân lý, là người nắm lẽ phải. Vừa rồi Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong đó khẳng định việc Trung Quốc tự ý đặt ra “đường lưỡi bò” đòi độc chiếm Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Đây cũng là cơ sở thuận lợi cho chúng ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển đảo hiện nay.

Chúng ta cần phải dựa vào pháp lý để đấu tranh. Người dân trông đợi rằng ngoài các phát ngôn của Bộ Ngoại giao, cần có tiếng nói chính thức từ Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này.

Vừa qua, khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, tôi theo dõi thấy có đại biểu phát biểu rằng việc Quốc hội khóa XIII chưa ra được nghị quyết về Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một “món nợ” với cử tri.

Điều này cho thấy rằng cử tri và nhân dân mong muốn chúng ta có phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, bày tỏ thái độ dứt khoát hơn nữa trong vấn đề chủ quyền.

 

LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp