22/02/2013 04:30 GMT+7

Đọc "Khoán chui" để hiểu Dân, nghe Dân

P.VŨ
P.VŨ

TT - Cái tên Thái Duy đã là một thương hiệu trong làng báo từ mấy chục năm trước: nổi tiếng với những bài báo phản biện, nổi tiếng với những bài báo đứng về phía dân, nổi tiếng với lựa chọn kiên quyết “làm một phóng viên suốt đời”.

Hôm nay, đọc lại những bài báo của ông được hiệu đính lại trong tập “Khoán chui” hay là chết, càng hiểu thêm điều mà ông luôn yêu cầu các biên tập viên: phải viết hoa chữ “Dân”, và điều ông luôn lặp đi lặp lại không ngơi nghỉ: phải nghe Dân, phải hiểu Dân, phải dựa vào Dân, phải biết ơn Dân.

2bYrF3rs.jpgPhóng to
Sách do SaiGon Media và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Tự Trung

Cuốn sách đã cho một cái nhìn vừa thật rộng - trải dài các cánh đồng từ Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định đến tận Tiền Giang, An Giang; vừa thật sâu - vào tận từng bồ thóc, nồi cơm, từng bàn tay người nông dân nhổ mạ, bón phân... Cái nhìn đầy thông hiểu và đầy cảm phục trong cái thời mà “một cách làm rất hợp lòng dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nơi nào làm theo cũng không còn đói và có tích lũy, lại phải “chui” khổ, “chui” sở từ đời cha đến đời con, “chui” suốt 20 năm”.

Kiên trì đi cùng một đề tài qua cả trăm bài báo. Kiên nhẫn để có được sự tin tưởng trút nỗi lòng “làm chui, ăn chui” của bà con nông dân, của cán bộ địa phương rồi chuyển tải từng chút, từng chút một lên từng câu chữ. Khéo léo mà mạnh mẽ, những câu chuyện rất thật được ngòi bút Thái Duy ghi lại bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế kèm theo những nhận định sắc bén có thể khiến người đọc ngày hôm nay cũng phải giật mình. Và còn giật mình thêm lần nữa khi đặt những bài báo này vào đúng thời điểm ra đời của nó: những năm đầu thập niên 1980, thời “đêm trước đổi mới”, và nơi ra đời: giữa Hà Nội hừng hực khí thế “làm chủ tập thể”.

Dũng khí của một nhà báo không cho phép ông e sợ sự thật, viết thẳng ra những lợi ích của khoán hộ, ngay trong lúc những người đang thực hiện khoán hộ “chui” vẫn phải hồ hởi cắp cặp đi học khoán việc, vui vẻ làm những bản báo cáo giả về khoán việc, giả vờ lắc đầu, nhăn mặt khi nghe nói đến khoán hộ.

Nhắc đến việc này, nhà báo Thái Duy bảo: “Người nông dân tuy ít học nhưng thông minh, bản lĩnh lắm, họ nhìn ra cái mới, sáng tạo cái mới. Bác Hồ đã nói: khó vạn lần dân liệu cũng xong là thế. Không nghe dân thì hỏng cả”. “Hỏng cả” đã được ông chứng minh bằng những số liệu thực tế: chỉ một chút nữa, một chút nữa thôi nếu khoán hộ không được công nhận, một thảm họa khủng khiếp như nạn đói năm Ất Dậu sẽ lại đến, và lần này là tại chúng ta.

Và vì thế mà cuộc “lãnh đạo ngược” từ dưới lên trên, giữa cái mới và cái cũ, những người nông dân tay trắng có hành trang là hiện thực ngồn ngộn và những người có chức có quyền với những kiến thức giáo điều, dù đã qua mấy mươi năm, hôm nay đọc lại vẫn thấy đầy hấp dẫn, đầy tính thời sự.

Ông Thái Duy bảo sau tập sách này sẽ hiệu đính thêm vài quyển nữa, vẫn về những cách làm “chui” đầy tiến bộ, sáng tạo trong công thương nghiệp. Nhiệt huyết của một nhà báo đã 88 tuổi (tác giả của Sống như anh được in hàng triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới từ năm 1965) vẫn khiến bạn đọc phải háo hức chờ đợi được đọc, đọc về một thời kỳ đã qua trong lịch sử nhưng dường như vẫn chưa qua trong hôm nay.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp