07/05/2023 08:05 GMT+7

Đọc hiểu luật chống phá rừng của EU

Ngày 19-4, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật thương mại quốc tế liên quan quy định về chống phá rừng. Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31-12-2020.

luật chống phá rừng

Nông dân Kon Tum thu hái cà phê phục vụ chế biến xuất khẩu - Ảnh: TTXVN

Lệnh cấm mới này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt ra sao khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2005 đã từng đánh giá Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Nigeria?

Luật mới không chỉ là chìa khóa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học của toàn châu Âu, mà còn phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ thương mại giữa châu Âu với các quốc gia có chung các giá trị và tham vọng về môi trường.

Nghị sĩ EU, báo cáo viên Christophe Hansen của Luxemburg, nói sau cuộc bỏ phiếu cho luật chống phá rừng

Ba điểm báo động

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2022, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta (sau châu Á và châu Mỹ), chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản cả nước.

Khoảng 420 triệu ha rừng đã mất từ năm 1990 - 2020 tại ba lưu vực rừng lớn là Amazon (Nam Mỹ), Congo (Trung Phi) và Đông Nam Á, tương đương diện tích cả châu Âu (theo báo cáo FAO năm 2022). Trong đó, mức tiêu thụ hàng hóa của EU (thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc) chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra 16% tình trạng phá rừng này (báo cáo năm 2021 của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên - WWF).

Nông nghiệp là động lực chính của nạn phá rừng ở tất cả các khu vực trừ châu Âu. Theo FAO, nếu chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu thì ít nhất 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt.

Theo luật mới, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/được nuôi bằng/đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này (như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).

Như vậy có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2017, 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.

Do đó nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm tới sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang châu Âu. 

Bởi quy trình sản xuất dù đã và đang đạt chuẩn chất lượng xuất khẩu vẫn sẽ bị đánh giá lại về nguồn gốc đất nuôi trồng tạo ra hàng hóa đó tính từ khi luật thương mại chống phá rừng có hiệu lực (khả năng có thể sẽ bắt đầu sau 18 - 24 tháng tính từ tháng 5 năm nay).

Thêm vào đó, Nghị viện EU định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, dừa, chè...) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam không mang tính bền vững, nguy cơ cao có thể bị liệt vào khái niệm "suy thoái rừng". Do đó các cây công nghiệp thuộc rừng sản xuất hoàn toàn không đạt yêu cầu xuất khẩu theo quy định mới này của EU.

Thêm một quy định nữa được Nghị viện EU nhấn mạnh là các công ty cũng sẽ phải xác minh rằng các sản phẩm này tuân thủ luật pháp liên quan của quốc gia sản xuất, bao gồm cả quyền con người, tức việc sản xuất phải tôn trọng đời sống an sinh của người dân bản địa.

Đây là một điểm khá nhạy cảm khi điều kiện sản xuất nước ta còn nhiều hạn chế như lạm dụng phân bón gây hại cho vật nuôi, cây trồng và ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (2017), Việt Nam đang thuộc nhóm các nước quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón gây ra suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng khí thải tác động xấu đến môi trường.

Thêm vào đó, báo cáo khảo sát năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế đơn phương cho rằng ngành công nghiệp cà phê Việt Nam có trường hợp không chỉ liên quan đến nạn phá rừng mà còn sử dụng lao động trẻ em chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.

Điểm nhạy cảm này theo quy định mới cà phê của ta xuất khẩu sang EU rất có thể sẽ là mặt hàng đầu tiên bị giám sát ở mức độ cao nhất, trong khi đây là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu vào thị trường này (chiếm tới 11% thị trường EU) theo Tổ chức Quan sát mức độ phức tạp kinh tế (OEC) - nơi cung cấp dữ liệu thương mại hàng đầu thế giới.

Nguồn: Viện Tài nguyên thế giới - Dữ liệu: PHƯƠNG NGUYỄN - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Viện Tài nguyên thế giới - Dữ liệu: PHƯƠNG NGUYỄN - Đồ họa: N.KH.

Nhiều nước lo lắng

Với ba điểm đáng báo động ở trên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng sẽ đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch và bền vững ngày càng gắt gao của EU.

Theo cơ quan truyền thông độc lập của Đức Deutsch Welle (DW), Indonesia và Malaysia, hai nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, đã cáo buộc EU ngăn chặn sản phẩm của họ. Malaysia thậm chí cho biết họ có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang EU, nơi nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba thế giới. Các hộ sản xuất dầu cọ nhỏ tại Malaysia cảnh báo họ không thể tuân thủ yêu cầu chứng minh nơi sản xuất hàng hóa bằng việc cung cấp dữ liệu định vị địa lý.

Trong khi đó Brazil, nước xuất khẩu nông sản lớn nhất sang EU, lại có cái nhìn bình tĩnh hơn về luật mới dù đây là quốc gia đứng đầu về tỉ lệ phá rừng nguyên sinh nhiệt đới trong giai đoạn 2002 - 2020 (theo Viện Tài nguyên thế giới). 

Bởi các nhà hoạt động ở đây chỉ ra rằng luật chưa chạm tới các hệ sinh thái quan trọng khác như thảo nguyên và vùng đầm lầy hay rừng ngập nước. Trong khi đó rừng ngập nước hay thảo nguyên Cerrado của Brazil bị tàn phá gần một nửa chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc và EU.

Ngoài ra vì luật mới yêu cầu vẫn phải tuân theo luật pháp tại quốc gia sản xuất, nên có thể vì mục tiêu kinh tế, chính quyền Brazil sẽ đưa ra những ưu tiên để bảo vệ hàng xuất khẩu của họ khỏi những rào cản từ luật này.

EU giám sát thế nào?

Để bắt đầu có hiệu lực, luật chống phá rừng vẫn cần Hội đồng EU chính thức xác nhận. Luật mới sẽ có hiệu lực sau 20 ngày kể từ khi được công bố trên tạp chí chính thức của EU. Các công ty lớn sẽ có 18 tháng để chấp hành quy định và các công ty nhỏ là 24 tháng.

Bên cạnh đó trong vòng 18 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực, Ủy ban EU sẽ tiến hành phân loại các quốc gia theo ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro cao dựa trên đánh giá khách quan và minh bạch.

Sản phẩm của những công ty đến từ các nước có rủi ro thấp sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn. Cụ thể, tỉ lệ kiểm tra lần lượt được tính như sau: 9% với rủi ro cao, 3% với rủi ro tiêu chuẩn và 1% với rủi ro thấp.

Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (như tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ đâu. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ luật sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại EU của bên vi phạm.

EP thông qua luật cấm nhập khẩu sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừngEP thông qua luật cấm nhập khẩu sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng

Ngày 19/4, Nghị viên châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp