Sách do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: N.K.Phê |
Tức là viết truyện loài vật mà không chỉ là chuyện Đời cá hô, Lia thia trống, Thát lát kỳ hôn, Chuồn chuồn điểm nước... (tên các truyện trong tập Đời bọ hung).
Cũng cần nói luôn truyện của Trần Bảo Định không đơn thuần là cách viết “mượn loài vật để nói chuyện con người”; mà tác giả miêu tả các loại vật như là đối tượng, là “nhân vật” của tác phẩm với nhiều chi tiết đời sống tinh thần, tính dục rất sinh động - thậm chí nó còn nghe được tiếng người và tiếng của thần linh.
Có lẽ chính cuộc sống giữa thiên nhiên phóng khoáng và có phần “hoang dã” của vùng đất Nam bộ mà tác giả đã đằm mình trong đó hơn nửa thế kỷ, đã hướng ông miêu tả hiện thực cuộc sống là mối quan hệ và sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Trong Đời bọ hung, truyện không nhắc chi đến loài vật hay nhất là truyện Thầy Tư Lữ, huyền sử đất phương Nam, người đọc có cảm tưởng như được sống ở một thế giới khác lạ dù nhân vật chính là Nguyễn Lữ (em Nguyễn Huệ), một tên tuổi lịch sử khá quen thuộc - nhờ tác giả đã tạo ra được một “thế giới nghệ thuật” có sức quyến rũ người đọc.
Tuy vậy, mảng truyện liên quan đến các con vật hay lấy con vật làm nhân vật chính vẫn là nét nổi trội trong Đời bọ hung.
Trong loạt truyện này, chất dân gian với rất nhiều câu ca dao, thành ngữ được trích dẫn, nhiều đoạn miêu tả tính dục gần như là huyền thoại, khiến chúng ta cứ hình dung tác giả khi viết những trang sách này hẳn đã thích thú chúm chím cười một mình.
Đọc cái chi tiết nhện đực (cả kiến lửa, ong đất nữa) có hai “dương vật” để “bỏ của chạy lấy người”, tránh bị con cái ăn thịt, tôi hỏi tác giả: “Anh mà bịa, các nhà khoa học họ “lật tẩy” thì truyện mất chữ tín đó!”, Trần Bảo Định cười hề hề: “Thì viết truyện mà! Nhưng tôi tra sách sinh vật của nhà khoa học Pháp cẩn thận đó!”. Vậy thì nói như một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: “Tin thì tin, không tin thì thôi!”.
Cùng với tập truyện đầu tay Kiếp Ba Khía (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ 2014), Đời bọ hung khẳng định một giọng văn và cách tiếp cận hiện thực rất riêng, xin tạm gọi là phong cách dân dã, phóng khoáng đậm chất Nam bộ của Trần Bảo Định - một “nhà văn trẻ” 73 tuổi, quê Long An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận