Phóng to |
Phóng to |
Những cảm xúc của Thành Lộc qua đoạn độc diễn cảnh ông Tư Chơn nhớ vợ trong vở Tía ơi má dìa - Ảnh: Anh Khoa |
Ở sân khấu kịch IDECAF, vở Tía ơi má dìa với nội dung là bi kịch môn đăng hộ đối, chia ly - đoàn tụ, xen lẫn những tình tiết tâm lý là các màn hài hước, tạo cảm giác xúc động mà thoải mái, nhẹ nhàng cho người xem. Vai ông Tư đờn kìm của Thành Lộc, một người đàn ông mất vợ nhưng không chịu chấp nhận thực tế mất mát đó, vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ vợ, cũng không vượt lên được phần nội dung vốn đã rất quen thuộc kia của vở diễn. Ấy vậy mà chỉ với một đoạn độc diễn cảnh ông Tư Chơn rớt nước mắt nhớ vợ, Thành Lộc đã thật sự hút người xem vào từ trường sức hấp dẫn của mình.
Quả thật đó là một đoạn diễn của nghề, và chắc rằng rất khó cho nghệ sĩ nào có thể làm được điều mà Thành Lộc đã làm. Chỉ một mình người nghệ sĩ này trên sân khấu, lấy chiếc áo khoác lên cái ghế làm "bạn diễn", vậy mà diễn xuất của Thành Lộc cứ mê dụ rồi dẫn dắt người xem từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Ðó là đoạn ông Tư độc thoại với mình, thiên hạ ai cũng nói là vợ ông đã chết, vậy mà ông cứ uất người ta nói vậy chứ ông không tin vợ ông chết.
Ông nhớ những câu hò vợ chồng hồi mới quen nhau, chợt bàng hoàng nghe tiếng hò vợ mình như cất lên đâu đó từ miền nhớ, rồi khóc òa lên trong đau đớn. Giọng hò của người vợ hiền vẫn ẩn khuất đâu đó trong trẻo, mà người đàn ông nhớ vợ cứ khóc tỉnh cười mê. Một mình Thành Lộc trên sân khấu thôi, ấy vậy mà hơn 10 phút khóc cười cùng vai diễn người xem cứ như không thể dứt ra được với anh. Ðể rồi, ở tận cùng đau đớn, cảnh ông Tư ôm bụng lăn xuống sàn quằn quại than khóc, cả khán phòng đã im phăng phắc như cũng lặng người theo tâm sự của người đàn ông đang mang nỗi đau xé lòng!
Xem Thành Lộc diễn vai ông Tư Chơn trong Tía ơi má dìa, bỗng nhớ một tâm sự trước đây của anh rằng muốn có một vở diễn cho riêng mình. Một vở diễn mà ở đó chỉ có một mình Thành Lộc trên sân khấu, từ đầu đến cuối. Ðó có thể là một dấu ấn khó quên trong nghề nghiệp của một nghệ sĩ sân khấu như anh! Nhưng, mong muốn thì vẫn ở đó, mà năm tháng cứ qua đi. Dấu ấn gây chú ý của Thành Lộc trong bao năm qua là những vở diễn mà anh làm đạo diễn như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử. Dù ở vai trò gì, đạo diễn hay diễn viên, Thành Lộc luôn thể hiện một tài năng và trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ. Nhưng, món "nợ" về một vở diễn cho riêng mình thì Thành Lộc vẫn "treo lơ lửng", day dứt ở đâu đó.
NSƯT Thành Lộc: Tôi yêu những khoảng lặng Quả thật, trước đây tôi từng suy nghĩ về một vở độc diễn cho riêng mình. Ðó là khi xem nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết diễn vở Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh, tôi cũng muốn làm một vở diễn như vậy. Nhưng, thay vì vai của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết là nữ thì có sự hoán đổi, vai tôi là nam. Mọi sự chuẩn bị rồi, đã xin kịch bản rồi, nhưng lúc đó bỗng dưng các nghệ sĩ bùng lên làm live show nhiều quá, nếu làm tôi sợ mình mang tâm lý "té nước theo mưa". Ðành phải hoãn lại, nhưng một khi đã không làm thì cái thời cũng trôi qua, cơ hội không còn nữa, dù có thể nói tôi vẫn day dứt với ý tưởng đó. Bây giờ là tâm lý hoang mang: một người đàn ông tuổi ngũ tuần như mình sẽ làm gì? Có quá nhiều điều để trăn trở, để tâm sự, muốn gửi gắm... nhưng rồi nghiệm ra điều ý nghĩa nhất là ở sự vô ngôn. Im lặng, không nói gì cả. Tôi muốn có một vở diễn chỉ một tiếng thôi, không nói gì, chỉ diễn. Khán giả cũng chỉ là những người tôi quen biết, đã thân thiết! Tôi yêu những khoảng lặng ở sân khấu như vậy! Ðôi khi giữa khoảng không im lặng đó, chỉ cần bật ra một tiếng nhạc là đủ quá đắt! Trước đây tôi từng làm nhiều vở "ồn ào", giờ tôi cần sự tĩnh lặng. Ở đó, mọi người sẽ hiểu nghệ thuật từ trái tim! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận