15/05/2014 02:01 GMT+7

Đọc di cảo, thương cụ Vương

L.Đ.
L.Đ.

TT - Cụ Vương Hồng Sển lại vừa gặp gỡ những người đọc mình bằng quyển Tạp bút năm Giáp Tuất 1994 (di cảo), là những trang viết sau cùng của một đời người cặm cụi vừa học vừa chơi, và tìm tòi khảo cứu.

GmZIaFIj.jpg
Di cảo của Vương Hồng Sển, NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Đọc văn của cụ Vương Hồng Sển nếu người không quen kiểu cách mấy ông già Nam bộ rề rà tẩn mẩn kể chuyện nọ kia sẽ rất sốt ruột. Nhưng ẩn trong những ngóc ngách câu chuyện có nhiều khi được kể theo cách “sang đàng” từ chuyện này bắt quàng chuyện kia, lại bật ra nhiều điều thú vị. Không chỉ thế, cuộc đời sôi động và khả năng minh mẫn đến tuổi chín mươi còn viết báo như cụ Vương là cả một kho tư liệu.

Đọc cụ, thú vị khi phát hiện những nét nghĩa của từ, xuất xứ những lời ăn tiếng nói, rồi từ đó hiểu thêm tính cách người dân ở mỗi vùng miền... là những bài học không dễ có được.

Càng thú vị hơn khi cụ quen viết quyển này nhắc lại quyển kia, làm cho người đọc thấy mình giàu thông tin. Như ở quyển di cảo này, cụ Vương cho biết trong lần in quyển Sài Gòn tạp pín lù trước đây, câu thơ châm ngôn của ông Nguyễn Trinh Tường đã bị cắt bỏ: Kiệm cần chắt mót ích gì/Thà làm công tử tù ti sướng đời. Rồi ông cắt nghĩa chữ “tù ti”, thế là bạn đọc hiểu thêm được một chữ. Hay như trong một bài khác, ông thuật lại sự ra đời của đồng tiền để cắt nghĩa chữ “mẹ tròn con vuông”, có thể nhiều người chưa đồng ý với cụm từ thuần Việt “mẹ tròn con vuông” liệu có ăn nhập gì với xuất xứ tiền đồng bên Trung Quốc, nhưng dẫu sao đây cũng là một cách lý giải, chứa đựng phong cách Vương Hồng Sển. Người đời sau nếu thấy chưa ổn thì cũng có lý do để khảo cứu tiếp, càng hay.

Và đặc biệt thú vị khi cụ Vương thuật lại những câu chuyện mình chứng kiến nay đã trở thành một phần tư liệu lịch sử. Chẳng hạn cụ kể lại hồi năm 1919 cùng cha từ Sóc Trăng lên Sài Gòn mua vé vào xem ở Nhà hát thành phố, nhớ cái thuở ban đầu của nhà hát này thường xuyên đóng cửa bởi “đôi ba năm mới đủ tiền mời gánh từ Pháp sang đây biểu diễn”.

Cụ nhớ cả năm xây dựng nhà hát là 1898 và lúc viết những dòng này vào năm 1994, cụ còn kịp nhắc rằng: “Đến năm 1998 tới đây, nhà hát mới đủ tuổi trăm năm, và chừng ấy có nhớ lễ ăn mừng hay chăng”. Hay

như một câu chuyện quan trọng khác, là ông Ngô Đình Thục từng nêu ý kiến phá bỏ vách thành của Đại nội Huế, lấy gạch đá xây Thánh đường, trường học và dưỡng đường; nơi Ngọ môn xây hồ tắm “cho sinh viên nam nữ tắm mát vui vẻ”, và sẽ xây một hàng rào sắt không che khuất và làm đẹp điện Thái Hòa... Nhưng vì thấy không ai ủng hộ nên vấn đề này “bị bỏ trôi”.

Qua từng trang di cảo, thấy cụ Vương ưu tư chuyện đời trước mắt rất đỗi đáng thương. Nội chuyện làng sách vào thời kỳ vừa đổi mới ngày ấy cũng khiến cụ rất phiền lòng: nhà in không cẩn thận để còn nhiều lỗi, cách làm ăn chụp giật không kể tác quyền của những đầu nậu... Đến ngày nay, khi cụ ra đi gần hai mươi năm, những tệ trạng ấy vẫn còn làm phiền lòng bao người có lòng với sự nghiệp sách vở bút mực nước nhà.

L.Đ.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp