Một góc làng nuôi nghêu sò trên biển ở huyện An Minh, Kiên Giang Ảnh: TẤN ĐỨC |
Ông Mười Xáng (60 tuổi) đưa chiếc vỏ lãi cặp căn nhà của mình trên biển, rồi giục chúng tôi bám thang trèo lên. Nhà cao hơn mặt nước biển khoảng 3m, cất xuôi theo đường bờ, mặt chính quay về hướng TP Rạch Giá.
Toàn bộ mặt sàn tuy chỉ rộng chừng 20m2 nhưng có đủ bếp gas, gạo muối, thực phẩm, lu hũ chứa nước ngọt... đủ cho gia chủ dùng hằng tuần mà không phải lo nghĩ. Từ trong nhà, phóng tầm mắt ra bốn phía có thể quan sát được hàng trăm căn nhà dọc dài trên bãi cạn.
Ông Mười Xáng kể: “Coi vậy mà công việc làm hoài không xuể. Bắt đầu từ sau tết là mùa sò trứng. Xong mùa sò giống lại tới mùa khai thác nghêu làm thức ăn cho tôm, cá. Năm nào thời tiết thuận lợi, nghêu sinh sản nhiều, mang lại thu nhập không dưới chục triệu đồng mỗi hecta mặt nước.
Mấy năm trước, ngoài nghêu còn có con hến đá mang lại nguồn thu gấp đôi, gấp ba con nghêu... Chịu cực một chút nhưng bỏ ra chừng ba, bốn chục triệu đồng, chỉ trong vài tháng có khi kiếm lời hàng trăm triệu đồng”.
“Huyện An Biên có khoảng 7.000ha mặt nước, đất bãi bồi ven biển có thể nuôi nghêu sò, hải sản và phần lớn đã được giao cấp cho người dân sản xuất, khai thác với tổng số khoảng 250 hộ tham gia.
Hằng năm, mỗi hecta bãi bồi có thể cho năng suất khoảng 3 tấn sò, mang lại nguồn thu khoảng 180 triệu đồng cho chủ bãi, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nhờ có thu nhập khá, gần đây nhiều chủ bãi đã mạnh dạn đầu tư cất nhà, trại vững chắc trên biển để yên tâm làm nghề” - ông Lê Văn Liền, phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Biên, nói.
Ông Nguyễn Việt Bình, phó chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết: “Địa phương đang mời gọi các nhà đầu tư tổ chức tour, tuyến du lịch sinh thái tham quan rừng ngập mặn ven biển kết hợp du lịch theo dạng homestay - ở tại nhà sàn trên biển, cùng đi mò nghêu sò, đánh bắt cá với chủ nhà để tăng thu nhập cho ngư dân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận