Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1-2024 với doanh thu tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu tăng, bia Hà Nội vẫn báo lỗ
Cụ thể, doanh thu bán hàng hãng bia Hà Nội trong quý 1 đã tăng hơn 10%, đạt hơn 1.319 tỉ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 266 tỉ đồng, tăng 8,5%.
Lãi gộp hàng trăm tỉ đồng, nhưng Habeco vẫn báo lỗ sau thuế gần 21 tỉ đồng trong quý 1-2024, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 3,7 tỉ đồng.
Ông Ngô Quế Lâm - tổng giám đốc Habeco, đã ký văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán, giải trình về kết quả kinh doanh.
Lãnh đạo Habeco giải thích rằng nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp thua lỗ là do mặt bằng lãi suất huy động làm giảm doanh thu hoạt động tài chính so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Habeco gia tăng đầu tư cho công tác thị trường để hướng tới mục tiêu hoàn thành tổng thể các kế hoạch đã đề ra trong năm 2024.
Trở lại báo cáo tài chính, ba tháng đầu năm, doanh thu tài chính của Habeco ghi nhận 37,9 tỉ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 37,7 tỉ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ.
Lãi tiền gửi của Habeco giảm trong bối cảnh lãi suất huy động hệ thống ngân hàng về mức thấp kỷ lục 20 năm.
Không riêng gì Habeco, thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng trong quý 1 của Sabeco - chủ hãng bia Sài Gòn - cũng chỉ còn 273 tỉ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái nhận về 336 tỉ đồng, tức giảm gần 19%.
Tính đến cuối tháng 3-2024, Habeco có gần 3.500 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối tháng 3-2024.
Mạnh tay chi quảng cáo, khuyến mãi để giành thị phần
Cũng trong quý 1 năm nay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Habeco tăng lần lượt 13% và 8%.
Riêng chi phí bán hàng leo lên mức hơn 230 tỉ đồng với khoản "nặng gánh" nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ chiếm 104 tỉ đồng, tăng tới 40%.
Xu hướng chung các hãng bia đều chi "mạnh tay" cho việc quảng cáo, khuyến mãi trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn và việc thực thi nghị định 100 còn nghiêm ngặt…
Ngoài ra, theo lãnh đạo Habeco, việc dừng hoạt động đối với các cơ sở karaoke chưa đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tiêu thụ của ngành.
Để giành thị phần, các hãng đều đang tích cực thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, các chương trình khuyến mãi với giá trị cao, giải thưởng lớn hấp dẫn người dùng… tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, theo lãnh đạo Habeco.
Nhìn sang "đối thủ" ngành bia của Habeco, trong quý đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt gần 7.243 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm và ghi nhận lỗ hơn 11 tỉ đồng trong phần lãi công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, Sabeco báo lãi sau thuế gần 1.024 tỉ đồng trong quý 1, chỉ tăng hơn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn hẳn đà tăng trưởng rất tốt của doanh thu.
Về kế hoạch cả năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 6.543 tỉ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Còn lợi nhuận trước thuế 248 tỉ đồng, bằng 58,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu 34.397 tỉ đồng, tăng 13% và lợi nhuận 4.580 tỉ đồng, chỉ tăng 7,6% so với năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận