Bên trong nhà máy TISCO - Ảnh: NAM TRẦN
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất quý I-2019 vừa được TISCO công bố, doanh thu bán hàng trong quý I của công ty này đạt 2.810 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần của TISCO đạt được là 124 tỉ đồng, nhưng do trừ các khoản chi phí tài chính lên tới 56,2 tỉ đồng (riêng chi phí lãi vay là 38,3 tỉ đồng), cùng các chi phí khác, TISCO chỉ còn lại khoản lãi vỏn vẹn 8,2 tỉ đồng, giảm tới 30% so với cùng kỳ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết các phương án xử lý giai đoạn 2 vẫn tiếp tục được bàn thảo, lấy ý kiến.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện VNSteel đã được chuyển giao về Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước quản lý vào ngày 19-4. Do đó, việc xử lý Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng sẽ được VNSteel phối hợp cùng SCIC và Bộ Công Thương thực hiện.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào để đảm bảo tính hiệu quả, bài toán lợi ích lâu dài thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Để xử lý được dự án cần phải có cơ chế, hỗ trợ và tính toán hiệu quả dự án mang tính lâu dài. Vấn đề là lựa chọn phương án nào có lợi nhất cho Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Bởi nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì TISCO sẽ phá sản, nguy cơ mất việc làm hàng nghìn lao động", vị này cho hay.
Mới đây tại cuộc họp cổ đông của Gang thép Thái Nguyên diễn ra ngày 10-4, các báo cáo được gửi tới cổ đông cũng nêu rõ, đầu năm 2019 tình hình tài chính của TISCO vẫn lâm vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", có nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản.
Theo đó, vốn điều lệ của TISCO năm 2018 là 1.936,8 tỉ đồng, nợ phải trả chiếm tới 82% cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 18% trên tổng nguồn vốn. Công ty này đánh giá, nợ phải trả quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu nguồn vốn của công ty là không an toàn.
Khó khăn về tài chính của TISCO là hệ quả để lại từ việc triển khai dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Tổng chi phí đầu tư thêm của dự án tính đến thời điểm 31-12-2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng.
Một trong những khó khăn để xử lý dự án này là vướng mắc với nhà thầu EPC. Trong khi đó, để khởi động lại và hoàn thành dứt điểm dự án, chủ đầu tư phải tăng vốn thêm khoảng 100 triệu USD.
Tổng công ty Thép Việt Nam đã xin phương án thóa vốn tại TISCO trước khi thoái vốn nhà nước tại VNSTEEL để sớm tìm nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, do vướng khoản giải chấp bảo lãnh của ngân hàng nên việc thoái vốn bị mắc kẹt và đến nay vẫn chưa tìm được hướng xử lý phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận