04/10/2015 13:08 GMT+7

Doanh nhân Việt ám ảnh nạn phong bì

CẦM VĂN KÌNH (dangdv@tuoitre.com.vn)
CẦM VĂN KÌNH ([email protected])

TT - Đến Ngày doanh nhân VN, doanh nghiệp được mời ăn vẫn phải nghĩ đến việc đưa phong bì. Rừng văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp có thể phá sản bất cứ lúc nào...

Ảnh: Quốc Tuấn
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Quốc Tuấn

Đó là những lời nói thẳng của nhiều cử tọa tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế tư nhân” ngay trước thềm lễ vinh danh tại giải Sao vàng đất Việt 2015 của Hội Doanh nhân trẻ VN (chuẩn bị cho Ngày doanh nhân VN 13-10).

Hàng tràng pháo tay bất ngờ vang lên của các doanh nhân ngồi bên dưới ngay sau những lời nói thẳng đã phần nào diễn tả nỗi niềm của doanh nhân thời nay.

Khi muốn Nhà nước phải thay đổi thì ta cũng phải thay đổi. Thói quen đưa phong bì phải thay đổi. Nhưng nói thì dễ, làm cực khó. Nhưng không phải bất khả thi

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Được mời cũng phải lo phong bì

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, kể khi làm việc với một doanh nghiệp Nghệ An mới đây, vị này cho hay nhân Ngày doanh nhân VN 13-10, một bí thư xã mời tám doanh nghiệp đi ăn cơm, xả chiêu đãi. Tám vị thì có đến bảy vị nói phải chuẩn bị phong bì. Dù cuối cùng tất cả quyết định không ai mang phong bì nhưng theo ông Lộc, nhiều doanh nhân đã hằn sâu tư tưởng cứ đến chính quyền phải mang phong bì.

“Cần làm sao để doanh nhân đến chính quyền cảm thấy được tôn trọng” - ông Lộc nói.

Kể câu chuyện ở New York (Mỹ), đi ở đường phố dễ dàng nhìn thấy những điểm đỗ “chỉ dành cho xe thương mại” chứ không phải xe của chính quyền, ông Lộc đánh giá: “Cả xã hội họ dành ưu tiên nhất cho kinh doanh. Đó là cách làm đất nước mạnh giàu”.

Ông Lộc cho rằng cần coi doanh nghiệp tư nhân là động lực, là đầu tàu của nền kinh tế và theo ông, doanh nhân tạo việc làm cho cả ngàn người thì tỉnh phải có khen thưởng. Ai tạo việc làm cho cả vạn người dân VN, tức lo cho cả vạn gia đình, thì cần phải phong anh hùng và điều đặc biệt là những người này phải được bảo vệ, tôn vinh. Tuy nhiên, ông Lộc tự đánh giá “tư duy này chưa thành tư duy của nhiều công chức địa phương nên họ ứng xử khác”.

New York cứ 15 - 20 người dân có một doanh nghiệp. Theo ông Lộc, muốn sánh vai cường quốc năm châu thì VN phải đạt mức này, tức phải có 5 triệu doanh nghiệp, trong khi VN mới đặt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Muốn đạt mục tiêu tốt đẹp trên, ông Lộc cho rằng phải thay đổi quan niệm Nhà nước với doanh nghiệp, công chức với doanh nhân.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Duy - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hạnh Duy (HD Group) - công nhận bản thân doanh nghiệp của ông cũng có chuyện phải đưa phong bì trong một số dịp, như lời cảm ơn. Ông Duy đồng ý quan điểm việc đưa phong bì đã thành... văn hóa VN.

Thông tư có thể “sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng”

TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, làm hội trường nhiều lần nổi lên tràng pháo tay hưởng ứng khi nói rất thẳng: kinh tế tư nhân VN “bảy nổi ba chìm chín long đong”. Cho rằng nền kinh tế không thể phát triển nếu kinh tế tư nhân không phải đầu tàu, nhưng ông Cung nêu hàng loạt bất cập từ thể chế khiến doanh nhân khổ.

Cụ thể, dẫn con số thống kê, ông Cung nêu luật ở VN không nhiều, nhưng nghị định, thông tư thì rất lớn. Như chỉ có một Luật giao thông nhưng có tới 13 nghị định hướng dẫn thi hành và... 67 thông tư hướng dẫn. Luật giao thông chỉ có 38 trang thì tổng số trang hướng dẫn ở thông tư đã lên tới 803 trang. Đây không phải cá biệt vì Luật xây dựng cũng tương tự, có tới 23 nghị định và 55 thông tư. Tổng số trang văn bản ở nghị định là 506 trang, của thông tư lên tới 660 trang. Đó là chưa kể đến công văn điều hành còn nhiều hơn.

Qua hàng chục năm nghiên cứu, ông Cung khẳng định thông tư có thể “sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng”.

Luật là ý chí Quốc hội, của dân, nhưng thông tư, theo ông Cung, là ý chí của một bộ, thậm chí chỉ là ý chí vài người. Với cách hướng dẫn như vậy, ý chí của Quốc hội sau lại thành ý chí vài nhóm công chức. Cả rừng văn bản, ông Cung ví quy định như... mớ dây điện, tuân thủ rất khó, đúng chỗ này sai chỗ khác.

“Vì thế ta luôn phải thủ phong bì” - ông Cung nói trong tràng vỗ tay hưởng ứng của những người bên dưới, mà đa số là doanh nghiệp sắp được vinh danh Sao vàng đất Việt.

Xin - cho - chia

Thông tư, văn bản điều hành có thể tác động đến tài sản doanh nghiệp, thậm chí có thể tạo thay đổi khiến doanh nhân sạt nghiệp. “Thể chế như thế tạo bấp bênh, rủi ro, chi phí tuân thủ cực cao” - ông Cung nói và cho rằng môi trường thể chế hiện nay khiến doanh nghiệp khó có thể tính toán dài hạn. Đặc biệt, ông cho rằng luật chơi thiên về hành chính, cách giải thích của cơ quan công quyền khiến nảy sinh cách chơi là xin - cho.

Với thể chế đó, theo ông Cung, nền kinh tế chia hai phần. Phần một kinh tế học gọi là kinh tế địa tô, tức bộ phận có cơ hội nhờ có quyền, kiểu chiếm đoạt và chia chác. Khu vực này khiến triệt tiêu sáng tạo, đổi mới, cạnh tranh, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả. Phần còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân sống nhờ cạnh tranh lành mạnh, giúp tạo thịnh vượng cho quốc gia. Tuy nhiên, ông Cung cảnh báo phía kinh tế địa tô có sức hút rất mạnh. Nên đôi khi có doanh nghiệp cũng phải ghé chân sang để tồn tại, trong khi đáng lẽ phải triệt nó đi... Ông Cung nhận định: Thay đổi khó lắm, nó chứa đựng quyền lực và lợi, không những chỉ có xin - cho mà là xin - cho - chia.

Kiến nghị chung, kêu liên tục, có tổ chức

Ông Cung tư vấn, đề xuất các doanh nhân hàng loạt vấn đề để có môi trường kinh doanh tốt hơn: Phải bỏ thói quen có luật rồi vẫn ngồi chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Không chấp nhận thông tư khác luật, phải đòi hỏi luật đủ rõ để thực hiện ngay. Có luật rồi, cứ vận dụng luật theo cách có lợi nhất. Chứ cứ bảo tôi chờ thì sẽ có thông tư, nhưng là ý chí một bộ, trong đó có thông tư chưa hẳn tất cả vì lợi ích quốc gia. Vì họ tạo ra công cụ để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích của họ...

Giải pháp, theo ông Cung, nếu các hiệp hội, ngành hàng phát hiện vấn đề bất cập, có thể gây thiệt hại cho mình thì cần có kiến nghị chung, kêu liên tục, có tổ chức. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia các cuộc tham vấn chính sách, không để sân chơi này dành cho vài nhóm lợi ích. Đặc biệt, cần chủ động khởi kiện các văn bản hướng dẫn không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Đừng lo tòa không thụ lý, không thụ lý vẫn kiện. Mười đợt doanh nghiệp khởi kiện thì sẽ tạo áp lực buộc văn bản phải thay đổi.

“Khi muốn Nhà nước phải thay đổi thì ta cũng phải thay đổi. Thói quen đưa phong bì phải thay đổi”. Tuy nhiên, ông nhìn nhận “nói thì dễ, nhưng làm cực khó. Nhưng không phải bất khả thi”.

Đi trên cầu khỉ để hội nhập

Nêu các khó khăn từ quy định hiện hành, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá doanh nhân VN hội nhập nhưng “đang phải đi trên cầu khỉ”. Đi chưa thoải mái, trong khi trên vai đè nặng thuế, phí, phong bì, đủ thứ. Thi thoảng có ông lấy gậy chọc. Doanh nghiệp phải cố gắng đi từng bước, chậm rãi. Thế thì làm sao tiến cùng thiên hạ?

CẦM VĂN KÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp