Anh Trần Ngọc Thuận (thứ ba từ phải qua) trao đổi công việc đầu ngày với các bộ phận trong công ty - Ảnh: Q.L.
Sự nghiêm túc, khắt khe khi xét chọn đã tạo nên giá trị mà đến nay, sau 20 năm, chúng ta có quyền tự hào về giải thưởng này bởi vinh danh một con người bằng tình cảm, trách nhiệm của nhiều người. Tin rằng những ai đã gắn bó với giải thưởng, hoạt động của doanh nhân trẻ sẽ hiểu tâm huyết của bao thế hệ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ cũng như giải thưởng này.
Anh PHẠM HỒNG SƠN (bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM)
20 năm hình thành và phát triển giải thưởng “ xuất sắc TP.HCM”, Thành đoàn, Hội LHTN VN TP.HCM cùng Hội TP.HCM đã trao giải thưởng cho 96 “ xuất sắc” và 32 “Doanh nhân trẻ tiêu biểu” sau 10 lần tổ chức bình xét.
Giải thưởng không chỉ ghi nhận cho nỗ lực không mệt mỏi của mỗi cá nhân điển hình mà còn là sự chung sức của cả công ty sau lưng họ. Có hai doanh nhân cùng sinh năm 1982 trong 10 gương mặt được tuyên dương. Tuổi Trẻ xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Người mở lối
Bây giờ, người ta nhắc đến tổng giám đốc Trần Ngọc Thuận của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thái Bình (Q.9) gắn liền với thị trường Cuba. Là bởi ngay từ năm 1998, công ty đã chính thức mở văn phòng đại diện tại quốc gia vùng Caribê này.
Đó chính xác là một cú chớp thời cơ có phần liều lĩnh nhưng quyết đoán của "gia đình Thuận vì lúc đó tổng giám đốc Thuận còn đang học phổ thông".
Những container hàng đầu tiên rời Việt Nam xuất qua Cuba chủ yếu là giày dép, quần áo, khăn tắm, nước hoa như để thăm dò thị trường. Thật may là hàng hóa Việt Nam được người dân bên đó đón nhận.
"Hiện tại cũng chưa hết khó vì mỗi chuyến hàng phải mất gần ba tháng mới qua đến nơi. Nhưng ban đầu còn khó nhiều hơn, chính sách thuế nhập hàng vào Cuba cao, nền kinh tế bao cấp, lại không cho quảng cáo sản phẩm với bất kỳ hình thức nào nên chúng tôi vừa làm vừa thăm dò" - anh Thuận nhớ lại.
5 năm sống tại Cuba, Thuận vừa học tiếng Tây Ban Nha để quen với đời sống người dân, vừa tìm cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Các chuyến hàng đi đều đặn hơn, số mặt hàng cũng đa dạng hơn, không chỉ là sản phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà còn có cả sắt thép, vật liệu xây dựng vượt nửa vòng trái đất đến với đất nước vốn được xem là "anh em" với Việt Nam.
Kết nối doanh nhân
Sau 20 năm, Công ty Thái Bình không chỉ trở thành đầu mối đại diện đưa tới hơn 10.000 mặt hàng của trên 300 doanh nghiệp lớn, nhỏ của Việt Nam vào thị trường Cuba, mà còn đóng vai trò cầu nối, đưa những nhà phân phối sản phẩm của Cuba sang tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam.
Doanh số mỗi năm đều tăng mà đến nay tổng giá trị Công ty Thái Bình đang nắm giữ khoảng 50% thị phần xuất khẩu từ Việt Nam qua Cuba (khoảng trên 130 triệu đôla Mỹ) hằng năm.
Hiện nhà máy sản xuất tã lót với 100% vốn được Công ty Thái Bình đầu tư sắp đi vào sản xuất. Riêng nhà máy bột giặt liên doanh với đối tác bên đó đang chờ cấp phép để tiến hành xây dựng. Cả hai đều đặt tại thủ đô Havana, sẽ là "thành trì" để hàng VN vào sâu và "đấu" với hàng hóa đến từ nhiều nơi khác ở thị trường này.
Nhận tin trở thành một trong 10 doanh nhân trẻ xuất sắc năm nay, anh Ngọc Thuận nói đây sẽ là cơ hội tốt để anh giới thiệu với các doanh nghiệp khác về thị trường còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức ấy.
"Hàng Việt Nam rất được ưa chuộng tại Cuba, 20 năm vào thị trường này giúp chúng tôi tự tin khẳng định điều đó. Và càng nhiều cơ hội phía trước khi mà Cuba không còn bị cấm vận kinh tế" - anh Thuận chia sẻ.
Áp lực để đổi mới bền vững
Anh Võ Đại Khôi - Ảnh: Q.L.
Lần thứ hai được nhận giải thưởng, anh Võ Đại Khôi (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trung Hậu) chia sẻ: "Lần đầu được giải thưởng là vui, lần thứ hai nhận tiếp với tôi là động lực nhưng cũng trở thành áp lực để thực hiện lời cam kết với nhân viên đổi mới công ty bền vững".
Anh Khôi từng nghĩ rằng không cần phải phát triển công ty với quy mô quá lớn, chỉ cần làm được như dự định ban đầu là đủ. Song giải thưởng "Doanh nhân trẻ xuất sắc" như một khoảng dừng để anh nhìn lại con đường đã chọn, nhận ra điều còn khiếm khuyết và hoàn thiện nó trên mỗi chặng đường.
"Tôi khá căng thẳng khi làm hồ sơ dự giải thưởng, nó như cuộc sát hạch để kiểm tra "sức khỏe doanh nghiệp" của mình, và tôi biết phía sau mình không chỉ hàng trăm mà là hàng ngàn con người đang sát cánh, nên không lý gì lại không cùng nhau đưa công ty bước lên những nấc thang mới" - anh Khôi bộc bạch.
80% nhân sự ở đây đều dưới 30 tuổi. Bài học đầu tiên một nhân viên nhận được khi bước vào công ty không gì khác ngoài yêu cầu trung thực - đoàn kết - nhân hậu như chính phương châm mà Đại Khôi hướng đến khi chọn cái tên Trung Hậu.
Nơi ấy, nhân viên không chỉ sống với nhau bằng quan hệ công việc mà ứng xử như một gia đình, để không chỉ làm việc mà còn cùng hỗ trợ nhau bất cứ lúc nào.
Khôi từng đi làm cho công ty của Thái Lan sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa. Rồi làm nhân viên cho một công ty xây dựng trong nước trước khi chính thức lập công ty riêng và trung thành với mảng xây dựng công nghiệp, chủ yếu thực hiện các dự án cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào VN. Hiện tại Trung Hậu là tổng thầu thiết kế và thi công hàng đầu VN sau 10 năm thành lập, nên anh Khôi xác định cần một sự đổi mới mang tính hệ thống và bền vững.
Mỗi sáng, trên các công trường của Trung Hậu thi công, công nhân phải tập bài thể dục đầu ngày và nghe huấn luyện về an toàn lao động. "Bài học bắt buộc ấy đã trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày và thành nét văn hóa của công ty. Khi mỗi người biết giữ an toàn lao động cho chính mình cũng chính là mang đến an toàn cho công ty" - anh Khôi bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận