31/03/2014 15:17 GMT+7

Doanh nhân nữ thành công nhờ "tôi luyện trong thời chiến"

CHÂU LUÂN
CHÂU LUÂN

TTO - Thành công của các nữ giám đốc điều hành (CEO) tại Việt Nam hiện nay nhờ một phần vào các kỹ năng được tôi luyện trong thời chiến, Bloomberg đã có bài phân tích sâu về vấn đề này.

3MP3cryS.jpgPhóng to
Các nữ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ thị trường chứng khoán 58 tỉ USD của Việt Nam, thị trường tốt nhất trong khu vực châu Á năm 2013 - Ảnh: Bloomberg

Chỉ số của các công ty Việt Nam, dưới dự điều hành của các “nữ tướng”, hầu hết đều tăng gấp 3 trong vòng 5 năm qua và cao gấp đôi so với chuẩn VN-Index, theo báo cáo từ Viện Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC) trụ sở tại Paris và số liệu từ Bloomberg.

Cựu CEO Tập đoàn bất động sản Vingroup Lê Thị Thu Thủy nhận định "phụ nữ đã trở nên rất độc lập" trong thời chiến và kết luận: "Bạn phải có khả năng làm việc đa nhiệm, bạn phải kiếm ra tiền, nấu ăn, chăm sóc con cái - những yếu tố đó sẽ gia tăng quyền lực cho bạn".

"Những bài học thời chiến đến nay vẫn phát huy giá trị, khi các bà mẹ từng một đời tự thân quán xuyến việc nhà, việc nước khi chồng đi đánh trận, nay truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ", bà Phạm Minh Hương, chủ tịch HĐQT VNDirect Securities, phát biểu cùng quan điểm.

Chịu khó, sáng tạo và tận tụy

“Phụ nữ nơi đây vô cùng chịu khó, sáng tạo và tận tụy - CEO Indochina Capital trụ sở Hà Nội Peter Ryder nhận định - Đó là một phần của nền văn hóa”.

Sự tham gia của các nữ lãnh đạo đã cải thiện hiệu suất kinh doanh của các công ty trên toàn cầu. Viện Credit Suisse Research Institute đã nghiên cứu 2.360 công ty tại 46 quốc gia từ năm 2005-2011, và thấy rằng những công ty nào có nữ giới tham gia HĐQT sẽ đạt tỉ suất lợi nhuận/vốn sở hữu cao hơn mức trung bình, định giá trên thị trường chứng khoán cũng cao hơn.

Ông nói thêm: "Không giống như nhiều nước châu Á - nơi phụ nữ phải chịu thiệt thòi, phụ nữ Việt Nam được trao quyền hành". IFRC báo cáo dù phụ nữ Việt chỉ chiếm dưới 7% trong HĐQT của các công ty nhà nước, nhưng con số này vẫn xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines.

Tính từ năm 2013 đến cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đã tăng 21%, lạm phát tháng 3-2014 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, xuất khẩu vượt ước tính của các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Các nhà làm chính sách đang nỗ lực duy trì phục hồi tăng trưởng kinh tế, dự đoán sẽ đạt 5,8% trong năm nay, tăng từ mức 5,42% của năm 2013.

IFRC theo chỉ số trọng số đều (equal-weighted index) của 43 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và cho biết con số này đã tăng 40% trong năm ngoái, tăng 193% kể từ tháng 3-2009, vượt mức tăng 107% của VN-Index, trích số liệu Bloomberg.

Cổ phiếu của các công ty này đã vươn ra 7 ngành công nghiệp, với trọng số lớn nhất là trong ngành công nghiệp và tài chính. Bloomberg cho biết lợi nhuận 5 năm dao động trong phạm vi tăng 763% và giảm 72%, mức tăng bình quân là 72% so với mức tăng bình quân của VN-Index là 55%.

Cân bằng trong các quyết định

Ông Chris Freund, nhà sáng lập Mekong Capital trụ sở TP.HCM, nhận định: "Nữ CEO ở Việt Nam thường đưa ra quyết định mang tính toàn bộ hơn nam giới. Họ tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên liên quan thay vì đưa ra hẳn mệnh lệnh chiến lược".

Nữ lãnh đạo ở Việt Nam có thể "hấp thu tốt từ môi trường gia đình, nơi họ cảm thấy mình là một phần đóng góp. Họ có lòng trung thành cao" - ông Freund nói thêm.

Tuy nhiên không phải tất cả các công ty ăn nên làm ra ở Việt Nam đều do phụ nữ đảm trách. "Bình đẳng giới là điều tốt nhưng tôi không cho rằng nó có thể định hướng nhà đầu tư. Kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, khả năng thích ứng và quyết đoán mới là những yếu tố bồi đắp nên thành công của lãnh đạo", theo ông Patrick Mitchell tại VinaSecurities.

Quản trị rủi ro tốt hơn nam giới

Việc đưa phụ nữ vào HĐQT sẽ giúp doanh nghiệp có được góc nhìn đa dạng hơn cho quá trình đưa ra quyết định. Chuyên gia kinh tế Simon Andrews tại International Finance Corp. khẳng định: "Loại bỏ phụ nữ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự nguyện từ chối khả năng đa dạng hóa".

Bloomberg dẫn chứng 2 tập đoàn danh tiếng là Vinamilk và Vingroup, có cổ phiếu thuộc hàng top trong vòng 5 năm qua, đều do phụ nữ lãnh đạo.

Kể từ tháng 3-2009, Vinamilk đã tăng trưởng 688% và đạt giá trị 5,6 tỉ USD. Dưới sự lãnh đạo của CEO Mai Kiều Liên từ năm 2009, Vinamilk đã xuất khẩu sang hơn 23 quốc gia trên thế giới và đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 vượt mốc 3 tỉ USD, tăng từ mức 500 triệu USD cách đây 5 năm.

Bà Liên cho rằng nữ lãnh đạo có xu hướng cẩn trọng hơn người đồng cấp nam nên quản trị rủi ro hiệu quả hơn. Cổ phiếu của Vinamilk đã tăng 5 năm liên tiếp với mức tăng 14%.

Trong khi đó, Vingroup tăng 763% kể từ năm 2009. CEO Lê Thị Thu Thủy đã gia nhập tập đoàn vào năm 2008 với chức vụ đứng đầu bộ phận đầu tư và trở thành CEO 4 năm sau đó. Dưới sự điều hành của bà Thủy, lợi nhuận ròng của Vingroup trong năm 2013 tăng hơn gấp 4 lần, theo số liệu Bloomberg.

Hiện bà Thủy đã trao vị trí này lại cho bà Dương Thị Mai Hoa, để tập trung khai thác lĩnh vực hoàn toàn mới của Vingroup - Thương mại điện tử VinE-com.

(Theo Bloomberg)

CHÂU LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp