03/05/2018 14:49 GMT+7

Doanh nghiệp xin làm... xã viên hợp tác xã

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Trong khi nhiều hợp tác xã (HTX) khó khăn, giải thể thì tại HTX lúa tôm Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) có doanh nghiệp xin làm xã viên của HTX để mua được lúa của dân, cùng phát triển thương hiệu.

Doanh nghiệp xin làm... xã viên hợp tác xã - Ảnh 1.

Canh tác và thu hoạch theo quy trình nghiêm ngặt của HTX lúa tôm Thạnh Phú có sự đồng hành sát sao của doanh nghiệp - Ảnh: V.TRƯỜNG

Ngoài góp vốn, doanh nghiệp (DN) còn đầu tư giống, phân bón, máy móc và bao tiêu với giá cao hơn thị trường 30-40%.

3 năm thử lòng doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Lang (giám đốc HTX lúa tôm Thạnh Phú) cho biết đầu năm 2018, toàn bộ 74 xã viên đã biểu quyết kết nạp Công ty Greenfield là thành viên mới của HTX. 

Đây được coi là "đại xã viên", vì 101 nông dân ở xã An Nhơn đang hợp tác với công ty này suốt ba năm qua cũng tình nguyện đi theo. 

Như vậy kể từ năm 2018, HTX lúa tôm Thạnh Phú có tới 175 xã viên với hơn 170ha đất chuyên sản xuất loại gạo hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu.

Không phải ngẫu nhiên hơn 100 nông dân xã An Nhơn theo chân Lio-Thai (tên thường gọi của Công ty Greenfield) xin làm xã viên HTX lúa tôm Thạnh Phú. 

Theo nông dân Tô Văn Bạch, tổ hợp tác An Nhơn đã có ba năm làm ăn chung. Công ty cung ứng giống, hỗ trợ 50% tiền phân bón, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn kỹ thuật, giám sát sản xuất theo quy trình hữu cơ. 

Đến khi thu hoạch, họ mua với giá cao hơn thị trường, chưa bao giờ thất hứa. "Từ khi hợp tác, lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm của chúng tôi tăng, trung bình 50 triệu đồng/ha/vụ. Công ty rủ vô HTX để làm ăn bài bản hơn, hiệu quả cao hơn nên bà con chúng tôi gật đầu" - ông Bạch nói.

Theo ông Lâm Anh Tú - giám đốc sản xuất gạo hữu cơ Lio-Thai, sau khi được kết nạp làm xã viên HTX lúa tôm Thạnh Phú, công ty sẽ đóng góp vốn điều lệ 3 triệu đồng/ha cho 101 xã viên ở An Nhơn theo quy định, nông dân không phải đóng. 

Rút kinh nghiệm hàng loạt mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP "chết yểu" chỉ sau 1-2 năm, chủ trương mới là DN gắn chặt hơn bằng cách xin làm xã viên HTX. 

"Chúng tôi tin sẽ làm cho chất lượng lúa gạo ngày càng tốt hơn. Đời sống của nông dân trồng lúa - nuôi tôm sẽ khá lên dù chỉ làm 1 vụ/năm" - ông Tú nói.

Từ thành công của mô hình DN làm xã viên của HTX lúa tôm Thạnh Phú, hiện ở Bến Tre một số DN cũng đang xúc tiến hỗ trợ thành lập thêm HTX kiểu trên. Dự kiến một HTX dạng này sẽ ra mắt ngay cuối tháng 5-2018.

Theo ông Trương Thanh Hải - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, ban đầu nông dân không tin, nhưng dần dần họ thấy được hiệu quả từ cách làm này. DN bảo gieo giống gì, thậm chí không cho đốt một cọng rơm... nông dân vẫn vui vẻ làm theo.

Muốn liên kết phải bỏ chụp giật

Cách đây vài năm, tại các tỉnh ĐBSCL rộ lên phong trào DN ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân. Phần lớn liên kết này chỉ mang tính hình thức. Đầu vụ hai bên gặp nhau ký hợp đồng, cuối vụ DN đến mua lúa. 

Số ít DN có đầu tư ứng trước giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, không ít DN dù ký hợp đồng nhưng đến khi nông dân thu hoạch lại... biệt tăm. 

Cũng có một bộ phận nông dân thấy thương lái mua giá cao hơn là "xé" hợp đồng, không chịu bán cho DN.

Ông Lê Thanh Khiêm - phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, đơn vị cũng tham gia vào một HTX ở Bến Tre - nói DN xin làm xã viên là coi việc sản xuất và giữ gìn thương hiệu gạo sạch là trách nhiệm của mình. 

"Quy trình sản xuất gạo sạch rất khắt khe. Xuống làm xã viên HTX để cùng chia sẻ khó khăn, vất vả với nông dân thì họ mới tin mình" - ông Khiêm nói.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nhờ liên kết mà ý thức của nông dân cũng thay đổi tích cực. Họ không lạm dụng phân hóa học, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và không dùng một giọt thuốc trừ sâu. Một cọng rơm, một nắm cỏ cũng không đốt vì quy trình sản xuất lúa hữu cơ không được thải ra khí cacbon gây hiệu ứng nhà kính. 

"DN chịu xuống làm xã viên. Nông dân chịu nghe DN để sản xuất lớn là điều rất đáng mừng. Tôi cho rằng mô hình liên kết như thế này mới thực sự hiệu quả và bền vững. Nông dân và DN sẽ vô HTX đông hơn, chứ họ không xin ra như trước nữa" - ông Xuân nói.

Lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha

Ông Trương Thanh Hải, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, cho biết mô hình liên kết giúp nông dân bán được gạo với giá cao hơn thị trường 30-40%. Vụ mới thu hoạch gần đây, DN đã bao tiêu lúa sạch giá 7.600 đồng/kg, lúa hữu cơ có DN mua giá tới 8.500 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình của xã viên HTX khoảng 40-50 triệu đồng/ha.

Theo ông Hải, thực tế quan hệ giữa xã viên DN và xã viên nông dân bình đẳng. Nếu hộ nào thu hoạch xong mà nói để dành ăn chứ không bán, DN cũng không ép. Cũng không có DN nào đưa ra mức giá thấp hơn mức cam kết với nông dân. Khi có xã viên là DN, hoạt động của HTX cũng thay đổi theo mô hình DN, biết làm kinh tế chứ không phải thụ động như trước.

Ông Lê Thanh Khiêm (phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang):

Phải thay đổi...

Hiện quan niệm của người tiêu dùng đã thay đổi từ ăn no sang ăn ngon và an toàn. Gạo rẻ tiền, không rõ nguồn gốc dần mất chỗ đứng trên thị trường. Nhu cầu của thị trường ngày càng cao, bắt buộc cả DN và nông dân đều phải thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh. Muốn có được gạo sạch hoặc gạo hữu cơ thì phải tổ chức sản xuất theo một quy trình kỹ thuật chặt chẽ, được các tổ chức quốc tế thẩm định cấp chứng nhận. Việc này chỉ có nông dân thì khó làm được, mà phải có DN đồng hành với vai trò là nhà tài trợ, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Cần thành lập nhiều HTX kiểu mới

TT - Nông dân Nguyễn Ngọc Hải - 57 tuổi, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Thới An, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ - vừa gửi bức thư viết tay đầy tâm huyết tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên những khó khăn của người nông dân hiện nay.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp