Thị trường tôn thép VN phát triển mạnh nhưng đang phổ biến tình trạng hàng nhái, gian lận móc túi người tiêu dùng - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp, chuyên gia đã khẳng định thị trường tôn thép VN đang phổ biến tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là tôn Trung Quốc kém chất lượng nhưng in thương hiệu VN.
Đặc biệt, có doanh nghiệp “tố” do sản phẩm tôn thép ở VN được sử dụng rất nhiều, từ làm mái nhà đến chống nóng, nên có nhiều doanh nghiệp VN cũng đang cấu kết với nhà phân phối gian lận để móc túi người tiêu dùng...
Ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho biết năm 2013, VN đã nhập khẩu đến 600.000 tấn tôn mạ, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc (khoảng 80%).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép, thông tin 10 tháng đầu năm 2014, ngành tôn thép VN mới phát huy được khoảng 60% công suất và phải xuất khẩu tới trên 660.000 tấn mới tiêu thụ hết hàng trong nước...
Lý do doanh nghiệp nhập khẩu nhiều được hé mở một phần khi ông Nguyễn Trọng Tín, cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, cho biết “có tình trạng tôn kém chất lượng từ Trung Quốc nhưng lấy nhãn hiệu Việt”. Và theo ông Tín, điều này không chỉ phổ biến ở vùng nông thôn, vùng xa, mà còn có ngay tại thủ đô Hà Nội.
“Doanh nghiệp nhập thép Trung Quốc cuộn. Khi khách mua, chủ cơ sở sẽ dùng máy dập để in tên, thương hiệu. Khách hàng muốn in nhãn mác hãng nào cũng được” - ông Tín nói và cảnh báo đang phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp, cửa hàng (kể cả doanh nghiệp trong nước) ghi độ dày của tôn là 0,35mm nhưng thực tế chỉ có 0,28mm!
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn tôn Hoa Sen, nêu thực tế chỉ cần trang bị máy in phun, các cơ sở kinh doanh đã dễ dàng “phù phép” các sản phẩm tôn kém chất lượng thành hàng chính hãng và bán với giá rẻ hơn.
Do hàng giả, hàng nhái ở mức phổ biến, theo ông Vũ, nhiều doanh nghiệp VN cũng phải theo trào lưu, vì tôn nhái, tôn giả bán giá rẻ hơn. Cho biết bản thân ông cũng từng được cấp dưới đề nghị ghi tôn mỏng thành tôn dày, ông Vũ khẳng định rất nhiều doanh nghiệp VN cũng đang có tình trạng câu kết để lừa dối người tiêu dùng về độ dày của tôn.
“Tôi biết có doanh nghiệp không muốn thế, nhưng cũng phải làm, vì nếu không họ sẽ chết” - ông Vũ nói.
Cuộc hội thảo khá “căng” khi không doanh nghiệp nào nhận mình gian lận trong khi ông Lê Phước Vũ cho rằng ngay trong khán phòng cũng có doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp tốt một phần và có doanh nghiệp gian lận.
Nói đã biết hết các doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, ông Lê Phước Vũ cảnh báo từ thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào tiếp tục gian dối sẽ có biện pháp thông tin cho cơ quan chức năng để bảo vệ chính doanh nghiệp của mình cũng như vì thị trường lành mạnh.
Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội đều đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, làm hết trách nhiệm của mình vì tình trạng tôn thép giả, nhái, kém chất lượng đã tồn tại từ lâu và đang phổ biến, vừa ảnh hưởng sản xuất trong nước, vừa thất thu ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm...
Cách nhận biên tôn giả, gian lận độ dày Theo tài liệu của các nhà chuyên môn ngành tôn, có cách khá đơn giản để phân biệt tôn giả, nhái, gian lận độ dày để móc túi người tiêu dùng. Cụ thể, tôn gian lận độ dày thường có ký hiệu “MSC” hoặc “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau tấm tôn. Loại tôn này cũng thường chỉ ghi độ dày của tôn là 0.35 hoặc 0.4 thay vì phải viết đầy đủ là 0,35mm hoặc 0,40mm. Về tình trạng gian lận độ dày tôn, dẫn thông tn từ báo Dân Trí, ông Lê Phước Vũ chỉ thẳng những thương hiệu hay có gian lận độ dày là TVP, Poshaco, Đại Thiên Lộc, Nam Kim, Tovico... Ông Nguyễn Trọng Tín, cục phó Cục Quản lý thị trường, cho biết tôn giả, nhái thường không dập số mét và chứng chỉ ISO 9001:2008 vì máy cán không dập nổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận