25/04/2021 09:23 GMT+7

Doanh nghiệp Việt tranh nhau gom chip, ứng phó 'cơn sốt chip' toàn cầu

ĐỨC THIỆN - BẢO ANH
ĐỨC THIỆN - BẢO ANH

TTO - Cuộc khủng hoảng chip (bộ vi xử lý) toàn cầu đã bắt đầu có những ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước.

Doanh nghiệp Việt tranh nhau gom chip, ứng phó cơn sốt chip toàn cầu - Ảnh 1.

Nhiều lĩnh vực công nghệ, sản xuất điện tử tiêu dùng tại Việt Nam đang lo thiếu hụt chip như ngành sản xuất smartphone - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Trong một bài viết chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vào ngày 22-4, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Công ty Bkav - cho biết các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ đều đang phải "nỗ lực tìm kiếm trên khắp thế giới" để có nguồn cung chip, thậm chí phải lo tranh mua và tích trữ càng nhiều càng tốt.

Hơn 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng?

Khoảng từ giữa năm 2020, Công ty Bkav Electronics bắt đầu thấy dấu hiệu khan hiếm linh kiện màn hình LCD khi chi phí liên tục tăng. "Tháng 9-2020, các nhà cung ứng chip gửi báo cáo cho chúng tôi về việc tăng thời gian giao hàng tiêu chuẩn (Standard Lead time) cho các mặt hàng chip xử lý, chip nhớ, chip quản lý nguồn" - ông Trần Việt Hải, tổng giám đốc Công ty Bkav Electronics, kể với Tuổi Trẻ.

Nguyên nhân của vụ việc được cho là do các nhà máy đúc chip bị quá tải đơn hàng. "Các chip tiến trình từ 45nm trở lên không còn nguồn cung, giá tăng 5-7 lần. Các nhà máy đúc chip tối đa hóa lợi nhuận, tập trung sản xuất các dòng chip tiến trình dưới 10nm có giá trị gia tăng cao.

Đến cuối năm 2020, các nhà sản xuất chip và cung ứng linh kiện đều báo cáo về việc khan hiếm này, đồng thời cảnh báo thời gian giao hàng tiêu chuẩn lên đến 10 tháng" - ông Hải thông tin.

"Không chỉ thời gian giao nguyên vật liệu dài hơn, các nhà sản xuất cũng tăng nhu cầu tích trữ nguyên vật liệu nhiều hơn, khiến chip và các linh kiện điện tử càng khan hiếm.

Ông Lý Quốc Chính (giám đốc công nghệ kiêm giám đốc sản xuất Công ty VNPT Technology)

Ông Lý Quốc Chính, giám đốc công nghệ kiêm giám đốc sản xuất Công ty VNPT Technology, cũng cho biết doanh nghiệp (DN) này đang sản xuất một số thiết bị thu phát sóng đầu cuối, thiết bị dịch vụ truyền hình, thiết bị giám sát camera... và các hoạt động sản xuất ODM (Original Design Manufacturing, tạm dịch: sản xuất "thiết kế" gốc).

Sản lượng mỗi năm khoảng 3 triệu sản phẩm, nhu cầu về chip sẽ tăng mạnh. Thế nhưng, thời gian giao hàng có xu hướng kéo dài hơn và nguồn cung chip đang bắt đầu khan hiếm, giá lại tăng cao.

Cũng theo ông Chính, trong giai đoạn giao thời giữa công nghệ 4G và 5G, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nên nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu chip thời gian tới có xu hướng tăng lên theo tốc độ nhu cầu phát triển công nghệ của thị thường.

Và không chỉ có chipset (hay còn gọi tắt là chip) mà nhu cầu sử dụng linh kiện thiết bị điện tử cũng có xu hướng tăng lên so với các năm trước...

Nhiều DN sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại VN đều thừa nhận đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, dù ở nhiều mức độ khác nhau. Bởi chip xuất hiện trong hầu hết các thiết bị điện tử, dù đơn giản nhất như thẻ căn cước công dân mới của VN, cho đến các thiết bị điện tử gia dụng phổ biến như tivi, tủ lạnh, bếp điện từ, nồi cơm điện tử...

Trong khi đó, VN gần như chưa có DN nào làm ra đầy đủ một con chip (từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất) nên đều phải phụ thuộc vào nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

"Do đó, có thể nói hơn 90%, thậm chí là 99% DN sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu" - một chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch tại VN nhận xét.

Doanh nghiệp Việt tranh nhau gom chip, ứng phó cơn sốt chip toàn cầu - Ảnh 3.

Tình trang khan hiếm chip điện tử trên toàn cầu cũng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Lo đi gom chip

Để khắc phục tình trạng này, nhiều DN Việt chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, công nghệ phải tranh thủ đi tìm kiếm nguồn cung chip từ "những đối tác thay đổi kế hoạch kinh doanh" có dư ra những lô linh kiện không dùng đến nữa.

"Việc mua bán này đang diễn ra rất nhộn nhịp và xảy ra hiện tượng tranh mua" - giám đốc một DN nói, đồng thời thừa nhận rằng đội mua hàng quốc tế của DN này vô cùng sung sướng khi vừa gom được một lô 8.000 bộ linh kiện cho camera AI View.

"Trong dài hạn, chúng tôi đã lên các phương án ứng phó, như đa dạng hóa nguồn cung linh kiện, chuyển đổi thiết kế sang các linh kiện an toàn về nguồn cung, đàm phán chiến lược với các nhà sản xuất để cùng tháo gỡ.

Ông Trần Việt Hải (tổng giám đốc Công ty Bkav Electronics)

Theo các DN, việc các công ty sản xuất tranh nhau mua chip, gom chip "sẽ còn diễn ra hằng ngày và còn dài dài, với tất cả các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ khắp thế giới". Ông Trần Việt Hải cho biết Bkav thường nhập dự trữ (buffer) linh kiện 20 - 28 tuần nên trong ngắn hạn chưa bị ảnh hưởng lớn.

"Trong dài hạn, chúng tôi đã lên các phương án ứng phó, như đa dạng hóa nguồn cung linh kiện, chuyển đổi thiết kế sang các linh kiện an toàn về nguồn cung, đàm phán chiến lược với các nhà sản xuất để cùng tháo gỡ" - ông Hải nói.

Doanh nghiệp Việt tranh nhau gom chip, ứng phó cơn sốt chip toàn cầu - Ảnh 5.

Chip điện tử xuất hiện trong hầu hết các thiết bị điện tử, công nghệ hiện đại nên nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đang “săn lùng” nguồn cung - Ảnh: Đ.THIỆN

Tương tự, ông Lý Quốc Chính cũng cho biết DN đang xúc tiến nhiều biện pháp đối ứng để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, như tăng cường các hoạt động tiếp cận thông tin, dự báo thị trường, tầm nhìn xa hơn về thị trường; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp để tăng tính tính cạnh tranh; tìm kiếm các loại nguyên vật liệu thay thế; mở rộng mạng lưới nhà cung cấp... Đồng thời chủ động trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, định hướng sử dụng các linh kiện phổ thông hơn, hạn chế các linh kiện độc quyền.

Đặc biệt, một số DN có nguồn lực đang tìm cách gia tăng mức độ "tự chủ", giảm càng nhiều càng tốt mức độ phụ thuộc vào nước ngoài... bởi khủng hoảng chip, linh kiện có thể sẽ kéo dài và chắc chắn sẽ còn lặp lại trong tương lai.

Chẳng hạn, Công ty VNPT Technology đang đẩy mạnh khả năng "làm chủ phần thiết kế và làm sản phẩm để có thể chủ động thay đổi các linh kiện, nguyên vật liệu khác nhau mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm".

Công ty Điện Quang - cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chiếu sáng, thiết bị điện và điều khiển thông minh - đầu tư các dây chuyền sản xuất đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ dây chuyền sản xuất chip LED, bo mạch điện tử, linh kiện ép nhựa cho đến các sản phẩm hoàn thiện, chưa kể dây chuyền sản xuất chip LED tự động với sản lượng lên đến 150 triệu chip mỗi năm.

"Điện Quang là đơn vị đầu tiên tại VN sản xuất chip LED SMD với các công suất 0,2w, 0,5w, 1w đủ đáp ứng sản xuất đèn LED phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu" - đại diện DN này cho biết.

Nhu cầu tăng, nguồn cung khan hiếm

Nhiều DN công nghệ Việt cho biết đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, thậm chí có DN dự kiến tăng tổng sản lượng sản xuất lên 3-4 lần so với năm 2020, nên có nhu cầu lớn về chip cũng như linh kiện điện tử trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại khiến nguyên vật liệu thô đầu vào của các linh kiện khan hiếm hơn. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh kéo dài trên toàn cầu còn dẫn đến giao thương, vận chuyển gặp nhiều hạn chế, tắc cảng, thiếu container... dẫn đến thời gian giao hàng bị kéo dài, chưa kể tình trạng đầu cơ tích trữ nguyên liệu nhiều hơn khiến giá chip bị đẩy lên cao.

Toàn cầu đang thiếu chip ra sao?

Doanh nghiệp Việt tranh nhau gom chip, ứng phó cơn sốt chip toàn cầu - Ảnh 7.

Dây chuyền lắp ráp xe của Công ty Ford ở Dearborn, bang Michigan, Mỹ. Ford là một trong những nhà sản xuất ôtô bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu chip - Ảnh: AFP

Báo The Guardian cho rằng người tiêu dùng đang đối diện với giá cả tăng và thiếu các sản phẩm từ tivi, điện thoại di động cho tới ôtô và máy chơi game, khi tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu gia tăng.

Hồi giữa tháng 4, Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài tới năm 2022.

Theo tạp chí Nikkei Asia, Mỹ đang thúc giục các nhà sản xuất chip thế giới mang hoạt động sản xuất chip tiên tiến tới Mỹ với mong muốn giành lấy vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn mà hiện nay tập trung ở Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục.

Báo New York Times tuần này mô tả về tác động của tình trạng thiếu chip tới ngành công nghiệp ôtô: "Trên khắp thế giới, nhiều dây chuyền lắp ráp ôtô đang trở nên yên ắng, công nhân không có việc làm, còn sân đậu xe của các đại lý trở nên trống không".

Hãng sản xuất ôtô danh tiếng Mercedes-Benz (Đức) bắt đầu dự trữ chip dành cho những mẫu xe đắt tiền và đang đóng cửa tạm thời các nhà máy sản xuất ôtô C-Class có giá thấp hơn. Trong tháng này, Công ty sản xuất ôtô Porsche (Đức) cũng cảnh báo các đại lý ở Mỹ rằng khách hàng có thể phải chờ thêm 12 tuần để nhận được xe vì họ thiếu chip dùng để giám sát áp suất lốp xe.

Vì sao thiếu chip? Theo giải thích của Hãng tin Reuters, sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khi các nhà sản xuất ôtô cạnh tranh với ngành hàng điện tử tiêu dùng về nguồn cung chip.

Người tiêu dùng mua nhiều hơn máy tính xách tay, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong bối cảnh dịch COVID-19.

Lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty công nghệ Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Ban đầu tập trung vào ngành công nghiệp ôtô, sự thiếu hụt chip giờ đây đã lan sang một loạt thiết bị điện tử tiêu dùng gồm smartphone, tủ lạnh và lò vi sóng.

Nvidia cung cấp công nghệ chip cho xe điện VinFast

Hãng xe VinFast vừa công bố lựa chọn công nghệ chip của Hãng Nvidia (Mỹ) - nổi tiếng hàng đầu thế giới về sản xuất bộ vi xử lý đồ họa - ứng dụng trên các dòng xe điện ra mắt thị trường từ năm 2022. Cụ thể, VinFast sẽ sử dụng nền tảng công nghệ của các dòng chip Nvidia Drive Xavier và dự kiến nâng cấp lên dòng chip Nvidia Drive Orin thế hệ mới cho các phiên bản xe cao cấp sau đó.

Công nghệ chip của Nvidia hỗ trợ các tính năng đặc biệt của xe như lên kế hoạch hành trình, định vị trạm sạc và đại lý, cảnh báo nguy cơ mất trộm, học và ghi nhớ thói quen sử dụng của người dùng, tự lái trên đường cao tốc, tự động đỗ xe...

Việc ứng dụng sẽ giúp xe điện VinFast sở hữu hệ thống xử lý thông tin nhanh hơn, qua đó tăng độ an toàn và nâng cao khả năng tự hành của xe. Bà Thái Thị Thanh Hải, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm tổng giám đốc VinFast, chia sẻ: "Với việc lựa chọn công nghệ của Nvidia, các dòng xe điện VinFast sẽ được trang bị những tính năng tự hành, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các kết nối không dây tiên tiến nhất".

VinFast dùng siêu chip cho xe điện thông minh VinFast dùng siêu chip cho xe điện thông minh

TTO - Hãng xe VinFast vừa công bố chọn công nghệ chip của Nvidia - công ty điện toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới - trên các mẫu xe điện thông minh tự hành cấp độ cao.

ĐỨC THIỆN - BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp