
Công ty cổ phần Phúc Sinh xuất khẩu tiêu, cà phê chủ yếu sang thị trường châu Âu, tính đến tháng 4-2025, 3 lần nhận tài trợ từ tổ chức quốc tế vì gắn với phát triển bền vững - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 4-4, tại TP.HCM, Công ty cổ phần Phúc Sinh và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (Dutch Entrepreneurial Development Bank - FMO) ký kết hợp đồng tài trợ trị giá 15 triệu USD vì chiến lược nông nghiệp xanh, gắn phát triển bền vững.
Đây là lần thứ 3 doanh nghiệp nhận nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế.
Dễ dàng nhận tài trợ vốn ngoại nhờ… 'chìa khóa' ESG
Để gọi vốn, vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, không ít doanh nghiệp cần 'tấm vé' là một báo cáo phát triển bền vững (ESG - môi trường, xã hội và quản trị). Tính đến tháng 4-2025, tổng nguồn vốn tài trợ mà Phúc Sinh nhận được từ các tổ chức tài chính quốc tế nhờ yếu tố phát triển bền vững có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Oline, ông Phan Minh Thông - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh kể lại các lần nhận tài trợ từ các tổ chức quốc tế.
Lần đầu tiên, Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) tài trợ 25 triệu USD (hơn 645 tỉ đồng) trong 7 năm; lần thứ hai Quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) tài trợ mức vốn không hoàn lại 575.000 euro (khoảng 16 tỉ đồng).
Lần này Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) 'rót' 15 triệu USD (khoảng 384 tỉ đồng), nâng tổng nguồn vốn tài trợ nhận được tính đến nay hơn 1.000 tỉ đồng.
Trong đó, dùng 80% nguồn tài trợ, doanh nghiệp này dùng cho mục đích xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ, thực hiện các dự án xanh…
Chia sẻ lý do nhận khoản tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, ông Thông cho biết: "Phúc Sinh có 16 năm theo đuổi phát triển bền vững, có báo cáo phát triển bền vững (ESG).
Thứ hai, chúng tôi có hệ thống kinh doanh minh bạch và nguồn hàng chất lượng. Đặc biệt, công ty còn hỗ trợ nông dân vùng cao ổn định sinh kế, gắn với việc không khai hoang phá rừng", ông Thông nói thêm.
Nếu như khoản tài trợ đầu tiên doanh nghiệp đàm phán trong 22 tháng, thì thương vụ lần này chỉ mất 12 tháng.
Động lực cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt

Gắn với phát triển bền vững, Công ty cổ phần Phúc Sinh được 'rót' 15 triệu USD trong lần thứ 3 từ ngân hàng Hà Lan - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Bà Ammarens - giám đốc kinh doanh nông nghiệp khu vực châu Á của FMO - đánh giá Phúc Sinh phù hợp với kế hoạch chiến lược của FMO vì tạo ra giá trị và việc làm địa phương, hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng…
Từ câu chuyện của Phúc Sinh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam thấy được "lối mở" trong kêu gọi hỗ trợ vốn, là theo hướng phát triển bền vững.
Ông Hồ Quang Thiên - giám đốc kinh doanh một công ty xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Á, châu Âu - nhìn nhận phát triển bền vững không chỉ là xu hướng, mà là con đường tất yếu nếu doanh nghiệp muốn đi xa.
"Để nhận được tài trợ vốn chắc chắn, doanh nghiệp phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, yêu cầu khắt khe. Điều này còn chứng tỏ giá trị cũng như thương hiệu nông sản Việt, là động lực cho rất nhiều doanh nghiệp khác", ông Thiên nói.
Tài trợ hướng đến phát triển bền vững
FMO được thành lập vào năm 1970, trong đó Chính phủ Hà Lan sở hữu 51% cổ phần, là một tổ chức tài chính hỗ trợ sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân tại các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi.
FMO là tổ chức tín dụng được xếp hạng AAA, bởi cả 2 đơn vị đánh giá hàng đầu thế giới, Fitch và Standard & Poor's. Tổ chức này có hướng hoạt động thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. FMO thực hiện điều này thông qua các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án và các tổ chức tài chính, nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và tạo ra tác động tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận