11/10/2018 10:56 GMT+7

Doanh nghiệp Việt chuyển mình: Nở rộ khởi nghiệp và tái khởi nghiệp

ĐỨC THIỆN - NHƯ BÌNH - HỮU DUYÊN - THIÊN ĐIỂU
ĐỨC THIỆN - NHƯ BÌNH - HỮU DUYÊN - THIÊN ĐIỂU

TTO - Dù chất lượng chưa hẳn đều cao, phong trào khởi nghiệp ở VN khá sôi động với nhiều ý tưởng thu hút hàng chục triệu USD vốn ngoại, trong khi nhiều thương hiệu cũ cũng tái khởi nghiệp tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Doanh nghiệp Việt chuyển mình: Nở rộ khởi nghiệp và tái khởi nghiệp - Ảnh 1.

Người dân chọn mua sản phẩm kem Thorakao tại một phiên chợ hàng Việt - Ảnh: XUÂN YẾN

Những năm gần đây, không ít tên tuổi đứng đầu ngành công nghiệp, bán lẻ của Việt Nam đã sang tên, đổi chủ. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp không ngừng nỗ lực, tìm tòi, đầu tư vào công nghệ tạo nên một cuộc cạnh tranh cân sức hơn.

Nỗ lực mở lối đi riêng

Được ông Lê Đắc Lâm thành lập năm 2014, một doanh nhân thuộc thế hệ 8X yêu thích du lịch, Vntrip - hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn của Việt Nam - nhanh chóng lớn mạnh với tốc độ đáng kinh ngạc. Không chỉ là đơn vị có quyền truy cập vào mạng lưới kết nối với gần 2 triệu khách sạn trong và ngoài nước, Vntrip.vn đã tự xây dựng được mạng lưới với hơn 11.000 khách sạn trên cả nước.

Trước đó tháng 7-2016, doanh nghiệp này nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Một năm sau đó, Vntrip.vn lại tiếp tục nhận được 10 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Đến tháng 8-2018, Vntrip.vn đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding với mức định giá 45 triệu USD. 

Chưa dùng lại ở đó, Vntrip vừa công bố sáp nhập Atadi.vn - một cái tên sừng sỏ về cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam - vào hệ thống của mình.

Ứng dụng eDoctor (khám sức khỏe tổng quát, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, chăm sóc sức khỏe tại nhà...) - dự án được lựa chọn là startup Việt duy nhất tham gia chương trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp Launchpad Accelerator của Google, hiện có mạng lưới bác sĩ online với hơn 300 bác sĩ thường xuyên tư vấn cho các khách hàng thông qua hệ thống ứng dụng di động của eDoctor, phục vụ cho hơn 10.000 lượt khách hàng.

Cuối tháng 1-2018, eDoctor đã được Trung tâm y khoa medic Hòa Hảo lựa chọn làm mạng lưới cung cấp các dịch vụ khám tại nhà cho người dân như: khám sức khỏe tổng quát, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe tại nhà... Việc hợp tác này nhằm đem lại cho người dân sự phục vụ tốt hơn và nhanh chóng cũng như tiện lợi hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh.

Ông Vũ Thanh Long, đồng sáng lập eDoctor, cho biết trong năm nay dịch vụ này sẽ phát triển mạng lưới 5.000 y tá trên 20 địa phương trong cả nước. Mạng lưới y tá offline kết hợp với bác sĩ online sẽ mang nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến từng gia đình, người dân Việt Nam. 

"Chúng tôi tin rằng đây là những dịch vụ hết sức thiết thực với người Việt và đặt mục tiêu sẽ phục vụ được hơn 1 triệu người Việt thường xuyên sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua eDoctor" - ông Long chia sẻ.

Tìm lại thời vàng son

Trong căn nhà năm tầng nằm ở điểm giao hai trục đường chính của TP.HCM, trái ngược với không gian tầng trệt sang trọng của một thương hiệu cà phê cao cấp nước ngoài, đại bản doanh của Thorakao (thuộc Công ty sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo) - thương hiệu từng làm mưa làm gió thị trường mỹ phẩm trong nước vài chục năm về trước - hiện nằm im ắng và thu mình, tách biệt khỏi những ồn ã xô bồ ngoài kia. 

Công ty chỉ sở hữu một cửa hàng duy nhất bên cạnh trụ sở chính, quá khiêm tốn so với hệ thống hàng chục cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh.

Sản phẩm của Thorakao cũng không còn được ưu ái như xưa, lặng lẽ xếp ở những kệ hàng dưới cùng trong các siêu thị và cửa hàng mỹ phẩm, vị trí dành cho những sản phẩm ít tên tuổi, tồn kho và không mấy được ưa chuộng. 

Theo quan sát tại cửa hàng Thorakao chính thức duy nhất tại TP.HCM, khách hàng chủ yếu thuộc độ tuổi 30-50, đến hỏi mua các sản phẩm về dầu gội và tinh dầu. Phân khúc trẻ hơn, từ 20-30 tuổi, chủ yếu mua tại các cửa hàng mỹ phẩm đáp ứng yêu cầu mua sắm tiện lợi, nhanh chóng.

Một nhân viên tại chuỗi cửa hàng Guardian cho hay các sản phẩm về tóc và sữa rửa mặt của Thorakao được nhiều người hỏi mua và nhận về những phản hồi tích cực. Anh N., nhân viên tại Thorakao, cũng cho biết cùng với việc triển khai hình thức mua hàng trực tuyến trong nước, công ty đang xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường lớn như Trung Đông, Mỹ, Bắc Phi..., đều là những thị trường có quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và sở hữu quy mô tiêu thụ dồi dào.

Không chỉ Thorakao, các thương hiệu Việt từng vang bóng một thời như Biti's, Miss Saigon, nhựa Rạng Đông... vẫn đang sống và phát triển theo chiến lược riêng. Đại diện một cửa hàng Biti's tại TP.HCM cho hay những ngày đầu tung sản phẩm mới, mức tiêu thụ tăng mạnh, chỉ tính riêng dòng Biti's Hunter có thể bán 50-60 đôi/ngày, khách hàng cũng đa dạng chứ không chỉ là trẻ nhỏ được bố mẹ đưa đến mua xăngđan, dép... như trước.

Anh Hưng (24 tuổi, TP.HCM) - một khách hàng đến mua giày tại cửa hàng Ananas, thương hiệu thuộc Công ty sản xuất gia công giày dép Đông Hưng - bày tỏ sự bất ngờ đối với chất lượng và mẫu mã sản phẩm, "cứ như thương hiệu quốc tế vậy nhưng lại tiết kiệm hơn rất nhiều".

Đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế

Chia sẻ về quyết định chọn mô hình khởi nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Trần Viết Quân - giám đốc Công ty Ứng dụng di động xanh, đơn vị phát triển Fama (Farmer+Market), sàn nông sản trực tuyến (B2B) ứng dụng trên điện thoại di động - cho biết Fama sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản nhỏ có thể tiếp thị, kết nối với các đối tác tiềm năng tại các quốc gia phát triển.

Theo anh Quân, hiện có hàng triệu nông sản tốt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia đang phát triển (như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar...) chưa thể tiếp cận tại nhiều thị trường quốc tế nên các sản phẩm này chưa đem lại nhiều giá trị gia tăng. Với Fama, người bán nông sản có thể dễ dàng kết nối với người mua.

Sau khi các thỏa thuận được thiết lập, doanh nghiệp có thể sử dụng Fama để quản lý các đơn hàng, xây dựng các hoạt động chuẩn bị cho đơn hàng trong nội bộ doanh nghiệp hoặc tổ chức, kết nối với các công ty vận chuyển, cùng đối tác theo dõi việc vận chuyển đơn hàng... "Tất cả chỉ nằm trên chiếc điện thoại thay vì phải sử dụng máy tính" - anh Quân nói.

Không dễ lấy lại hào quang cũ

myhao 6(read-only)

Lãnh đạo Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo trong một lần đi mở thị trường Myanmar - Ảnh: N.BÌNH

Trong năm 2017, doanh thu của Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đạt hơn 1.100 tỉ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 100 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu xà bông, nước rửa chén... từ 3-5 container/tháng tùy thị trường.

Tuy nhiên, ông Lương Vạn Vinh, tổng giám đốc Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, thừa nhận việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp VN với các tập đoàn đa quốc gia là cuộc chiến không cân sức.

"Họ tổ chức hệ thống phân phối bài bản, mình am hiểu thị trường nhưng cách làm lại chưa chuyên nghiệp, trong khi việc xây dựng hệ thống phân phối chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp" - ông Vinh nói.

Trên thực tế, những thương hiệu cùng thời với Mỹ Hảo như Như Ngọc, Vini... dần vắng bóng khỏi thị trường. Ngay cả một số thương hiệu mỹ phẩm lớn như Bông Sen, Hiệp Hưng... cũng mất dần thị phần và thu hẹp sản xuất, có thương hiệu phải dừng hoạt động.

Trong lần đưa thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan trở lại thị trường VN vào tháng 10-2009, ông Trịnh Thành Nhơn, tổng giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm Quốc Tế (ICC), kỳ vọng sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.

Thế nhưng đến nay, Dạ Lan vẫn chật vật lấy lại hình ảnh với người tiêu dùng trong một thị trường đã thay đổi quá nhiều. Doanh nghiệp này đã chọn cách quay trở về thị trường nông thôn, đi vào phân khúc nhỏ, tránh đối đầu trực tiếp với thương hiệu đa quốc gia.

Tuy nhiên, mức độ ghi dấu ấn của thương hiệu trong lòng người dùng hiện vẫn còn mờ nhạt. Theo chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, một khi người tiêu dùng đã có thể đọc sành sõi những cái tên rất tây của các loại kem đánh răng trên thị trường hiện nay, sự trở lại của Dạ Lan là vô cùng trắc trở.

Doanh nghiệp Việt chịu chi mua công nghệ mới

TTO - Hội nhập ngày càng sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) đang chuyển mạnh từ kinh doanh bất động sản, thâm dụng tài nguyên, lao động... sang đầu tư vào sản xuất, áp dụng công nghệ cao, dần tạo nên sự thay đổi chung.

ĐỨC THIỆN - NHƯ BÌNH - HỮU DUYÊN - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp