Kinh Đô bán cổ phần cho Mondelez International (NASDAQ - MDLZ) - công ty bánh kẹo của Singapore. Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của DN trong nước mang tên Kinh Đô đã chính thức chuyển thành DN 100% vốn ngoại - Ảnh: XUÂN AN
Với tổng giá trị ước trên 16 tỉ USD cho hai năm liên tiếp 2016-2017, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn của các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
Khá dồn dập
Trong kinh doanh, việc M&A khá phổ biến vì nhiều lý do. Tuy nhiên, nếu như trước đây, những thương hiệu như kem đánh răng P/S, Dạ Lan của doanh nghiệp Việt bị thâu tóm, biến thành sản phẩm của doanh nghiệp FDI thì gần đây, những thương vụ công ty Việt "bán mình" cho nước ngoài lớn hơn nhiều về giá trị và khá dồn dập.
Đáng kể phải nói tới Kinh Đô quyết định bán 80% cổ phần cho Mondelez International - công ty bánh kẹo của Singapore vào cuối năm 2014.
Tới tháng 8-2016, Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) trước đây là Kinh Đô đã bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho Mondelez.
Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng Kinh Đô đã chính thức chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn ngoại.
Từng là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực chế biến xúc xích tươi, tuy nhiên Đức Việt đã quyết định bán cho tập đoàn thực phẩm Hàn Quốc Daesang Corp với giá 32 triệu USD khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc trước một thương hiệu Việt đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Hay như được mệnh danh là một trong các thương hiệu Việt đình đám, tuy nhiên cái kết của Diana giống nhiều thương hiệu Việt trước đó. Diana đã quyết định bán đứt 95% cổ phần cho tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm.
Mảng bán lẻ - nơi được coi sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí có thể chi phối sản xuất - cũng được nói nhiều với các vụ thâu tóm "khủng" của khối ngoại. Như Fivimart và Citimart về tay Tập đoàn bán lẻ Aeon Nhật Bản...
Hay đối tác ngoại nhảy vào thâu tóm hai nhà bán lẻ lớn là BigC và Metro đang thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại khác cũng gây nhiều tranh luận.
Khối sản xuất cũng chứng kiến nhiều đổi thay về quyền chi phối DN. Sabeco bán hơn 53% cổ phần cho công ty của tỉ phú Thái Lan.
Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... về với Tập đoàn ximăng Siam (SCG) của Thái Lan. Quạt VN bán 65% cổ phần cho SEB (Pháp) hay Y khoa Hoàn Mỹ bán 65% cổ phần cho Fortis (Ấn Độ)...
Thậm chí gần đây, theo các chuyên gia, gần như tháng nào cũng có thông tin về việc DN ngoại mua doanh nghiệp nội...
Mở thêm cơ hội cho cổ đông trong nước
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông tài chính StoxPlus, không đồng tình với e ngại nền kinh tế sẽ mất đi khả năng tự chủ khi vốn ngoại ngày càng lấn sâu và chi phối mạnh tại các doanh nghiệp lớn.
Lấy ví dụ Sabeco, ông Thuân cho rằng đây là doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đồ uống - ngành mà Chính phủ không cần duy trì kiểm soát.
Việc Sabeco có bị "thôn tính" hay không, theo ông Thuân: "Không quan trọng. Quan trọng là có lợi cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế và đặc biệt là cho cổ đông của doanh nghiệp. Bài học từ Vinamilk đã cho thấy điều đó".
Tuy nhiên, trước hiện tượng vốn ngoại tràn vào mua doanh nghiệp nội, ông Nguyễn Quang Thuân đề nghị cần mở thêm góc nhìn mới là làm sao để người dân Việt Nam cũng là cổ đông, chứ không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài chi phối. Cơ quan quản lý cũng cần đảm bảo việc tuân thủ Luật Cạnh tranh, chống độc quyền.
Cho rằng cần chấp nhận thực tế M&A sẽ được tiếp tục và đẩy mạnh, ông Thuân nhấn mạnh bên cạnh các nhà đầu tư Thái Lan, Singapore hay Nhật Bản... các nhà đầu tư Trung Quốc (một số không được đánh giá cao về công nghệ và quản trị - PV) cũng đã tham gia thị trường này.
Vấn đề là cơ quan chức năng và doanh nghiệp đối tác phải kiểm soát được vì thực tế họ thường dùng các cơ sở của họ ở Thái Lan, Singapore thay vì ở Trung Quốc, hoặc chí ít là Hong Kong...
Người trong cuộc nói gì?
Đầu tháng 3-2018, NawaPlastic Industry (Saraburi) - công ty nhựa của Thái Lan - đã mua thành công 29,51% vốn điều lệ Công ty CP nhựa Bình Minh - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông V.C., tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nặng, cho biết khi quyết định bán hơn 40% cổ phần công ty ông gầy dựng, ông đã suy nghĩ rất nhiều.
Ông kể: Lúc đó khó khăn bủa vây. Chi phí ban đầu cho lĩnh vực công nghiệp rất lớn, dài hạn nên rủi ro.
Chưa kể các chính sách thường thay đổi bất ngờ theo hướng bất lợi nếu mình là DN 100% vốn trong nước. Nhưng nếu liên doanh với nước ngoài, mọi thứ sẽ khác đi...
"Khác đi" - theo ông V.C. - chính là kỳ vọng việc bị "hành" từ các thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, nhũng nhiễu... sẽ phần nào giảm bớt.
Chốt lại lý do chính bán "một phần máu thịt" của mình, ông V.C. nói: "Nếu ngày đó tôi không quá bất mãn về thủ tục trì trệ, nhiều chính sách gây khó khăn cho DN không được giải quyết rốt ráo thì dù tài chính có gặp khó khăn, tôi vẫn còn đường để tính. Nhưng nay tôi vẫn không hối tiếc với quyết định này".
Song không phải không có nuối tiếc. Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT Công ty CP hàng hóa Mac - kể lại một nuối tiếc của mình.
Chuyện là cách đây mấy năm, có một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng trung bình tới 20%/năm đã quyết định... "bán mình".
Ông Quốc Anh cho rằng đây là một trường hợp khá đáng tiếc vì nếu giữ lại, giờ doanh nghiệp còn có cơ hội phát triển hơn nhờ các hiệp định thương mại tự do.
Theo nhận định của ông Quốc Anh, lý do khiến những doanh nhân quyết định "bán mình" là họ muốn dừng lại để thu lợi nhuận, cũng có thể họ thiếu niềm tin kinh doanh tiếp.
"Nhà nước cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp" - ông Quốc Anh kiến nghị.
T.V.Nghi - Thúy Linh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận