Thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt và thuê nhà tăng cao tại các tỉnh trọng điểm phía Nam nên nhiều người lao động chọn ở quê tìm việc gần nhà thay vì trở lại công ty làm việc. Trong thực tế, nhiều lao động tìm được việc làm ở khu vực phi chính thức như phục vụ ăn uống tại các nhà hàng, chạy các loại xe công nghệ để kiếm sống... chủ động hơn rất nhiều lại được gần nhà.
Hàng ngàn doanh nghiệp "khát" lao động
Theo ghi nhận tại một số khu công nghiệp (KCN) và doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở Bình Dương cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn thấp hơn, chưa phục hồi hoàn toàn như trước. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ so với nhu cầu.
Tại KCN Việt Nam - Singapore 1 (Bình Dương), nhiều văn phòng của các công ty cung ứng lao động mở cửa nhưng ít người đến tìm việc. Ông Lương, đại diện Công ty Đức Lương, cho biết cả ngày chỉ có "lèo tèo" người đến tìm việc, giảm mạnh so với con số hàng trăm lao động đến tìm việc như trước.
"Nhu cầu của các nhà máy ký gửi các công ty cung ứng để tuyển lao động thời vụ cũng giảm nhiều nhưng vẫn không tuyển đủ", ông Lương nói và cho rằng mức thu nhập khá thấp, không đủ sức để hấp dẫn người lao động nên nhiều lao động về quê trước đó không quay lại mà ở quê để kiếm việc khác hoặc tự kinh doanh.
Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp tại Đồng Nai, nhất là các doanh nghiệp dệt may và giày da, cũng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông. Để thu hút lao động, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: thưởng cho công nhân mới, hỗ trợ tiền thuê trọ, tiền nuôi con nhỏ, thưởng hiệu suất, lễ, Tết và hàng loạt khoản phụ cấp khác...
Dù vậy, việc tuyển dụng vẫn rất chậm. Chẳng hạn, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (huyện Nhơn Trạch) cho biết đã liên tục tuyển lao động nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. "Việc thiếu hụt lao động ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty", bà Thanh Nga, phó chủ tịch công đoàn công ty, chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Fashion Garments 2 (TP Biên Hòa) cho biết việc thiếu lao động đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Thời gian qua chúng tôi thường xuyên tham gia các sàn giao dịch việc làm để trực tiếp gặp, phỏng vấn lao động đến tìm việc, đồng thời đăng tuyển qua nhiều kênh để tìm nguồn nhân lực nhưng lao động nộp hồ sơ xin việc rất hạn chế", vị này nói.
Bà Văn Thị Hiền, trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Elite Long Thành (KCN Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành), cho biết do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cần tuyển thêm 1.500 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực hiện nay gặp rất nhiều khó khăn dù công ty đã đưa ra rất nhiều chính sách, đãi ngộ cao.
"Sau thời gian khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp đã phục hồi, cần tuyển dụng lượng lớn lao động để đảm bảo đơn hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động khan hiếm lại càng khan hiếm hơn", bà Hiền nói.
Thu nhập không còn hấp dẫn
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với nhu cầu trên 70.000 lao động nhưng số lượng lao động tuyển được không nhiều. Theo một chuyên gia tuyển dụng lâu năm ở Đồng Nai, nguyên nhân khó tuyển lao động do nhiều địa phương đã phát triển KCN nên thu hút nhiều lao động về quê làm việc.
Ngoài ra, thu nhập không đáp ứng được mức sống tối thiểu khiến nhiều công nhân lựa chọn về quê làm việc hoặc làm các ngành nghề tự do khác. "Do đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách đãi ngộ, cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn... việc tuyển dụng lao động mới tốt hơn", vị này nói.
Khảo sát tại một số KCN cho thấy mức thu nhập cho lao động thời vụ chỉ khoảng 31.000 - 40.000 đồng/giờ. Ví dụ, một công ty tại KCN VSIP 2 (Bình Dương) đang cần tuyển lái xe nâng với mức lương 280.000 đồng cho 8 giờ làm việc (ca ngày).
Một công ty tại KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP.HCM) tuyển công nhân sản xuất đóng gói thanh nhôm với mức lương chỉ 250.000 đồng/8 giờ.
Như vậy, thu nhập của công nhân chỉ khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/tháng nếu chưa tăng ca, rất khó trang trải tiền phòng trọ, tiền ăn và các chi phí cuộc sống. Đây cũng là một trong những lý do mà dù đăng ký tuyển dụng trên 54.000 vị trí việc làm trong nửa đầu năm nay nhưng các doanh nghiệp tại Bình Dương mới chỉ có hơn 18.000 người nhận được việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Tiến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay tình trạng thiếu lao động tập trung vào ngành may mặc, da giày do mức lương hầu như không tăng so với thời điểm trước dịch bệnh. "Có thể thấy mức lương của các doanh nghiệp dệt may, da giày tại các tỉnh phía Nam không còn hút lao động như trước đây", ông Tiến nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tình trạng thiếu lao động còn do lực lượng lao động phổ thông chuyển sang khu vực phi chính thức rất nhiều. Nhiều lao động tìm được việc làm ở khu vực phi chính thức như phục vụ ăn uống tại các nhà hàng, chạy các loại xe công nghệ để kiếm sống, chủ động hơn rất nhiều, lại được gần nhà.
"Mức tăng lương tại một số doanh nghiệp không đủ để bù đắp các chi phí gia tăng. Hơn nữa, phần lớn lao động tự do không có tay nghề chỉ được doanh nghiệp thuê theo thời vụ, lúc cần thì tuyển, không cần thì sa thải. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng cả lao động không có tay nghề và lao động có tay nghề. Thực tế cũng có rất ít người lao động tự đi học nghề để vào các doanh nghiệp làm việc", ông Lâm nhận định.
Hỗ trợ chỗ ở để giữ chân lao động
Để hút được lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, giữ chân người lao động làm việc lâu dài, theo ông Nguyễn Bích Lâm, phải có chính sách an sinh - xã hội bảo đảm cuộc sống để người lao động không phải lo chỗ ở, nơi học hành của con cái. Ngoài ra cần có chính sách về trợ cấp, hỗ trợ chỗ ở cho công nhân các KCN, đặc biệt là phải phát triển nhà ở xã hội cho công nhân thuê vì thu nhập của họ rất thấp, không đủ tiền mua nhà.
Trong khi đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng các doanh nghiệp dệt may, da giày cần tiết giảm chi phí sản xuất, tăng lương cho người lao động để hút lao động đến làm việc. Điều quan trọng là phải bảo đảm được cuộc sống cơ bản, người công nhân mới quay lại với doanh nghiệp.
"Giá thuê nhà, chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đang tăng rất cao so với thời điểm dịch bệnh nhưng mức lương doanh nghiệp chi trả vẫn giữ nguyên thì người lao động không thể quay lại doanh nghiệp làm việc", ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, để có nguồn cung lao động có tay nghề, phù hợp với nhu cầu sử dụng, các doanh nghiệp phải chung tay cùng các địa phương đào tạo nghề cho người lao động. Như vậy doanh nghiệp có được lao động có tay nghề phù hợp, người lao động cũng có được thu nhập cao hơn.
"Nếu doanh nghiệp ngồi chờ các địa phương tự đào tạo lao động sẽ mất rất nhiều năm mới đào tạo đủ lao động có tay nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp", ông Tiến nhấn mạnh.
* Ông Châu Nghĩa Văn (phó tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn KHKT Hồng Hải - Foxconn tại Việt Nam):
Doanh nghiệp phía Bắc cũng "khát" lao động
Không chỉ tại khu vực phía Nam mà các doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc cũng gặp khó trong việc tuyển lao động. Chẳng hạn quý 3-2024, tập đoàn chúng tôi cần tuyển khoảng 10.000 nhân sự mới, cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao, thu nhập bình quân từ 9 - 12 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự mới để đáp ứng đơn hàng.
Do đó, công ty đẩy mạnh tuyển nhân sự qua các kênh mạng xã hội như Facebook, livestream tuyển dụng trên TikTok, hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang để tuyển nhân sự, đẩy mạnh kênh giới thiệu nội bộ. Về lâu dài, công ty sẽ đẩy mạnh liên kết với các trường đại học để thu hút lao động chất lượng cao, nhất là sinh viên năm 3, năm 4 đủ điều kiện.
Ví dụ, sinh viên tham gia tuyển dụng vào công ty từ năm 3, năm 4 sẽ được coi là nhân viên của công ty, trở thành nhân viên chính thức ngay khi ra tốt nghiệp.
* Bà Vũ Thị Nghĩa (trưởng phòng hành chính - nhân sự Công ty TNHH Pearl Global Việt Nam):
Tăng hỗ trợ để giữ chân lao động
Trong tháng 7-2024, công ty cần khoảng 300 nhân sự ở các vị trí nhân viên marketing, kỹ thuật, quản lý chất lượng... Nhưng sự cạnh tranh tuyển dụng giữa các công ty trong ngành may mặc rất lớn. Ví dụ, trong bán kính 20km quanh nhà máy, có đến 41.000 lao động trong các công ty may.
Đây cũng là đợt cao điểm tuyển dụng, cộng với cạnh tranh bởi những công ty ở lĩnh vực điện tử, việc tuyển công nhân không đơn giản. Bên cạnh đó, đa số lao động ngại đi xa, thích làm việc gần nhà nên việc tuyển dụng khó khăn hơn.
Do vậy, công ty đang kết hợp với một số trường đại học để tạo học bổng, tham gia ngày hội việc làm, bố trí sinh viên thực tập. Công ty cũng đề nghị trung tâm dịch vụ việc làm kết nối thêm công nhân may mặc đang thất nghiệp để có thêm lao động có kinh nghiệm.
Đặc biệt, công ty cũng có nhiều chính sách thưởng như thưởng thâm niên, hỗ trợ tiền nhà ở, xăng xe... để giữ chân người lao động.
* Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):
Xu hướng dịch chuyển lao động sang ngành điện tử
Thay vì tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, những năm gần đây các KCN đi vào hoạt động tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung ngày càng nhiều. Trong đó có nhiều KCN chuyên về lắp ráp điện tử, với mức lương cao hơn doanh nghiệp ngành may mặc, da giày.
Do đó, một lượng lớn lao động bị hút vào làm việc tại các doanh nghiệp lắp ráp điện tử, không quay lại các doanh nghiệp dệt may, da giày phía Nam. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp da giày phía Nam khó tuyển dụng lao động hơn.
Đưa nhà máy về, kéo lao động trở lại quê
Ghi nhận tại Nghệ An cho thấy trong những năm gần đây ngày càng có nhiều nhà máy may mặc, gia công giày da, linh kiện điện tử... có quy mô vừa, thu hút lao động ở lại địa phương thay vì chọn vào các tỉnh phía Nam tìm việc làm.
Chẳng hạn, Tổng công ty may Minh Anh Nghệ An hiện có ba nhà máy đóng ở ba địa phương TP Vinh, huyện Đô Lương và Tân Kỳ đang tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Hằng tháng, công ty này liên tục đăng tin tuyển dụng công nhân làm việc với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, tùy theo năng suất, tay nghề công nhân có thể nhận được mức lương trung bình từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Với nhiều người, mức thu nhập này cao hơn so với làm nông nghiệp và ngang với mức lương ở các công ty trong Nam. Vì vậy thay vì phải vào miền Nam tìm việc làm, những lao động này chọn ở quê làm việc vì có nhà máy gần nhà, gần gia đình lại cho thu nhập khá.
Ông Nguyễn Đình Sinh, tổng giám đốc Tổng công ty may Minh Anh Nghệ An, cho hay mấy tháng qua công ty đã tuyển dụng rất nhiều lao động với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, đa số lao động đã từng làm việc tại Bình Dương hoặc các tỉnh phía Nam trở về.
"Vào công ty chúng tôi sau khi được đào tạo lại, chỉ trong thời gian ngắn hầu hết các lao động này được trả lương cao vì trình độ tay nghề khá ổn", ông Sinh nói.
Ông Trần Hữu Thượng, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, khẳng định với kết quả thu hút đầu tư ấn tượng, các công ty, nhà máy, xí nghiệp liên tục mọc lên ở khắp các địa phương trong tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở Nghệ An đang rất lớn, đặc biệt đối với những lao động có tay nghề.
Đây là cơ hội tốt cho người lao động trong tỉnh có việc làm trên chính quê hương, không phải tất bật bôn ba vào Nam, ra Bắc như trước nữa.
"Đặc biệt, lao động biết tiếng Trung Quốc, tiếng Anh được săn đón với mức lương hấp dẫn (khoảng 20 triệu đồng/tháng). Đối với lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, những người có kinh nghiệm, tay nghề cao sẽ nhận được mức lương khá tốt", ông Thượng chia sẻ.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết, phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng cho biết nhờ chính sách thu hút đầu tư của địa phương nên trên địa bàn có thêm nhiều KCN, nhà máy được xây dựng thêm.
"Mức thu nhập ở các công ty, nhà máy ở địa phương cũng rất khá nên người dân có thể ly nông nhưng không còn ly hương nữa. Qua thống kê của chúng tôi, từ ra Tết Nguyên đán đến nay có hơn 1.000 lao động tại các xã không vào miền Nam mà chọn ở lại quê làm việc tại các công ty gần nhà", bà Tuyết thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận