Shipper chạy giao hàng cho khách trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 23-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, một số hãng chưa thông tin cụ thể chi phí xét nghiệm từ 24-9 sẽ như thế nào.
Từ ngày 24-9, hơn 82.000 shipper của 34 đơn vị giao hàng sẽ do doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm thay vì trạm y tế lưu động như trước. Trước giờ triển khai, nhiều hãng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, nhưng có hãng vẫn chưa có thông tin cụ thể khiến nhiều tài xế lo lắng.
Người mừng, kẻ lo với phí xét nghiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Minh, tài xế Hãng Be, cho hay vừa nhận được thông báo của hãng về lịch xét nghiệm, địa điểm xét nghiệm với chi phí xét nghiệm là 75.000 đồng/lần xét nghiệm.
Theo đó, chi phí xét nghiệm sẽ được khấu trừ từ tài khoản tài xế trên ứng dụng vào 16h ngày tiếp theo. Để được xét nghiệm, tài xế phải điền thông tin vào phiếu xét nghiệm nhanh COVID-19 theo mẫu online của hãng.
Số tiền xét nghiệm này thấp hơn giá trung bình các điểm xét nghiệm ở TP (khoảng 250.000 đồng/lần test), song ông Minh (Bình Thạnh) phải chạy đến điểm xét nghiệm do hãng chỉ định ở TP Thủ Đức với quãng đường khá xa.
Do đó, người tài xế 60 tuổi này đề xuất hãng có thể tăng cường địa điểm xét nghiệm để tài xế có thêm nhiều chọn lựa. Nếu được các hãng hỗ trợ chi phí xét nghiệm sẽ càng giảm bớt gánh nặng.
Theo ông Minh, gần đây chỉ chạy được 8-12 đơn/ngày, doanh thu khoảng 300.000 - 400.000 đồng, song chi phí xăng xe đã lên khoảng 100.000 đồng do có quá nhiều chốt chặn, phải chạy lòng vòng vừa tốn thời gian lẫn tiền xăng.
"Có những đơn hàng mà địa điểm ngay trước mặt rồi nhưng phải chạy vòng 3 cây số mới vào lấy được. Có điểm khi vào đến nơi, khách đã hủy đơn vì đi quá lâu" - ông Minh nói.
Tài xế Nguyễn Văn Tuấn (Hãng Baemin) cũng cho hay đã nhận được thông báo hãng sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm.
"Sau khi có thông báo TP không còn hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chúng tôi cũng rất lo sẽ bị gánh toàn bộ chi phí nhưng rất vui khi nghe được hãng hỗ trợ trước mắt. Anh em shipper chúng tôi thở phào, bớt đi một khoản chi phí tương đối lớn", anh Tuấn nói
Trong khi đó, ông Lê Minh Trí - shipper của Grab - cho hay do giấy xét nghiệm cũ đã hết hạn ngày 23-9, ông Trí phải chạy lòng vòng qua 3 điểm xét nghiệm cũ và trạm y tế phường nhưng các địa điểm này không tiếp nhận xét nghiệm shipper.
Để có thể giao hàng, ông Trí buộc phải tìm đến một phòng khám đa khoa tư nhân trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) để xét nghiệm dịch vụ, tự bỏ tiền túi ra trả với số tiền 300.000 đồng.
Tài xế này cho hay chưa nhận được thông báo chính thức từ Grab về việc có được hãng chi trả chi phí xét nghiệm hay không nên trước mắt buộc phải tạm thời tự chi trả để có thể hoạt động.
"Mỗi ngày tôi chạy được 15-20 đơn, doanh thu chừng 500.000-600.000 đồng chưa tính xăng xe. Nếu phải tự chi trả phí xét nghiệm sẽ rất khó khăn nên rất mong hãng hỗ trợ tài xế chi phí này hoặc chia sẻ chi phí theo tỉ lệ phần trăm giữa shipper và hãng", ông Trí đề xuất.
Shipper được xét nghiệm tại trạm y tế lưu động phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều hình thức hỗ trợ cho shipper
Đến chiều 23-9, nhiều hãng xe công nghệ khẳng định đã hoàn tất liên kết, phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế để triển khai xét nghiệm cho tài xế kể từ ngày 24-9.
Ông Nguyễn Việt Linh, giám đốc truyền thông Be Group, cho hay hãng phối hợp với Bệnh viện Lê Văn Thịnh (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) sẵn sàng xét nghiệm cho hàng ngàn shipper của hãng từ ngày 24-9 với 2 điểm trên đường Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Định.
Thay vì tự làm xét nghiệm cho tài xế, hãng hợp tác với bệnh viện có chuyên môn về y tế, có kinh nghiệm thực thi quy trình tuân thủ các biện pháp phòng dịch, để thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 cho các shipper.
Các kit xét nghiệm được cung cấp miễn phí từ Sở Công thương sẽ được hãng tập trung về các đầu mối là bệnh viện để tài xế tập trung xét nghiệm. Kết quả sẽ được tập hợp và cập nhật lên ứng dụng "Y tế HCM" của Sở Y tế TP.HCM.
Ngoài kit miễn phí, theo ông Linh, chi phí còn lại tùy thuộc vào việc đàm phán với đối tác bệnh viện của các hãng. Tuy nhiên, phía ứng dụng Be sẽ hỗ trợ một phần chi phí, mỗi tài xế sẽ phải trả khoảng 75.000 đồng/lần xét nghiệm, tính ra chi phí khoảng 25.000 đồng/ngày (3 ngày xét nghiệm 1 lần).
"Tài xế chỉ tới xét nghiệm, chi phí sẽ được tự động trừ thẳng vào ví nên không lo ngại việc trả tiền mặt. Chúng tôi sẽ điều phối số lượng tài xế bằng danh sách đăng ký, hẹn giờ để tránh tình trạng tập trung đông đúc" - ông Linh khẳng định.
Các shipper của Grab chỉ được hỗ trợ chi phí xét nghiệm nếu hoàn thành đủ số khung giờ hoạt động cần thiết theo quy định của app mới được hỗ trợ 300.000 đồng/tuần, tức là không phải 100% shipper của hãng đều được hỗ trợ chi phí xét nghiệm miễn phí.
Tài xế vẫn có thể đăng ký với Grab để được xét nghiệm nhanh có thu phí tại hai bệnh viện. Chẳng hạn, với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chi phí xét nghiệm khoảng 160.000 đồng/người.
Với Bệnh viện Lê Văn Thịnh, có khả năng xét nghiệm khoảng 30 tài xế cho mỗi 30 phút, mức phí 75.000 đồng/người.
"Các cơ sở y tế đang hợp tác với Grab đều có không gian ngoài trời rộng rãi để đảm bảo an toàn cho đối tác tài xế, cũng như đảm bảo tuân thủ 5K trong suốt quá trình xét nghiệm. Grab đang tích cực làm việc với các bên liên quan và sẽ cập nhật thêm cơ sở xét nghiệm an toàn với chi phí hợp lý cho đối tác tài xế trong những ngày tiếp theo" - đại diện Grab nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Lợi - phó tổng giám đốc Tập đoàn BEST Inc. Việt Nam - cho rằng chính quyền "trao quyền" cho doanh nghiệp tự quản lý xét nghiệm cho shipper là cần thiết để tăng sự chủ động và thời gian hoạt động cho shipper.
"Tuy nhiên, với shipper đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin, các ứng dụng muốn nới thời gian phải xét nghiệm từ 3 ngày/lần lên 7 ngày/lần cho phù hợp hơn", lãnh đạo một hãng xe công nghệ đề xuất.
Lực lượng giao hàng nhanh trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, chiều 23-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Giá cước không thay đổi?
Với hãng giao đồ ăn gốc Hàn Quốc, ông Nguyễn Trung Thành, phó tổng giám đốc Baemin, cho biết đã tiến hành xét nghiệm cho tài xế từ ngày 23-9 và tài trợ 100% chi phí xét nghiệm cho đối tác của mình.
Hãng có 12 điểm xét nghiệm phân bổ khắp thành phố với thời gian xét nghiệm từ 5h - 21h/ngày, năng lực test 200 - 400 shipper/mỗi điểm xét nghiệm."Hãng sẽ điều phối các đối tác và sắp xếp các khung thời gian hợp lý xét nghiệm một cách cẩn thận, nhanh chóng và thuận tiện", ông Thành khẳng định.
Về câu hỏi tự xét nghiệm có làm tăng chi phí, dẫn tới doanh nghiệp đẩy giá cước tăng cao, ông Nguyễn Việt Linh khẳng định phía Be sẽ giữ giá cước ổn định, không thay đổi sau ngày 24-9. Tuy nhiên, phía Grab cho hay giá cước phải theo cung cầu của thị trường và do thuật toán nên không bình luận về giá cước sau ngày 24-9 sẽ như thế nào.
Trả kết quả trực tuyến trong 30 phút
Các tài xế Hãng Be được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến.
Điểm đặc biệt là quy trình xét nghiệm được thiết kế giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký, số hóa toàn diện, để toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 1 phút/người, trả kết quả trực tuyến trong vòng 15 - 30 phút tối đa, giúp tài xế chủ động tiến hành công việc sớm đầu ngày.
Toàn bộ quy trình được quản lý bằng nền tảng công nghệ của Be. Thông tin được cập nhật trên ứng dụng "Y TẾ HCM" của Sở Y tế để tiện tra cứu.
Trong khi với Baemin, khi tài xế đến điểm xét nghiệm được chỉ định phải mặc đồng phục của hãng, cung cấp tên công ty, họ tên, ngày tháng năm sinh để xác nhận với nhân viên và tiến hành xét nghiệm.
Thời gian sẽ chia thành 2 khung giờ, từ 5h-10h và 14h-21h. Sau khi tài xế hoàn tất xét nghiệm, kết quả sẽ được cập nhật có mã QR. Mã QR này tương đương với giấy xét nghiệm và có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Các hãng xe công nghệ đã được tập huấn đầy đủ
Các hãng giao hàng công nghệ sẽ tự tổ chức xét nghiệm, shipper chịu một phần kinh phí. Trong ảnh: shipper của nhiều hãng nhận đơn hàng từ một tiệm gà rán tại quận 1 vào trưa 23-9 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại buổi họp báo thông tin tình hình COVID-19 chiều 23-9, ông Từ Lương - phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - cho biết cơ quan này đã phối hợp Sở Công thương và Sở Y tế tập huấn cho các doanh nghiệp quản lý shipper với hơn 200 điểm cầu trực tuyến vào ngày 21-9.
Sở TT&TT cũng tạo tài khoản cho 33/34 doanh nghiệp quản lý shipper, tạo kênh liên lạc giữa các sở ngành, đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật với các doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vận hành trơn tru hệ thống.
Cũng theo ông Từ Lương, tính đến trưa 23-9 đã có 19/33 doanh nghiệp (hơn 60%) thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của TP để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper, trước khi triển khai cập nhật dữ liệu chính thức hôm nay (24-9).
Cụ thể, 19 doanh nghiệp trên đã có thể thực hiện thuần thục 3 việc chính là: khai báo dữ liệu kết quả xét nghiệm theo mẫu; tải dữ liệu lên hệ thống và kiểm tra, xem lại kết quả đã tải lên.
Về việc đơn vị tự lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ Phan Thanh Tâm - phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết đã bàn giao 63.000 kit test cho Sở Công thương TP.HCM để phân bổ cho các doanh nghiệp quản lý shipper tự tổ chức.
Theo bác sĩ Tâm, cơ quan này cũng đã cử lực lượng tổ chức tập huấn công tác lấy mẫu xét nghiệm cho các doanh nghiệp quản lý shipper trong hai buổi và đến ngày 23-9 mọi công tác hoàn tất, các đơn vị đã có thể tự lấy mẫu xét nghiệm.
"Phía HCDC cũng đã cung cấp số điện thoại của cán bộ trực tiếp tập huấn hướng dẫn, trong quá trình thực hiện nếu chưa rõ phía doanh nghiệp có thể gọi trao đổi để được hướng dẫn lại" - bác sĩ Tâm nói và cho biết thêm đơn vị chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn, còn khâu thực hiện như thế nào sẽ do Sở Công thương trực tiếp sắp xếp.
Ngoài tập huấn trực tiếp, theo ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc phụ trách HCDC, đơn vị cũng đã có các video clip hướng dẫn cụ thể đăng tải trên truyền hình TP và trên trang web của trung tâm.
T.MAI - H.LỘC
Nên giãn tần suất xét nghiệm
Nhiều ý kiến lo ngại việc doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper sẽ đem đến nhiều rủi ro, các hãng không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh COVID-19. Tình trạng này dễ dẫn đến test cho kết quả không chính xác, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh.
Đại diện Gojek đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động, để đảm bảo chất lượng chuyên môn.
"Các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác có thể hỗ trợ việc điều phối, chia lịch để các đối tác tài xế thực hiện xét nghiệm theo khung giờ tại các điểm chỉ định sau khi tính toán về mặt vận hành để không bị quá tải lượng tài xế tại các trạm" - vị này nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất xét nghiệm nhanh COVID-19, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin.
Tất cả tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần không còn phù hợp.
Sau ngày 30-9, để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh này, giảm một phần gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.
N.BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận