Doanh nghiệp tư nhân ngày càng năng động hơn trước thay đổi của môi trường kinh doanh - Ảnh: N.BÌNH
Bảng xếp hạng tốp 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam (Bảng xếp hạng VNR500) vừa được công bố ngày 5-12 tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân.
Nếu như năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng.
Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017.
Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối nhà nước trong năm nay đã xuống còn 52%, giảm đi so với con số 59% trong năm 2016.
Trong khi đó, đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% (2016) lên 32,3% trong năm 2017.
Xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân và tăng tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 2017 đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế, và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, của Chính phủ thời gian qua.
Theo phản hồi của các doanh nghiệp lớn, 75% doanh nghiệp đã tăng doanh thu trong năm nay, tăng khá nhiều so với năm 2016.
Đồng thời, 62,5% doanh nghiệp phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, chỉ có 4,7% doanh nghiệp đánh giá giảm đi.
Trong đó, gần 70% doanh nghiệp báo cáo năng suất lao động tăng lên, các yếu tố như trang thiết bị (máy móc, nhà xưởng), tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% doanh nghiệp nhận định tăng lên.
Trả lời khảo sát của Vietnam Report, nhiều doanh nghiệp nhận định nguyên nhân dè dặt trong việc áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% phản hồi), thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).
Đóng vai trò là những "đầu tàu" của nền kinh tế, các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng khởi nghiệp ngay trên chính nền kinh tế số hóa của Việt Nam.
Cụ thể, trong 2 năm tới, gần 65% doanh nghiệp lớn dự định mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới (start-up).
Trong số đó, có hai lựa chọn được các doanh nghiệp hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%).
Ngoài ra, có 19% doanh nghiệp nhận định sẽ thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập và 11% doanh nghiệp sẽ chi nguồn vốn đầu tư cho các start-up có triển vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận