Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp họ nắm bắt thị trường mà còn tạo ra một lợi thế cạnh tranh khổng lồ.
Lần theo 10.000km hàng Trung Quốc vào Việt Nam - Kỳ 4: Dùng trí tuệ nhân tạo dự báo xu hướng mua sắm của người Việt
Đây chính là cách mà hàng hóa Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam một cách ồ ạt và nhanh chóng.
Đặc biệt nhà bán hàng Trung Quốc cũng cam kết lo từ A đến Z, khách sỉ - lẻ ở Việt Nam chỉ cần ngồi nhà chốt đơn, thanh toán là nhận được hàng.
Nhà bán hàng Trung Quốc lo từ A đến Z
Vừa bước chân qua biên giới ở Hà Khẩu (giáp tỉnh Lào Cai, Việt Nam), đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm cửa hàng được trang trí bắt mắt với bảng hiệu bằng tiếng Trung lẫn tiếng Việt.
Mỗi cửa hàng thường chỉ tập trung bán một mặt hàng nhất định như giày dép, quần áo, bánh kẹo, vali và túi xách, xoong nồi, quạt điện, máy sấy tóc, bếp từ...
Dù thuê nhân viên người Việt làm việc, nhiều chủ và cả quản lý ở đây cũng biết tiếng Việt, có người còn nói sõi.
Bước vào trong một cửa hàng chuyên bán trang sức và phụ kiện tóc nữ, chị H. - quản lý - cho hay khách Việt rất thường xuyên nhập hàng bên chị.
Có rất nhiều phân khúc hàng, từ rẻ bình thường đến cao cấp. "Điển hình như khách nhiều tiền ở TP.HCM hay đặt sỉ các loại trang sức có giá vốn tương đối nhỉnh một chút", chị H. nói.
Đáng chú ý khu này có rất nhiều cửa hàng đồng giá 3 tệ (khoảng 10.500 đồng/sản phẩm) với các loại sản phẩm như mũ nón, xô chậu, chén đũa, đồ dùng học tập...
Nếu khách mua sỉ, tùy vào số lượng nhập mà có giá tốt hơn, tầm 3.000 - 4.000 đồng/sản phẩm.
Nếu muốn xài hàng tốt hơn, khách cũng có thể tìm đến các cửa hàng đồng giá 10 tệ (35.000 đồng/sản phẩm) với các sản phẩm tương tự và còn có thêm đồng hồ đeo tay, kính mắt, xà phòng tắm, túi nữ...
Tại một cửa hàng đồng giá, chúng tôi được anh C. (người Trung Quốc) giới thiệu là cung cấp dịch vụ toàn diện, đảm bảo khách sỉ sẽ lãi từ 30% trở lên trên một mặt hàng.
"Căn cứ vào diện tích, vị trí mặt bằng tại Việt Nam, phía công ty chúng tôi sẽ đưa ra bản thiết kế cửa hàng, giá cả hàng hóa chi tiết... Nhà máy sản xuất chính hàng hóa ở Côn Minh.
Hàng vận chuyển qua vùng biên giới Lạng Sơn hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) đều được. Nếu thuận lợi, từ 4 - 7 ngày hàng sẽ về tới TP.HCM", anh C. khẳng định.
Trước đó tại vùng biên giới Lạng Sơn, chúng tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều tiểu thương người Trung Quốc và Việt Nam.
Theo bảng giá được cung cấp, các sản phẩm như dao, thìa, tô inox, đĩa sứ, thớt, ly thủy tinh, bình nước... có giá nhập dao động 0,79 - 1,9 tệ (khoảng 2.800 - 6.700 đồng/sản phẩm).
Chỉ cần vốn khoảng 300 triệu đồng là mở được một cửa hàng đồng giá với đầy ắp hàng hóa.
Bên bán cũng lo luôn phần thiết kế cửa hàng, vận chuyển hàng, sắp xếp hàng hóa, tính toán chiến lược phù hợp tùy vào thị trường, cập nhật các mẫu mã đang được nhiều người tiêu dùng yêu thích...
Nhiều khu xưởng, chợ khác ở Quảng Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Thâm Quyến, Hàng Châu... cũng trở thành nơi nhập hàng về Việt Nam.
Chỉ cần ngồi nhà chốt đơn và... nhận hàng
Với một hệ sinh thái được các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng hoàn chỉnh, từ việc nhận đơn hàng, thu gom hàng hóa tại xưởng sản xuất cho đến vận chuyển xuyên biên giới và giao hàng tận tay khách hàng, nhà bán hàng ở Việt Nam rất dễ dàng mua hàng Trung Quốc.
"Người kinh doanh tại Việt Nam chỉ cần chốt đơn và ấn định giá sản phẩm với nhà xưởng. Chúng tôi lo phần còn lại", một giám đốc phụ trách mảng vận chuyển xuyên biên giới tại kho hàng Đông Quản (Trung Quốc) khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, doanh nghiệp logistics cho biết thay vì phải sang Trung Quốc nếu muốn nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối chính như trước, với nhiều thủ tục và chi phí phát sinh, nhà kinh doanh tại Việt Nam chỉ cần chốt đơn và ấn định giá sản phẩm với nhà xưởng
Khâu hậu cần (trung chuyển, tập kết tại kho và xuất hàng sẽ được công ty này xử lý toàn trình) đều do doanh nghiệp tại Trung Quốc đảm nhận.
"Chúng tôi sẽ đưa xe tải đến tận xưởng sản xuất do khách hàng chỉ định để thu gom hàng, vận chuyển đến các kho tập kết tại Đông Quản (Quảng Đông), Kim Hoa (Chiết Giang)... trước khi vận chuyển xuyên biên giới để giao cho người mua hàng", vị này khẳng định.
Một giám đốc khối vận chuyển hàng xuyên biên giới cho biết các khách hàng đang hoạt động tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Miniso, Mixue... thường sử dụng dịch vụ vận chuyển thông suốt, một đầu mối, chưa kể các shop (cửa hàng) thương mại điện tử lớn nhỏ khác cũng sử dụng dịch vụ trọn gói này
Đặc biệt các nhà bán hàng phía Trung Quốc cũng cam kết lo luôn khâu thủ tục thông quan.
Chị Ngô Hạo Viễn - giám đốc phụ trách mảng hải quan của một doanh nghiệp logistics - khẳng định "KPI 24h" là thời gian hoàn thành lô hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo chị Viễn, cùng sự "hiểu biết sâu sắc với cửa khẩu", doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng và hiệu quả.
Nhân sự của công ty sẽ theo sát quá trình này để hỗ trợ kịp thời nếu cần. Thúc đẩy hàng hóa được thông quan đúng tiến độ và đảm bảo tốc độ lưu thông trên tuyến vận chuyển xuyên biên giới.
"Tất cả đều được lên kế hoạch tỉ mỉ - chị Viễn nói và khẳng định thêm - Chúng tôi không để bất kỳ yếu tố nào làm chậm tiến độ".
Trí tuệ nhân tạo giúp biết trước người Việt cần gì, khi nào mua
6h30 sáng một ngày cuối tháng 6-2024, trong thời tiết mưa lất phất tại Hàng Châu, chúng tôi đến văn phòng tổng bộ "đầu não" công nghệ của Best Inc - một "đại gia" logistics Trung Quốc.
Ông Trần Bằng - phó chủ tịch Tập đoàn Best Inc, tổng giám đốc Best Software - tiếp chúng tôi và chia sẻ tập đoàn không đơn thuần hoạt động trong mảng logistics mà còn đẩy mạnh số hóa.
Trong đó Best Software có hơn 200 kỹ sư công nghệ, phục vụ 100 triệu khách hàng trên tám quốc gia, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chủ lực.
Theo ông Bằng, để quản lý một khối lượng công việc khổng lồ trên, mấu chốt ở công nghệ.
"Chúng tôi sử dụng AI để dự báo xu hướng tiêu dùng, từ đó biết trước người Việt sẽ cần gì, khi nào mua và vùng miền nào mua nhiều. Mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trong kế hoạch bán hàng", ông Bằng nói.
Bán hàng đa kênh xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử tại Việt Nam được doanh nghiệp này chú trọng.
Dẫn số liệu, ông Bằng nói lượng đơn dịp cao điểm khuyến mãi, khách Việt mua trên các sàn tăng gấp ba lần ngày thường. Chẳng hạn trong dịp ưu đãi lớn giữa năm 2024, có khoảng 2 - 3 triệu đơn hàng ở khu vực Đông Nam Á được đặt trong một ngày đã báo về doanh nghiệp, riêng Việt Nam chiếm phần lớn.
Khách hàng chính gồm ba nhóm: nhà bán hàng lớn trên Shopee, TikTok, Lazada, Facebook hoặc nhà bán hàng vừa - nhỏ có tiềm năng; nhà bán hàng quy mô lớn sở hữu kho; nhà vận chuyển logistics, bộ phận logistics của các doanh nghiệp...
Không dừng lại ở việc sử dụng AI để quản lý hoạt động vận chuyển hàng, với phần mềm quản lý đơn hàng xuyên biên giới, các doanh nghiệp vận tải tính toán được lưu lượng sản phẩm từ kho này đến kho kia, cảnh báo nếu tồn kho chưa đủ thì thống kê lợi nhuận chi tiết.
"Nhằm tăng hiệu quả bán hàng, chúng tôi có đội ngũ chuyên khảo sát thói quen của người tiêu dùng Việt Nam", giám đốc một công ty logistics tại Bằng Tường (Trung Quốc) thông tin và khẳng định có giải pháp hiện kết nối với hơn 40 nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong đó có thể kể ra những sàn lớn như Amazon, Ebay, Ali Express, Shopify, Shopee, Lazada, TikTok Shop... Người dùng có thể quản lý đặt hàng trên nhiều kênh, kiểm soát chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và hạch toán chi phí vận hành.
Thông qua các báo cáo trực quan đa chiều về dữ liệu hàng tồn kho, đối tác có thể chủ động xuất - nhập hàng, tự động tạo các đề xuất bổ sung hàng thông minh cũng giúp doanh nghiệp tránh tình trạng hết hàng bất ngờ.
"Đơn cử như khi lượng hàng tồn tới ngưỡng cảnh báo do người dùng cài đặt, hệ thống sẽ tự động tạo đơn để bổ sung sản phẩm. Số lượng sẽ được tùy chỉnh theo chiến lược mua hàng định kỳ hoặc khi tình trạng tồn kho thấp", vị này thông tin thêm.
Nhập siêu lớn từ Trung Quốc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024 trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,7 tỉ USD - tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong thời gian trên, Việt Nam nhập khẩu 66,7 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, tăng vọt hơn 34%, chiếm 37% trong tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày.
Chưa kể Việt Nam còn nhập sắt thép, hóa chất, kim loại... từ đất nước tỉ dân.
Đầu tư vào phần mềm hỗ trợ chốt đơn livestream
Theo các doanh nghiệp Trung Quốc, để có phiên livestream hiệu quả, chốt đơn "ầm ầm", nếu không có công nghệ sẽ khó thực hiện với quy mô lớn.
Do đó các đại gia logistics tại Trung Quốc đã đầu tư hệ thống công nghệ cùng cung cấp giải pháp để nhà bán hàng Trung Quốc dễ dàng tạo đơn hàng từ các phiên livestream và bài đăng trong thời gian thực, giảm thiểu tình trạng mất khách hàng do xử lý đơn bị trì hoãn.
Chưa kể quản lý kho hàng cũng dựa vào công nghệ để thúc đẩy công suất.
Ví dụ theo cách truyền thống, một công nhân thường đi bộ 40 - 50km/ngày để sắp xếp và quản lý hàng hóa trong kho.
Robot thông minh cũng đã được sử dụng để đẩy nhanh quá trình cũng như giảm quãng đường của công nhân.
Ngay cả việc chất xếp hàng trên xe, chọn tuyến đường, loại xe nào tối ưu cũng được áp dụng công nghệ để phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận