17/03/2009 04:45 GMT+7

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội: Xử lý không được!?

HOÀNG ANH
HOÀNG ANH

TT - Hai công ty Lucky và Anjin (quận Bình Tân, TP.HCM) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tổng cộng gần 9 tỉ đồng của gần 1.500 lao động. Hai năm qua những lao động trên không hề được giải quyết chế độ liên quan: ốm đau, thai sản, trợ cấp...

8jEehydT.jpgPhóng to

Công nhân - đối tượng nhận hậu quả nếu doanh nghiệp không đóng BHXH (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: H.V.

Từ tháng 4-2008, BHXH TP.HCM đã khởi kiện hai công ty ra TAND Q.Bình Tân. Sau bốn tháng nghiên cứu hồ sơ, tòa tuyên bố vụ án không còn hiệu lực. Cơ quan BHXH khiếu nại. TAND Q.Bình Tân tiếp nhận trở lại. Đến tháng 10-2008 TAND quận Bình Tân chuyển hồ sơ vụ kiện lên TAND TP.HCM. Đến nay, đối với vụ kiện Công ty Anjin tòa vẫn chưa có phán quyết. Vụ Công ty Lucky lại trả về TAND quận.

“Phức tạp, mệt mỏi và... không hiểu nổi”

Đối với vụ kiện Công ty Kwang Nam lại “thua” theo cách khác. Từ năm 2002, công ty đã trốn đóng BHXH, chiếm dụng luôn tiền đóng BHXH của công nhân. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt hàng chục lần và kéo dài hơn năm năm nhưng chẳng có kết quả gì mà mỗi năm nợ lại tiếp tục tăng lên, đến nay đã hơn 7 tỉ đồng. Tháng 4-2008, BHXH TP.HCM khởi kiện công ty. Sau đó TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM tuyên buộc công ty truy trả số nợ BHXH nhưng công ty không thực hiện. Hiện nay, công ty này đã đóng cửa, tài sản chẳng còn gì, cơ quan chức năng yêu cầu trích tài khoản để thi hành án thì phát hiện tài khoản của công ty chẳng có đồng nào.

Kiến nghị của BHXH TP.HCM gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về các doanh nghiệp nợ BHXH (trích):

- Bổ sung các văn bản dưới luật quy định các doanh nghiệp nợ BHXH phải giải quyết các chế độ cho người lao động trong thời gian không đóng hoặc nợ BHXH.

- Đề nghị xử phạt vi phạm tỉ lệ theo số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp.

- Bổ sung hành vi vi phạm pháp luật lao động phải được xem là vi phạm hình sự để có biện pháp chế tài phù hợp.

Một cán bộ BHXH TP.HCM cho biết những doanh nghiệp xem trọng thương hiệu của mình mới sợ bị kiện. Những doanh nghiệp chây ì như trên thì... thua, có kiện cũng chẳng làm gì được họ.

Cá nhân người lao động đi kiện thì tình hình phức tạp hơn nhiều. Tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, 48 công nhân khởi kiện một doanh nghiệp đòi quyền lợi BHXH. Tòa án đã tách từng vụ kiện cá nhân ra để xét xử, sau ba năm mới có kết quả.

Những vụ kiện kiểu này dai dẳng, phức tạp đến độ cơ quan BHXH phải cử hẳn ông Nguyễn Đăng Tiến, trưởng phòng kiểm tra, làm cán bộ “chuyên trách” để theo đuổi vụ kiện. Nhìn nhận những vụ kiện này, ông Tiến thừa nhận: “Quá phức tạp, quá mệt mỏi và cũng không thể hiểu nổi”.

Vừa qua cơ quan BHXH, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã mời các cơ quan chức năng: TAND TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ... xem xét khả năng khởi tố hình sự những doanh nghiệp cố tình nợ, không đóng và chiếm đoạt BHXH của công nhân. Câu trả lời từ những cơ quan này là: đây là án dân sự, không thể khởi tố hình sự.

Thà đóng phạt hơn đóng BHXH

Theo cơ quan BHXH TP.HCM, hiện có 56 doanh nghiệp nợ dằng dai hơn 52 tỉ đồng BHXH nhưng cơ quan chức năng chưa tìm ra phương án xử lý thích hợp.

Ông Lê Thành Tâm, giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, lý giải: theo quy định của pháp luật hiện hành, mức phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm chỉ 20 triệu đồng, nhưng mỗi năm chỉ được kiểm tra, xử phạt một lần nên doanh nghiệp chấp nhận đóng phạt để trốn đóng hàng tỉ đồng BHXH. Thậm chí khi bị phạt nhiều doanh nghiệp cũng không thực hiện. Một vấn đề nan giải khác là lực lượng thanh tra quá mỏng, toàn thành phố chỉ có 40 thanh tra viên trong khi có đến 23.000 doanh nghiệp nhà nước, 40.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, 130.000 doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể.

Giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp không nổi, tăng mức xử phạt thì không được chấp nhận, khởi kiện thì không mang lại kết quả... Cái vòng luẩn quẩn này đã kéo dài hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng kiến nghị không biết bao nhiêu lần nhưng chưa tháo gỡ được.

Người lao động lãnh hậu quả

Doanh nghiệp không đóng BHXH hiển nhiên quyền lợi của người lao động bị thiệt: khi ốm đau không có bảo hiểm y tế, khi sinh con nghỉ việc bốn tháng không có chế độ thai sản... Cách đây không lâu từng xảy ra vụ doanh nghiệp tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM nợ BHXH nên công nhân không có thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Cao Văn Sang, giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: hiện nay, không có văn bản nào chỉ rõ cơ quan BHXH phải thanh toán chế độ cho người lao động khi doanh nghiệp nợ BHXH. BHXH VN cũng đã có công văn hướng dẫn không thể giải quyết cho những trường hợp này. Duy nhất, trường hợp Công ty giày Hiệp Hưng (Q.8, TP.HCM) nợ hơn 11 tỉ đồng, đã được cơ quan cấp trung ương can thiệp nên phần nợ này Chính phủ sẽ giải quyết, cơ quan BHXH chấp nhận chi trả các chế độ cho hơn 4.600 lao động nơi đây.

Ông Trần Du Lịch, phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhìn nhận: trong khi hai bên BHXH và doanh nghiệp nợ BHXH còn giằng co thì hậu quả chính người lao động phải gánh.

HOÀNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp