
Con cá ngừ đại dương nặng gần 1 tạ được ngư dân Phú Yên đưa lên bờ, từ con cá ngừ này có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thủy sản là một trong những ngành sẽ chịu tác động lớn đối với mức thuế 46% mà Mỹ đưa ra và có hiệu lực từ ngày 9-4.
Lo ngại thuế đối ứng 46%
Ông Trương Hữu Thông - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thông Thuận, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá rô phi lớn tại Bình Thuận, Khánh Hòa - cho rằng với mức thuế 46% mà Mỹ đưa ra, doanh nghiệp này không thể tiếp tục xuất khẩu thủy sản sang nước này.
Ông Thông nhận định khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ thì gần như họ quyết định giá trị thương mại của ngành này. Chẳng hạn khi xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, Nhật, các nước này đều căn cứ theo giá thành Mỹ đã thu mua.
"Chúng tôi hy vọng nếu ít nhất mức thuế về 0% sẽ ngang bằng với các nước có sản phẩm cạnh tranh xuất khẩu thủy sản với Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia" - ông Thông bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Triển - giám đốc Công ty cổ phần Đồ hộp Tấn Phát, doanh nghiệp có nhà máy tại Phú Yên, Long An chuyên xuất khẩu các mặt hàng về cá ngừ sang Mỹ - nói nếu áp mức thuế 46% thì các mặt hàng của công ty này không thể cạnh tranh với những thị trường khác.
Ông Triển khẳng định những thị trường được áp thuế từ 10 - 30% thì chắc chắn khách hàng sẽ mua hàng ở các thị trường này và "chia tay" các mặt hàng của Việt Nam.
"Việc Mỹ áp mức thuế như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến dây chuyền của doanh nghiệp, nếu cá ngừ của doanh nghiệp tôi không xuất qua được Mỹ, ngư dân họ đánh bắt vào cũng không ai mua" - ông Triển nói.
Theo ông Thông, nếu Mỹ áp dụng mức thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp của ông sẽ tạm ngừng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, tập trung vào các thị trường khác đang ấm lên như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Canada, Úc...
Tương tự, ông Triển cho hay nếu Mỹ vẫn áp mức thuế 46% thì doanh nghiệp ông bắt buộc phải xuất hàng qua những thị trường khác có mức thuế dễ chịu hơn như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc...

Công nhân trong một nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh: THẾ KIỆT
Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu thủy sản của Mỹ
Theo ông Vũ Đình Đáp - chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, một trong những nguyên nhân Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là do những năm qua Việt Nam xuất siêu sang Mỹ rất lớn.
Ông Đáp dẫn giải mức thuế 46% là mức thuế chung cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, không phải riêng cho thủy sản và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa biết từng lô hàng, loại hàng liên quan đến thủy sản phải chịu thuế là bao nhiêu.
Trong bối cảnh này, theo chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên tin tưởng vào đàm phán giữa hai nước.
"Các doanh nghiệp nên bình tĩnh và trông chờ vào sự đối ứng của chính quyền Việt Nam với mức áp thuế của Mỹ, đồng thời cũng nên tìm một số thị trường tiềm năng khác" - ông Đáp đề nghị.
Bà Lê Hằng - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết trước động thái Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, VASEP đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và các lãnh đạo bộ, ngành liên quan.
VASEP cho biết Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới và Việt Nam.
VASEP đưa ra ví dụ nếu một lô tôm 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), giờ có thể chịu thuế 46% (230.000 USD), tăng thêm 205.000 USD thì chi phí quá lớn và không lường trước được.
VASEP cũng đề nghị chính quyền hai nước đàm phán không áp mức 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần chủ động xem xét giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa là thủy sản được nhập khẩu từ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận