Chiều 21-12, dạo quanh Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP Quảng Ngãi năm 2023 tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, một khung cảnh nhếch nhác với túi ni lông vươn vãi khắp nơi và nhiều điểm sình lầy ứ nước.
Hội chợ OCOP mà bị trộm cắp, mất hàng
Hội chợ tổ chức từ ngày 14 đến 20-12, hiện chỉ có số ít doanh nghiệp đồ gỗ chưa dọn kịp hàng và vài đơn vị bán chén bát khác cũng đang thu dọn hàng hóa. Các sản phẩm OCOP đều rời hội chợ từ sớm.
Ông L., chủ cửa hàng đồ gỗ H.L., ngao ngán nói: "Tôi tham gia rất nhiều hội chợ mà chưa thấy nơi nào tệ như khâu tổ chức ở Quảng Ngãi lần này. Những năm trước Quảng Ngãi tổ chức cũng ngon, nhưng lần này quá tệ".
Đồng quan điểm, ông T. - giám đốc doanh nghiệp đồ gỗ ở Huế đưa hàng vào triển lãm, mua bán - cũng ngao ngán bởi khâu tổ chức "cùi bắp". "Rất là ốt dột, nhiều đơn vị bán sản phẩm OCOP rời hội chợ rất sớm nên khung cảnh vắng hoe. Khách thưa thớt, tôi chẳng bán được chi nhiều, nấn ná vớt lại tiền thuê xe chở hàng mà coi bộ khó", ông T. nói.
Nhiều đơn vị khác than phiền khi tình trạng mất cắp xảy ra, nhiều người ngủ ban đêm trong khuôn viên hội chợ vẫn bị mất điện thoại, hàng hóa...
Anh T.V.B. lắc đầu ngao ngán khi an ninh quá lỏng lẻo. Hội chợ đang diễn ra nhưng người nhặt ve chai vào "đông như quân Nguyên".
Thay vì bán hàng, các đơn vị tham gia hội chợ lo canh giữ hàng hóa của mình sau khi tình trạng mất cắp xảy ra.
"Tôi chẳng hiểu tổ chức sự kiện hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh, rất đông doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mang sản phẩm đặc trưng, đặc thù đến tham gia mà khâu chuẩn bị đến công tác tổ chức "chán đời" đến vậy", anh B. nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, những vấn đề này không phải đến khi hội chợ kết thúc mới phản ứng mà từ lúc hội chợ đang diễn ra đã phản ứng trên nhóm Zalo chung do Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại lập để tiện trao đổi giữa đơn vị tổ chức và doanh nghiệp. Nhưng nhiều góp ý với lời lẽ "cứng rắn" bị trưởng nhóm xóa. Sau đó nhóm này cũng bị xóa luôn.
Việc bán vé 30.000 đồng/lượt qua cổng vào hội chợ và nạn giữ xe "chặt chém" 10.000 đồng/xe máy cũng đã khiến nhiều người không thiết tha ghé hội chợ.
Không tệ như doanh nghiệp nói, nhưng phải giải trình với UBND tỉnh
Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, bán được nhiều hàng khi thu hút gần 250 gian hàng tiêu chuẩn của các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã ở 10 tỉnh, thành phố, như: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk…
Sau một tuần tổ chức, hội chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá hàng ngàn sản phẩm OCOP, đặc sản, nông sản đặc trưng, truyền thống, cũng như sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, các mặt hàng thiết yếu… đã không đạt kỳ vọng như mong đợi.
Ông Nguyễn Đức Huy - phó giám đốc Sở Công Thương - cho biết hội chợ do Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tổ chức, tổng kinh phí 1,6 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách 800 triệu đồng, xã hội hóa 800 triệu đồng. Sở Công Thương giữ vai trò cơ quan chủ trì, theo dõi đôn đốc công tác tổ chức hội chợ này.
"Chính vì có xã hội hóa nên đơn vị trúng thầu phải bán vé ban đêm cho người dân vào tham quan hội chợ để thu hồi số tiền đầu tư và mời ca sĩ về biểu diễn văn nghệ mỗi đêm. Riêng việc bán vé giữ xe, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, xem xét lại".
Trước câu hỏi tại sao doanh nghiệp thất vọng với khâu tổ chức, an ninh quá tệ, nhiều doanh nghiệp rời hội chợ chỉ sau 2-3 ngày, ông Huy nói: "Các doanh nghiệp bán được hàng mà, bán chạy lắm. Nhiều doanh nghiệp bỏ về sớm bởi tham gia hội chợ OCOP ở TP.HCM, tôi cũng đang tham gia xúc tiến sản phẩm trong này".
Dù không thừa nhận khâu tổ chức tệ như doanh nghiệp than phiền, nhưng ông Huy lại nói "sắp tới Sở Công Thương phải giải trình với UBND tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề hội chợ vừa qua".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận