14/03/2024 13:38 GMT+7

Doanh nghiệp than các nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam vẫn 7-9%

Các doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn với lãi suất thấp vẫn rất khó khăn và cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, pháp lý.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - Ảnh: VGP

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - Ảnh: VGP

Sáng 14-3, diễn ra hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Đào Minh Tú - phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29-2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Tiếp cận vốn rất khó khăn, đặc biệt là khoản vay lãi suất thấp?

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tú nói theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán, nên 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng. Có doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu...

Ông nói thêm, có nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Khó khăn trong triển khai một số chương trình tín dụng như gói nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng...

Về nguyên nhân chủ quan, ông Tú chỉ ra một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Quy trình thủ tục vay một số ngân hàng chậm cải tiến, thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt...

Dù đồng tình với các vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước nêu, song nhiều doanh nghiệp cho rằng trên thực tế việc tiếp cận vốn rất khó khăn, đặc biệt là khoản vay lãi suất thấp. Ông Lê Tiến Trường - chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - nói lãi suất vay của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam ở mức 3,5%, nhưng ở Việt Nam, với Vinatex là 7% với doanh nghiệp tốt và 9% với doanh nghiệp xấu.

Năm 2023, dù dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là giá vốn đắt hơn và lãi phải trả tăng 30% so với năm 2021. "Các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2-2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm trước" - ông Trường bày tỏ.

Ông Lê Tiến Trưởng - chủ tịch Vinatex - Ảnh: VGP

Ông Lê Tiến Trưởng - chủ tịch Vinatex - Ảnh: VGP

Doanh nghiệp mong tháo gỡ cơ chế, thủ tục pháp lý

Đặc biệt với doanh nghiệp ngành sợi đang gặp rất nhiều khó khăn và bị thua lỗ, việc xem xét hạn mức tín dụng năm nay rất khó khăn. Ông Trường nói hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn, lãi suất từ 7-9%.

"Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.

Dù đã vay được vốn với lãi suất thấp hơn nhiều so với năm ngoái, song ông Đặng Minh Trường - chủ tịch Tập đoàn Sun Group - vẫn mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Bởi theo ông, hiện mức các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%). Vì vậy, cần có sự thu hẹp khoảng cách, chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Đồng thời, ông Trường đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Ông Quảng Văn Viết Cương, phó giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cũng cho biết lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng đòi hỏi vốn lớn. Tuy nhiên, các khó khăn gần đây khiến cho dự án triển khai chậm hơn, việc sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ có thể kéo dài.

Vì vậy, ông cũng mong các chỉ đạo của Thủ tướng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lan tỏa tới địa phương, tới cán bộ công chức, đặc biệt tháo gỡ "chặng cuối" là các thủ tục, cơ chế thực hiện, thủ tục pháp lý.

Đồng tình, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay với dự án bất động sản là vấn đề pháp lý. Việc tháo gỡ này sẽ giúp cho các dự án tiếp cận tín dụng tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản.

"Đây là giải pháp phi tín dụng rất quan trọng, sớm đưa vào thực thi các luật mà Quốc hội đã ban hành, phát huy vai trò Tổ công tác của Chính phủ trong tháo gỡ các dự án" - ông Châu nói đi kèm đó doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tái cấu trúc sản phẩm.

Chẳng còn tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp khó vay vốnChẳng còn tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp khó vay vốn

Dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp