Các doanh nghiệp sản xuất tại Bình Dương kiến nghị được trao quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc xem xét hoạt động trở lại - Ảnh: B.S.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành và đại diện hiệp hội doanh nghiệp một số tỉnh, thành phố. Bình Dương chiếm tới khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của cả nước.
Rất nhiều ý kiến phát biểu của doanh nghiệp tại hội thảo kiến nghị Nhà nước cần bỏ cơ chế "xin - cho" mà cần để doanh nghiệp tự quyết định việc hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo các doanh nghiệp, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước có hạn nên có tình trạng doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép hoạt động theo mô hình "3 xanh" (nhà máy xanh, công nhân xanh, nhà trọ xanh) hoặc "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng bị "ngâm" hồ sơ, chậm trả lời.
Hiện nay Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đang quản lý khoảng 3.900 doanh nghiệp nhưng tổng cộng chỉ có khoảng 50 nhân sự, nên không thể nào đi kiểm tra từng doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, Bình Dương hiện có trên 50.000 doanh nghiệp, nếu chia bình quân mỗi huyện, thị xã quản lý từ 10.000 - 12.000 doanh nghiệp thì cũng không thể xem xét kịp thời cho từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - giám đốc Sở Công thương Bình Dương - cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể theo hướng trao quyền tự quyết định cho các doanh nghiệp - Ảnh: BÁ SƠN
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Bình Dương tham dự hội thảo, ông Nguyễn Thanh Toàn - giám đốc Sở Công thương - cho biết lãnh đạo tỉnh đã nhận được nhiều kiến nghị cho doanh nghiệp tự chủ trong việc hoạt động trở lại. Dự kiến tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn chấp thuận kiến nghị này, sẽ giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chỉ hậu kiểm.
Một số doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách để đưa công nhân trở lại Bình Dương thông qua việc xin trung ương nguồn vắc xin để ưu tiên tiêm cho người lao động từ các tỉnh trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết hiện Bình Dương vừa được phân bổ 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm và các loại vắc xin khác. Vì vậy, trong tháng 10 sẽ đẩy nhanh tăng tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2.
Ông Toàn cho biết hiện Bình Dương đã cho phép các doanh nghiệp tự xét nghiệm và tự cấp giấy để cho người lao động đi lại. Bình Dương đã tiếp cận được nguồn que test từ Hàn Quốc với giá dưới 65.000 đồng/test. Nếu test mẫu "gộp 3" và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi công nhân sẽ dưới 10.000 đồng/ngày. Khi tỉ lệ công nhân được tiêm 2 mũi tăng lên thì chi phí test sẽ tiếp tục giảm, vì những người này chỉ phải test 7 ngày/lần.
Về việc một số tỉnh lân cận với Bình Dương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm do cơ sở y tế cấp, chưa chấp nhận giấy xác nhận do doanh nghiệp cấp, đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Dương ghi nhận và cho hay sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận