Các DN kỳ vọng đơn hàng sẽ dần tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau, kéo theo công ăn việc làm cho người lao động cũng được đảm bảo sau thời gian dài sản xuất cầm chừng.
Đơn hàng quay trở lại với dệt may
Là một trong các DN có lượng đơn hàng ổn định trong thời gian qua, ông Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty may mặc Dony, cho hay DN này may mắn khi có lượng đơn hàng "dồn dập" đến hết tháng 9, chủ yếu do hàng tồn kho năm trước của các đối tác giảm dần, DN phải chuẩn bị lượng hàng dự trữ.
Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước khác sang, đặc biệt là thêm nhiều đơn hàng từ Mỹ do tiền Việt mất giá so với USD và Việt Nam có lợi thế về thuế so với Trung Quốc.
Ngoài ra, DN này cũng có các đối tác đang đàm phán những đơn hàng mới, nếu thành công sẽ có đơn hàng đến hết năm nay.
Tuy vậy, ông Quang Anh cho hay hầu hết là các đơn hàng không lớn, đối tác chỉ đặt trước 1 - 2 tháng thay vì các đơn hàng lớn và được đàm phán trước cả quý tới nửa năm như trước, do khách hàng vẫn còn thận trọng theo dõi các diễn biến của thị trường cũng như lo lắng trước áp lực xử lý hàng tồn kho.
Trong khi đó, dù tăng sản lượng, biên lợi nhuận trên mỗi sản phẩm vẫn thấp, chỉ bằng 60 - 70% thời hoàng kim. "DN đang tập trung tăng sản lượng để bù lại biên lợi nhuận và giữ chân khách hàng trong bối cảnh kinh tế dự đoán còn khó", ông Quang Anh nói.
Lãnh đạo Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công cũng cho hay DN này đã nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2-2024 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 3-2024.
Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản phục hồi tốt, thị trường Hàn Quốc lại phục hồi chậm hơn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, nửa đầu năm 2024, ngành dệt may có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều DN trong hiệp hội đã có đơn hàng lấp đầy đến hết quý 3, một số đã có đơn hàng tới quý 4, song các đơn hàng còn nhỏ, theo mùa vụ.
Tuy vậy, khó khăn vẫn bủa vây ngành dệt may trong thời gian tới do cước vận tải biển tăng, tiền lương, lãi suất ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng tác động không nhỏ tới các DN. "Chỉ tính từ đầu năm tới nay, chi phí logistics đã tăng gấp 4 lần, chưa kể thời gian giao hàng kéo dài cũng ảnh hưởng lớn với mặt hàng thời trang" - ông Việt nói.
Kỳ vọng đơn hàng tăng dần vào cuối năm
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-6, ông Nguyễn Quốc Anh, chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết các DN ngành cao su, nhựa tại TP.HCM vẫn có lượng đơn hàng đủ để đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên đây là giai đoạn thấp điểm đối với thị trường nội địa, nên đơn hàng chưa nhiều.
Với thị trường xuất khẩu, theo ông Quốc Anh, các thị trường chủ lực vẫn chưa có các tín hiệu gia tăng đơn hàng.
Thông thường quý 2 là thời điểm các nhà nhập khẩu sẽ đặt đơn hàng cho giai đoạn cuối năm, Noel và năm mới. Song năm nay, các DN vẫn chưa có nhiều đơn hàng dù sắp kết thúc quý 2. "Chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm đơn hàng sẽ tăng", ông Quốc Anh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho hay đà suy giảm đơn hàng đối với ngành da giày chưa dứt, những tín hiệu cải thiện đơn hàng vẫn chưa rõ nét.
Theo ông Khánh, do kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, sức tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn chưa phục hồi nên các DN trong ngành này vẫn sản xuất cơ bản để giữ lao động.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng đơn hàng sẽ sớm phục hồi, khả năng từ quý 3 sẽ có những điểm sáng bởi giày da là ngành tiêu dùng, người dân sẽ sớm quay lại mua sắm các sản phẩm", ông Khánh nói.
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp cơ khí, điện TP về cơ bản vẫn đảm bảo các đơn hàng để sản xuất nhưng biên lợi nhuận rất thấp, do chi phí tăng trong khi giá bán ra lại giảm sâu.
"DN bây giờ phải cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt có sự tham gia của các DN Trung Quốc nên chúng tôi cũng rất căng thẳng trong bài toán lợi nhuận, trước mắt là đặt tiêu chí có đơn hàng, có công việc cho công nhân", ông Tống nói.
Chú trọng thị trường nội địa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Xuân Đức, chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM, cho hay kết quả khảo sát trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn cho thấy bên cạnh những DN sản xuất tốt, vẫn còn nhiều DN chưa hồi phục.
Theo ông Đức, do các DN cung ứng cho các thị trường thế giới, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu nên sự phục hồi đơn hàng phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của kinh tế thế giới cũng như sức tiêu thụ toàn cầu.
Nhìn chung công ăn việc làm cho người lao động vẫn đảm bảo, DN vừa phải tìm kiếm các đơn hàng mới ở thị trường quốc tế nhưng cần chú trọng đến thị trường nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận