Các đại biểu bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện
Chiều 9-11, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội biểu quyết thông qua đầu phiên họp, với 444 đại biểu tán thành, chiếm 89,16% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đây là dự án luật đầu tiên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự án luật, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết riêng một điều khoản về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Theo đó, băng tần có thể được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá ba năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, lấy ý kiến Bộ Thông tin - Truyền thông, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép.
Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỉ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.
Trước khi giấy phép hết thời hạn ba tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm, làm cơ sở để Bộ Thông tin - Truyền thông gia hạn giấy phép.
Nội dung mới rất đáng lưu ý tại dự thảo luật vừa được thông qua liên quan đến phương thức cấp giấy phép sử dụng băng tần, kênh tần số.
Theo đó, áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất; băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng mặt đất khác do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển được áp dụng đối với băng tần, kênh tần số khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định.
Thủ tướng quyết định băng tần, kênh tần số được cấp phép thông qua thi tuyển theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận