Cơ quan thuế đang đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Kinh doanh thời điểm này vô vàn khó khăn, doanh nghiệp như con người, nay sống mai chết, làm sao tiên lượng nổi...
Đó là một trong rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online bày tỏ nỗi bức xúc của doanh nghiệp, về việc phải giải trình hóa đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế khi doanh nghiệp bên bán hàng bỏ trốn.
Số lượng doanh nghiệp phải giải trình lên đến hàng ngàn do số doanh nghiệp bị liệt vào danh sách rủi ro hóa đơn điện tử lên đến hơn 520 doanh nghiệp.
Kế toán một doanh nghiệp than trời: "Giờ mua bán có hợp đồng, bàn giao, thanh lý còn chưa đủ. Cần có tài tiên tri xem doanh nghiệp bán hàng cho mình tương lai có bỏ trốn hay không".
Doanh nghiệp tốn thời gian, nhân sự giải trình cơ quan thuế
Bạn đọc Hiệp kể: "Công ty tôi có mua khoảng 15 triệu tiền sơn chống rỉ để thi công cải tạo sửa chữa một công trình trường học. Việc mua bán giao cho cán bộ thi công mua hàng, yêu cầu lấy hóa đơn kèm theo.
Sau một hồi giải trình và nghe các câu hỏi của cán bộ cơ quan thuế, chúng tôi đã phải loại trừ chi phí và điều chỉnh tờ khai vì sợ phức tạp và xác minh kéo dài".
Rơi vào trường hợp tương tự, bạn đọc MiMi cho biết: "Công ty mình đây, tự nhiên nhận được email của thuế bảo lên giải trình hóa đơn mua bán với công ty bỏ trốn. Sau đó mình gọi điện lên gặp cán bộ thuế bảo không mua bán gì với công ty đó.
Cơ quan thuế nói rằng không có thì mang hồ sơ lên giải trình để chứng minh! Từ đầu năm đến giờ có làm được gì đâu, doanh thu vài chục triệu".
Hậu quả của việc giải trình này, theo bạn đọc Trung Kiên: "Cái mất lớn nhất là mất thời gian giải trình và phải phân công 1-2 nhân sự chỉ để làm cái việc đi giải trình".
Bạn đọc Thai Binh than: "Doanh nghiệp đã khổ trăm thứ rồi còn phải lo giải trình cho hết cơ quan này đến cơ quan khác. Nỗi khổ không biết kêu ai".
"Doanh nghiệp phải vận dụng tâm trí làm ăn để đóng thuế, chứ không phải chịu cảnh khốn khổ như vầy" - bạn đọc Minh bày tỏ.
Cơ quan thuế đẩy khó cho doanh nghiệp
Nhiều bạn đọc chỉ rõ: cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm trong việc xác định rủi ro hóa đơn điện tử và xử lý doanh nghiệp bỏ trốn, không thể đẩy chuyện khó cho doanh nghiệp.
Bạn đọc Lê Hùng có ý kiến: "Cơ quan thuế đang đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Kinh doanh thời điểm này vô vàn khó khăn, doanh nghiệp như con người, nay sống mai chết làm sao tiên lượng nổi.
Nếu có doanh nghiệp thành lập để bán hóa đơn, cơ quan thuế phải là người phát hiện trước hết, vì chỉ cần xuất hóa đơn mà không kê khai thuế, là đưa vào diện giám sát rồi. Đó là chưa kể khi doanh nghiệp xuất hóa đơn phải qua cơ quan thuế thẩm định.
Tại sao khi doanh nghiệp bên bán bỏ trốn, cơ quan thuế lại đẩy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp bên mua, khi chính họ cũng là bên bị hại?".
Cùng nhận định, bạn đọc Châu dứt khoát: "Rõ ràng cơ quan thuế đẩy trách nhiệm và khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành thuế quản lý việc xuất hóa đơn của các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp xuất khống hóa đơn là trách nhiệm của ngành thuế.
Việc để các công ty xuất hóa đơn rồi bỏ trốn là trách nhiệm của chính quyền và ngành thuế".
Bạn đọc Huy lập luận thêm: "Hóa đơn được cơ quan thuế cấp mã, trách nhiệm quản lý là ở cơ quan thuế, đừng cứ việc gì khó lại đẩy cho người khác. Nợ thuế thì bị phạt, có khả năng bị truy tố hình sự. Trách nhiệm của ai người đó chịu đi chứ, thuế ơi".
Phụ trách kế toán của doanh nghiệp, bạn đọc Nhung đặt ra câu hỏi với cơ quan thuế: "Doanh nghiệp bỏ trốn, cơ quan thuế không làm gì được thì quay ra truy trách nhiệm, phạt tiền người mua hàng là sao?
Trong khi họ đã mất tiền mua hàng, hóa đơn, chứng từ đầy đủ, lại bắt phạt, loại chi phí khấu trừ. Trách nhiệm của cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn ở đâu, xử lý như thế nào?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận