Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chủ động làm việc với nhà đầu tư về phương án trả nợ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, sáng 17-12, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức hội thảo lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Vấn đề nổi cộm nhất trên thị trường tài chính là thị trường trái phiếu được các diễn giả tập trung thảo luận.
Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp ba năm vừa rồi, ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings - nhận định kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp đã cung cấp vốn cho doanh nghiệp nhiều nhất. Nhưng hai tháng vừa rồi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.
Nguyên nhân không chỉ do lãi suất cao, hay một số doanh nghiệp vi phạm, chất lượng doanh nghiệp yếu kém mà có rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề lớn mang tính trầm trọng là xuất hiện sự hoảng loạn trên thị trường. Doanh nghiệp huy động trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm nhung bị nhà đầu tư đòi lại tiền.
Việc doanh nghiệp buộc phải trả lại tiền là thách thức, áp lực vô cùng lớn về thanh khoản. Nhưng điểm cốt lõi khiến thị trường trái phiếu khó khăn là thị trường không minh bạch. Thực tế, doanh nghiệp chào bán trái phiếu cách đây 2-3 năm nhưng đến nay hầu không có thông tin gì mới như khả năng trả nợ nhà đầu tư.
Đề xuất "phác đồ" điều trị cho thị trường trái phiếu, ông Thuân cho rằng trước hết doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin. Bởi doanh nghiệp vay tiền của công chúng thì phải minh bạch thông tin về sức khỏe của mình với nhà đầu tư.
Câu chuyện minh bạch là vấn đề cốt lõi, chìa khóa của mọi giải pháp, giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Khi hồ sơ minh bạch, thông tin minh bạch, rõ ràng lãi suất trái phiếu sẽ được thảo luận.
Trong tháng 10 vừa rồi, một số doanh nghiệp vẫn nhận được khoản huy động từ nước ngoài. Như vậy, khi thông tin minh bạch, chất lượng doanh nghiệp tốt, nhà đầu tư sẽ xuống tiền.
"Tôi khuyên doanh nghiệp hãy chủ động minh bạch thông tin và đàm phán với trái chủ về phương án trả nợ, tránh lâm vào tình huống vỡ nợ một cách bị động. Nếu chậm trả lãi một ngày đối với trái chủ thì tạm gọi là vi phạm rồi" - ông Thuân lưu ý.
Mặt khác, theo vị này, không chỉ đợi chờ cơ quan quản lý, doanh nghiệp nên chủ động làm việc với trái chủ, thậm chí thảo luận với cổ đông và ngân hàng để xử lý nghĩa vụ nợ. Vì trong 2-3 năm tới, thị trường có thể vẫn còn thực sự khó khăn.
Bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trách nhiệm của các tổ chức trung gian gồm ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải quy định chặt chẽ. Do vậy, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện vấn đề này.
Ngoài ra, để thị trường trái phiếu hồi sinh, những doanh nghiệp rủi ro cũng có thể xem xét được phép huy động trái phiếu với lãi suất 20-30%/năm. Quan điểm là nên để thị trường tự vận hành, quyết định lãi suất của trái phiếu.
Đồng tình với những đề xuất trên, ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng nghĩa, cần có sự nỗ lực xây dựng từ phía doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Trước hết, doanh nghiệp phát hành phải minh bạch thông tin với các nhà đầu tư, với các trái chủ nắm giữ trái phiếu, bằng cách phải thuê tư vấn, đánh giá của kiểm toán độc lập, cơ quan xếp hạng tín nhiệm…
Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhà đầu tư. Khi đó niềm tin của nhà đầu tư mới trở lại và thị trường mới phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận