17/03/2016 09:39 GMT+7

Doanh nghiệp nước ngoài “kêu trời” với lãnh đạo TP.HCM

NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN (nhubinh@tuoitre.com.vn)
NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN ([email protected])

TT - Quy định nhập khẩu máy móc cũ, doanh nghiệp (DN) nước ngoài yêu cầu minh bạch tiêu chuẩn nhập máy móc cũ để không ảnh hưởng đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - trao đổi bên lề với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - trao đổi bên lề với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Tự Trung

 

Thông tư 23 do Bộ Khoa học - công nghệ ban hành có hiệu lực từ ngày 1-7 năm nay. Trong đó quy định về nhập khẩu máy móc cũ trở thành đề tài “nóng” tại buổi trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp nước ngoài ngày 16-3.

Doanh nghiệp (DN) nước ngoài yêu cầu minh bạch tiêu chuẩn nhập máy móc cũ để không ảnh hưởng đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Thông tư 23 vi phạm quy định WTO?

Mở đầu buổi đối thoại, ông Herb Cochran - giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) - cho rằng thông tư 23 đang gây khó khăn cho các DN. Từ năm 2014, AmCham cùng Hiệp hội DN nước ngoài đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ Việt Nam, đồng thời cho rằng thông tư này ngăn cản DN của Hoa Kỳ, Nhật và các công ty khác vận chuyển thiết bị từ nước ngoài tới VN.

“Chúng ta cần sử dụng một chiến lược “quản lý rủi ro” để giải quyết các vấn đề cụ thể hơn là cấm việc nhập khẩu tất cả máy móc và thiết bị tuổi đời lớn hơn 10 năm” - ông Herb nói. Theo ông Herb, thông tư này còn vi phạm Hiệp định rào cản kỹ thuật tới thương mại (TBT) của WTO bằng việc đặt ra một giới hạn không công bằng và không mang cơ sở khoa học.

Ông Motohisa Nakagawa, trưởng ban môi trường kinh doanh Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAH), cũng nói có gần 64% DN đang hoạt động cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư trong 1-2 năm nữa.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư này có kế hoạch nhập khẩu máy móc phục vụ mở rộng đầu tư sản xuất vào Việt Nam đang gặp khó khăn vì thông tư 23.

Đại diện Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM cho biết thông tư 23 đã được tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện DN nước ngoài nhằm đảm bảo tính khả thi, thay thế thông tư 20 được bãi bỏ từ hai năm trước. Đồng thời vị này thừa nhận khi áp dụng thông tư sẽ có một số khó khăn như làm sao xác định được tuổi đời của máy móc, tiêu chí...

Ông Đỗ Nhất Hoàng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng cho rằng khi thông tư này có hiệu lực sẽ không làm giảm thiện chí của các nhà đầu tư nước ngoài. “Nhà đầu tư lo lắng khi dây chuyền sản xuất của họ dời nhà máy sang Việt Nam dù thiết bị đã quá 10 năm nhưng vẫn còn vận hành tốt” - ông Hoàng nói.

Về việc AmCham bảo quy định này vi phạm điều khoản của WTO, ông Hoàng cho biết sẽ kiểm tra lại. Tuy nhiên, theo ông, quy định này được nhiều nước, thậm chí các nước trong khối G7, G8 đưa ra.

Tạo điều kiện tốt nhất cho DN

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói việc nào thuộc thẩm quyền, UBND TP cam kết sẽ xử lý ngay, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

“Các câu hỏi của DN cụ thể thì sở, ban ngành cũng phải trả lời vào vấn đề, cái gì chưa hợp lý thì sửa ngay. Cái nào cần nghe thêm ý kiến thì mời đại diện các DN, hiệp hội trao đổi lại” - ông Phong đề nghị.

Ông Phong cho rằng TP phải xây dựng được môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hiệu quả hơn và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư. “UBND TP.HCM cần có những cuộc tiếp xúc bàn tròn thường xuyên hơn để DN có thể kết nối mạnh mẽ hơn nữa” - ông nói.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Lãnh đạo TP khẳng định luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN, nhà đầu tư thuận lợi làm ăn. Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, TP.HCM vẫn phải cố gắng hơn nữa, các sở ban ngành TP phải đồng hành cùng DN, cần xem xét rà soát các văn bản quy định pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”.

“Nếu tôi là doanh nghiệp tôi cũng chóng mặt”

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật mới, nhưng trong đó có không ít nội dung tạo ra cơ chế xin - cho. Ví dụ trong lĩnh vực hải quan, có khi một lô hàng qua cửa khẩu phải xin giấy con của chín bộ ngành.

“Có DN nhập khẩu thép vào thông qua hàng loạt giấy tờ nhiêu khê, rồi còn buộc phải cắt thép thành từng miếng để đi giám định, nội việc chờ giấy giám định thôi là mất khối thời gian của DN” - ông Bé nói.

Ông Thăng đề nghị phía lãnh đạo hải quan TP.HCM giải trình rõ về vấn đề này. “Hải quan nói một cửa, sao ở đây DN nói nhiều cửa, có hay không? Làm sao giải quyết?” - ông Thăng hỏi. Đại diện hải quan TP cho biết đến ngày 1-4 sẽ áp dụng một cửa. Ông Thăng truy vấn: “Vậy bây giờ mấy cửa?”.

Sau trả lời của đại diện hải quan, ông Thăng phê bình: “Bản thân tôi nghe thấy trả lời của đại diện hải quan rất trôi chảy nhưng tôi cũng không hiểu. Nếu tôi mà là DN tôi cũng chóng mặt. Đề nghị hải quan TP cần lắng nghe ý kiến DN thường xuyên, vướng ở đâu giải quyết ngay ở đó”.

NHƯ BÌNH - ĐÌNH DÂN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp