Ông Từ Quý Thành, tổng giám đốc Công ty Liên Bang travel, cho biết Trung Quốc chưa nối lại tour theo đoàn đến Việt Nam có thể vì “hàng rào kỹ thuật" và các doanh nghiệp vẫn chờ những vướng mắc kỹ thuật này được giải quyết sớm.
Hiện nay, khách Trung Quốc vào Việt Nam phải xin visa nhập cảnh, một số chính sách ưu tiên như e-visa chưa khôi phục lại. Du khách muốn du lịch đến Việt Nam vẫn phải đi qua công ty lữ hành, khách du lịch cá nhân chưa thể tự xin visa đi du lịch tự túc.
“Trước dịch, thị trường không hạn chế mấy quy định này… Vì vậy, việc mở cửa với khách du lịch đoàn muộn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến công ty du lịch, hàng không mà các dịch vụ ăn uống, khách sạn, mua sắm khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo khi chúng ta đang rất kỳ vọng đón nhóm du khách này", ông Thành đánh giá.
Hàng không, du lịch liên quan thị trường Trung Quốc sẽ "ấm dần" từ tháng 4-2023
Tại buổi lễ khai trương đường bay quốc tế TP.HCM - Thái Lan ngày 9-2, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel - nhận định hoạt động khai thác hàng không, du lịch sẽ "ấm dần" lên trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường lớn như Trung Quốc vào tháng 4-2023.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một hãng bay cho rằng việc khôi phục lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc phải làm nhanh để giữ slot (lượt cất hạ cánh). Chấp nhận thời gian ban đầu tỉ lệ khách đi lại chưa đạt như mong đợi nhưng xác định đây là thị trường lớn các hãng bay Việt Nam nhanh chóng khôi phục, nối lại các điểm đến Trung Quốc là cần thiết.
Vietnam Airlines cho biết trong tháng 3 và tháng 4 tới, hãng sẽ khôi phục hoạt động bay thường lệ với chín đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc. Đây là chín trong tổng số 10 đường bay thường lệ đã được Vietnam Airlines khai thác trước khi phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% so sánh năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19).
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội và Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô, giữa Hà Nội và Thành Đô.
Theo hãng bay, việc Trung Quốc chưa chọn Việt Nam là một trong 20 điểm đến để đưa khách đi tour khi mở cửa không có nhiều bất ngờ và nằm trong kịch bản của các hãng hàng không. Vì vậy, phản ứng chung là không nên quá lo lắng.
Nếu xét về quan hệ thương mại, du lịch cũng như nhu cầu kết nối đi lại, Việt Nam vượt trội hơn so với các điểm đến khác nằm trong danh sách mà Trung Quốc muốn nối lại trước. “Tuy vậy, việc Trung Quốc mở cửa cho Việt Nam muộn hơn cũng sẽ thiệt thòi cho các doanh nghiệp. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn chờ các chuyến bay được nối lại để lên đường", đại diện một hãng bay cho biết.
Hiện tại các hãng hàng không trong nước cũng đang có những chuyến bay thường lệ và thuê chuyến đến nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh và các điểm du lịch nổi tiếng.
Nhóm chuyên gia của HSBC kỳ vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ hơn của du lịch Việt Nam trong năm 2023 khi thị trường Trung Quốc mở cửa từ 8-1. Theo tính toán của nhóm chuyên gia HSBC, thị trường du lịch Việt Nam có thể đạt được tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50 - 80%, tương ứng từ 3 - 4,5 triệu lượt.
Hôm 6-2, Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp nước này được nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài, với danh mục 20 nước. Tuy nhiên, trong 20 nước này không có Việt Nam.
Các nước Trung Quốc cho phép mở tour trở lại gồm 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Chín quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận