Trao chứng nhận sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu "Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017" và " Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017" cho doanh nghiệp - Ảnh: T.HÀ
Tại sự kiện này, VNISA cũng công bố "Báo cáo chỉ số hiện trang an toàn thông tin mạng Việt Nam 2017.
Với chủ đề "An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới", Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2017 bao gồm phiên khai mạc, các phiên thảo luận, triển lãm sẽ đem đến cho người nghe những thông tin mới nhất về xu hướng bảo mật trên toàn cầu cũng như các công nghệ mới nhất để bảo đảm an toàn thông tin…
Phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho hay, thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin nhưng cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ".
Theo ông Hải, cộng đồng tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn rất cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ công nghệ thông tin trên mọi thiết bị ở quy mô xuyên quốc gia.
"Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi thông minh và phù hợp để hướng tới một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh…"- Ông Hải đưa ra khuyến nghị.
Theo Báo cáo chỉ số hiện trang an toàn thông tin mạng Việt Nam 2017 của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đưa ra ngày 1-12, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chỉ số về an toàn thông tin còn thấp.
Khảo sát này thực hiện với 360 đối tượng gồm 56 tổ chức ngân hàng tài chính và 304 doanh nghiệp khác tại ba vùng trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó, so với các tổ chức ngân hàng-tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tỏ ra yếu hơn trong các chỉ số.
Ví dụ như về chính sách đầu tư kinh phí, chỉ số tương ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa là 24,7%, của các tổ chức tài chính là 49,7%; nguyên tắc triển khai bảo đảm thông tin là 70,2% và 73%; trình độ nhận thức và đào tạo bồi dưỡng về an toàn thông tin là 23,9% và 59%...
Đại diện VNISA đánh giá: Bước đầu cho thấy xu hướng phát triển an toàn thông tin hiện nay là tích cực nhờ ảnh hưởng bởi Luật an toàn thông tin mạng và các quy định pháp lý mới. Tuy nhiên, hiện tốc độ phát triển an toàn thông tin chưa nhanh, mới chỉ đạt mức trung bình về chỉ số sau bốn năm. Trong đánh giá còn chưa tính đến một số mặt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ an toàn thông tin. Các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa có chỉ số thấp, chứng tỏ nguy cơ mất an toàn thông tin là rất cao.
VNISA cũng kiến nghị cần có một cơ quan điều phối chiến lược toàn bộ hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng. Đơn vị này cũng sẽ là đầu mối tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin trong cộng đồng, khuyến khích phát triển các sản phẩm và dịch vụ nội địa về an toàn thông tin…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận