Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đề nghị phải có cơ chế riêng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay - Ảnh: T.V.N. |
Khó vay vốn ngân hàng (NH) là chuyện dài nhiều tập từ nhiều năm nay vẫn chưa được tháo gỡ dù đã có quy định về cho vay tín chấp, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang “tê liệt” vì vướng cơ chế.
Ngân hàng cũng có các chương trình ưu đãi, nhưng muốn nhận ưu đãi DN phải có đủ điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, sổ sách kế toán, trong khi các DN nhỏ không đáp ứng được các điều này nên thiếu vẫn hoàn thiếu |
Ông PHẠM NGỌC HƯNG (phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM) |
Đụng đâu cũng khó
Ông Võ Đăng Tiến, giám đốc Công ty TNHH Ngọc Việt, cho hay từ năm ngoái đến giờ đã đi đến hai NH hỏi thủ tục vay nhưng đều bị từ chối, dù chỉ là khoản vay ngắn hạn để mua nguyên liệu. “Khi tôi đến NH A hỏi thủ tục vay, dù đã trình tài sản thế chấp là căn hộ chung cư nhưng NH từ chối với lý do nhà chưa ra chủ quyền hợp pháp.
Tôi cũng trình kế hoạch phát triển sản xuất, thuyết minh rõ số tiền (nếu) vay được sẽ mua nguyên liệu đá để sản xuất tranh, có sẵn hàng để khách không phải chờ đợi nhưng NH cũng không chịu” - ông Tiến nói.
Không nản chí, sau tết ông Tiến tiếp tục tìm đến NH V hỏi vay 300-500 triệu đồng cho kế hoạch mua nguyên liệu, tuyển dụng nhân sự và đầu tư một ít cho mảng công nghệ thông tin.
“Lần này ngoài thế chấp căn hộ đang mua, tôi đề nghị thế chấp luôn hàng hóa và nguyên liệu đang nằm trong kho nhưng cũng không khả quan gì hơn. Dù hoàn toàn hiểu NH cũng là một DN kinh doanh, nhưng thật sự tôi thấy NH quá khắt khe trong việc tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa như chúng tôi tiếp cận vốn vay” - giọng ông Tiến đầy bức xúc.
Cũng “trần thân” không kém nhưng ông Lý Thành Sinh, tổng giám đốc Công ty CP may thêu Minh Long Hưng, cho biết DN này may mắn hơn khi được Hiệp hội DN TP.HCM làm “ông mai” giới thiệu đến NH V vay 640 triệu đồng mua nguyên phụ liệu sản xuất mặt hàng quần áo trẻ em hôm 9-3.
“Với lời giới thiệu từ hiệp hội nên NH cơ bản chấp thuận đề nghị vay 640 triệu đồng của tôi. Nhưng nếu tính kỹ ra, lãi suất cũng chẳng hề rẻ chút nào. Chưa kể NH còn yêu cầu đóng phí, bảo hiểm 10 triệu đồng và một số chi phí khác 10 triệu nữa. Tính ra nếu cộng cả lãi vay và chi phí đã đóng cho NH, tổng lãi suất tôi trả cho khoản vay 640 triệu đồng đã ngoài 20%/năm chứ đâu có rẻ gì” - ông Sinh than.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa, hiện chỉ có khoảng 30% DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn NH, 70% còn lại “khi được khi không”. “Đặc điểm của nhiều DN nhỏ và vừa là không có tài sản thế chấp, sổ sách kế toán không minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng. Do vậy NH rất thận trọng khi xem xét cho đối tượng DN này vay vì sợ rót vốn rồi sau này DN phá sản, giải thể thì thành nợ xấu” - ông Kiêm cho biết.
Vòng luẩn quẩn
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, kinh tế những năm qua khó khăn khiến tình hình tài chính của DN sa sút, nợ quá hạn phát sinh nhiều, rất nhiều DN không trả được nợ, thậm chí phá sản, kéo theo nợ xấu của NH tăng. Các NH hiện đang “vật vã” xử lý số nợ xấu này nên việc chặt chẽ trong các khoản vay, đặc biệt với DN nhỏ, cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó về phía DN, nếu không được rót vốn để thực hiện các phương án kinh doanh mới thì lấy gì “gỡ” lại nợ cũ. Cứ như vậy DN nhỏ và vừa rơi vào vòng luẩn quẩn, NH cũng khó làm khác được.
Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nói các DN nhỏ và vừa chủ yếu kinh doanh bằng vốn vay và vốn huy động khác nên tình trạng thiếu vốn xảy ra thường xuyên. Thời gian qua, các NH đẩy mạnh chương trình kết nối với DN nhưng chỉ những DN đủ điều kiện mới vay được, còn những DN không đủ điều kiện vẫn không tiếp cận được vốn.
“NH cũng có các chương trình ưu đãi, nhưng muốn nhận ưu đãi DN phải có đủ điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, sổ sách kế toán, trong khi các DN nhỏ không đáp ứng được các điều này nên thiếu vẫn hoàn thiếu” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, hiệp hội cũng đã liên hệ với các NH để giới thiệu cho một số DN vay tín chấp, nhưng không phải DN nào cũng vay được vì NH yêu cầu phải có dòng tiền để trả nợ, sổ sách kế toán phải rõ ràng, làm ăn có lãi...
Ngoài NH, trước đây còn có một “cửa” mà DN nhỏ và vừa có thể tìm đến là quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên gần hai năm nay quỹ này không thể hoạt động vì vướng cơ chế.
Ông Trần Bửu Long, phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP.HCM, cho biết từ sau quyết định 58 về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa được Chính phủ ban hành vào tháng 10-2013, hoạt động của quỹ này rơi vào bế tắc.
Cụ thể, theo quy chế này, “bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện các giao dịch bảo đảm”. Theo ông Long, nhiều DN cho rằng “có tài sản thế chấp rồi cần gì phải bảo lãnh” để mất thêm phí. “Từ sau khi quy định này đi vào thực hiện, hoạt động của quỹ ngưng trệ, hiện chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ xử lý... nợ” - ông Long nói.
Không thể chỉ dựa vào ngân hàng
Thừa nhận những hạn chế, yếu kém từ chính nội tại của DN nhỏ và vừa, ông Võ Đăng Tiến cho rằng trong khi chờ NH có sự thay đổi trong cách đánh giá và thẩm định DN, Nhà nước nên thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với chuẩn cho vay riêng để DN có cơ hội tham gia hoặc NH quốc doanh mua bảo hiểm các khoản cho vay đối với DN nhỏ và vừa.
“Ở các nước, quỹ tín dụng vi mô cho cá nhân không cần thế chấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, VN hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu muốn thật sự tháo gỡ khó khăn cho DN” - ông Tiến đề xuất.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, để giải quyết vấn đề vốn cho DN nhỏ và vừa cần có sự tham gia từ nhiều phía gồm quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, rồi cơ chế bảo lãnh cần thay đổi chứ không nên yêu cầu phải có tài sản thế chấp như hiện nay.
Các DN cũng cần có phương án, kế hoạch trả nợ rõ ràng. Bản thân NH cũng cần mở rộng tài sản thế chấp thay vì tập trung vào bất động sản như hiện nay. “Có lẽ cái khó nhất hiện nay là NH cũng đang “ôm” nợ xấu nhiều nên không muốn phiêu lưu” - ông Hưng thừa nhận.
Trao đổi với chúng tôi, phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại Q.1 cho biết một trong những cái yếu của DN nhỏ và vừa là không chứng minh được đầu ra bền vững, kế hoạch không rõ ràng, chỉ mang tính thời vụ... nên rất khó để NH xét duyệt cho vay. “NH huy động vốn của người dân, kinh doanh phải có lãi, cho những DN không đủ điều kiện vay nếu mất vốn ai chịu? Do vậy rất nhiều trường hợp NH đành phải từ chối” - vị này nói.
Theo vị này, với các DN nhỏ, mới khởi nghiệp nên có quỹ đầu tư khởi nghiệp như các quốc gia khác đã làm, chứ không thể dựa vào NH được. Quỹ này sẽ là nơi giải quyết vốn cho các đối tượng này nếu thấy dự án của DN thuyết phục, chứ NH không thể mạo hiểm.
“Dù NH Nhà nước có chính sách để NH có thể cho DN vay tín chấp, nhưng số lượng DN được vay tín chấp rất hiếm vì quá rủi ro cho NH, trong khi tính hiệu quả lại không cao, chưa kể NH còn mất thêm nhiều thời gian theo đuổi khoản vay này” - vị này giãi bày.
Gỡ khó bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-3, ông Phạm Cư - phó giám đốc Sở Tài chính, thành viên hội đồng quản lý Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng - cho biết quỹ vừa gửi văn bản cho UBND TP kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong việc bảo lãnh tín dụng cho các DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, cho phép các DN được sử dụng khối lượng xây dựng cơ bản đã thực hiện và được TP xác nhận nhưng chưa thanh toán để làm tài sản đảm bảo xin cấp bảo lãnh. Khi có hồ sơ đúng quy định, quỹ sẽ xem xét cấp bảo lãnh cho DN vay vốn các tổ chức tín dụng, đồng thời tổ chức theo dõi, giám sát các khoản vay này để có biện pháp xử lý kịp thời khi DN gặp khó khăn. Theo ông Cư, hiện quỹ này chỉ mới bảo lãnh cho 12 DN do gặp vướng mắc về tài sản thế chấp khi vay vốn. Việt Hùng |
* Ông Nguyễn Đình Tùng (tổng giám đốc NH Phương Đông): Ngay cả những DN nhỏ và vừa nhưng có tình hình tài chính rõ ràng, NH rất dễ xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, phần lớn DN nhỏ và vừa đều đang có tình trạng sổ sách chưa rõ ràng, mục đích sử dụng vốn chưa thuyết phục, đặc biệt khả năng trả nợ vẫn là dấu hỏi lớn nên NH dù có muốn cũng không thể xét duyệt cho vay. Trong thực tế, NH cũng tìm mọi cách tiếp cận DN thông qua các hiệp hội, trung tâm hỗ trợ, thậm chí cán bộ quản lý lúc nào cũng có danh sách dài để gọi hỏi xem DN có nhu cầu vay vốn hay không... Và nếu DN đáp ứng được các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, khả năng trả nợ cao..., chúng tôi cũng xem xét cho vay tín chấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận